Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
- Y học 360
- 23:09 - 03/12/2020
Giúp nhau từ bỏ bạo lực gia đình
Chúng tôi đến với phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng khi chương trình Giao lưu sân khấu hóa về phòng ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em gái của CLB "Nòng cốt tiên phong trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" đang diễn ra. Bằng những tình huống giả định của sân khấu kịch, những những vấn đề về bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em đã được các thành viên CLB thảo luận sôi nổi.
Là người tham gia CLB từ những năm đầu của dự án, ông Đặng Vân (85 tuổi) - sĩ quan quân đội nghỉ hưu cho rằng, tại Việt Nam quan niệm nho giáo trọng nam, khinh nữ đã đi vào tiềm thức của mỗi người. Dự án đã đi đúng trọng tâm, trọng điểm của vấn đề. Việc hình thành các CLB đã tạo ra những diễn đàn tại cộng đồng dân cư, giúp các thành viên CLB thảo luận những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ mà nam giới phải đối mặt trong cuộc sống; nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nam giới trong việc duy trì quan hệ lành mạnh và giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, phát triển bản thân và thể hiện nam tính tích cực. Các thành viên trong CLB là những "hòa giải viên", "tuyên truyền viên" tích cực nhằm làm thay đổi nhận thức và hành vi, hướng tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Việt Nam, kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đã xác định 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành thể chất trong đời, 10% từng bị bạo hành tình dục, 54% phải chịu bạo hành tinh thần. Bạo hành khiến nạn nhân phải chịu những hậu quả nghiêm trọng như chấn thương về thể chất, thậm chí chết người các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe sinh sản, khiến nạn nhân mắc bệnh trầm cảm, thậm chí có ý muốn tự tử
Ông Vân kể, sau khi nghỉ hưu ông cũng đã có thời gian tham gia MTTQ của phường. Vì vậy, những vụ việc vợ chồng cãi nhau, đánh nhau ông cũng thường xuyên thực hiện hòa giải. Nhưng mỗi lần như vậy, ông thường khuyên những người vợ "cơm sôi thì bớt lửa", khi chồng nóng giận thì vợ phải nguôi để gia đình hòa thuận hay chồng nói thì vợ phải nghe… "Nhưng từ khi tham gia CLB, tôi mới hiểu được nguyên nhân gốc rễ của bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới. Từ chỗ hiểu đúng đầy đủ về bình đẳng giới, tôi đã tích cực tuyên truyền cho con cháu, bạn bè, người dân xung quan thực hiện bình đẳng giới phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong các cuộc họp người cao tuổi hay họp chi bộ, tôi luôn tranh thủ đưa các nội dung về bình đẳng giới vào các nội dung cuộc họp để mọi người cùng nhau thay đổi", ông Vân chia sẻ.
Còn bà Đặng Thị Liễu, tổ trưởng Tổ dân phố 15 của phường Hòa Cường Bắc cho biết, trước đây tại Tổ dân phố nơi bà sinh sống cũng có một số cặp vợ chồng thường xuyên to tiếng cãi nhau, thậm chí người chồng đánh vợ nhưng đến nay cuộc sống gia đình họ đã êm ấm, hạnh phúc.
Bà Liễu kể có cặp vợ chồng nhà nọ tuổi còn trẻ, kinh tế rất đầy đủ, con cái đủ trai và gái nhưng anh chồng luôn muốn kiểm soát vợ, không cho đi đâu, tiếp xúc bạn bè bên ngoài. Vì vậy, họ thường xuyên xảy ra xung đột cãi vã nhau, chồng bạo hành vợ. "Nắm được thông tin, tôi đã cùng với một số người trong CLB tiếp cận, làm quen với anh chồng. "Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", chúng tôi bước đầu tìm hiểu đời sống gia đình của họ, nguyên nhân nảy sinh tình trạng bạo lực gia đình. Sau đó, chúng tôi nhẹ nhàng, khéo léo lựa lời phân tích cho anh chồng thấy được cái đúng, cái sai. Lần đầu nói, anh chưa thay đổi, chúng tôi lại đến trò chuyện lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần nữa. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm cách gặp riêng vợ anh để trao đổi, khuyên nhủ về cách ứng xử hợp lý trong gia đình. Chúng tôi từ từ tháo gỡ khúc mắc của họ, từ đó anh chồng đã nhận ra lỗi lầm, thức tỉnh, thay đổi, không còn đánh đập vợ. Giờ đây cuộc sống già đình họ đã êm ấm, hạnh phúc hơn", bà Liễu kể lại.
Nam giới thể hiện cam kết chung tay phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Cùng nhau thay đổi
Còn ông Trần Gia Trung – Phó Chủ nhiệm CLB "Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ gái" phường Bình Thuận, quận Hải Châu cho biết: Dự án "Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" đã cung cấp cho tôi những kiến thức về bình đẳng giới. Bản thân tôi đã biết kiềm chế nhiều hơn, có những hành vi tôn trọng và bình đẳng hơn khi giao tiếp với phụ nữ, đặc biệt với vợ con mình. Trong gia đình, tôi đã chủ động chia sẻ công việc gia đình với vợ, con. Từ chỗ thiếu tự tin trước đám đông nay tôi đã tự tin, mạnh dạn chia sẻ những kiến thức của mình về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (PNVTEG) với các nam giới khác trong các buổi sinh hoạt, trò chuyện cũng như các buổi họp tổ dân phố để mọi người cùng nhau thay đổi.
Theo ông Trung, với số lượng thành viên dao động từ 20-30 người qua các năm, CLB đã tiến hành các buổi sinh hoạt với các chủ đề như: Áp lực khi là nam giới, thay đổi chuẩn mực giới, giao tiếp khi nóng giận, bạo lực và hậu quả đối với PNVTEG, cam kết thay đổi từ các cá nhân… Ngoài những buổi sinh hoạt này, các thành viên CLB tham gia nhiều hoạt động tại cộng đồng như: Hội thi cộng đồng chung tay phòng, chống bạo lực đối với PNVTEG; hội thi tìm hiểu về giới, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với PNVTEG; diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm của hòa giải viên do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức.
"Qua sinh hoạt, các thành viên CLB không những thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với PNVTEG ở gia đình mình mà còn có những đóng góp tích cực đối với cộng đồng khu dân cư. Đặc biệt, có những biện pháp tích cực, phù hợp hơn trong thực thi nhiệm vụ hòa giải các vụ việc liên quan", ông Trung cho biết.
Đánh giá về những tác động của dự án với người dân, bà Lê Thị Lan Phương – Cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) cho biết, lúc đầu dự án chỉ có 4 CLB thử nghiệm (trong 1,5 năm); sau đó thấy hiệu quả trong việc huy động nam giới tham gia nên dự án đã được nhân rộng ra 11CLB khác. Mô hình huy động nam giới tham gia phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đã huy động được nam giới tham gia rất tích cực.
"Trước đây, họ rất ngại xuất hiện trước đám đông nhưng giờ có thể đứng trước một tập thể điều hành chia sẻ những kiến thức về bình đẳng giới. Các anh, các bác còn mang kiến thức bình đẳng giới vào họp chi bộ Đảng, nội tộc dòng họ… để từ đó trong tập thể có sự phân công công việc công bằng hơn, có sự chia sẻ công việc chung giữa nam và nữ trong công việc", chị Phương cho biết.
"Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng" giai đoạn 2018-2020 đã thu hút hơn 8.000 người dân (trong đó 40% là nam giới) tại 11 xã, phường thuộc các quận trên địa bàn. Mô hình các câu lạc bộ nam giới tiên phong trong xử lý mâu thuẫn, xử lý tình huống bạo lực gia đình... tại thành phố Đà Nẵng đã được nhân rộng tại các địa phương khác".
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Hoàng Thu Hương
Theo bà Phương, dự án có sự liên hệ giữa người lớn tuổi và người trẻ tuổi đủ mọi thành phần trong xã hội. Các CLB nòng cốt bao gồm cả nam giới và cha mẹ trên tinh thần kết hợp cả người trẻ tuổi và người cao tuổi. Những người già họ có thể cung cấp cho giới trẻ kinh nghiệm sống để người trẻ tiếp cận phương pháp mới. Thay đổi của người dân trong khu vực dự án triển khai không chỉ về nhận thức mà họ tham gia đoàn kết với nhau hành động tạo ra những nhóm khác nhau. Trước đây có thể chỉ 1 hoặc 2 người đi can thiệp bạo lực nhưng giờ họ đi theo nhóm. Khi làm việc với nhau theo nhóm người cùng chí hướng, họ can thiệp vấn đề tốt hơn.
"Không chỉ chuyển biến về nhận thức mà còn biến thành hành động. Bản thân nam giới đã có những thay đổi chủ động chia sẻ việc nhà, thể hiện sự tôn trọng hơn với phụ nữ, đặc biệt trong quan hệ tình dục họ coi trọng sự đồng thuận với vợ", bà Phương nhấn mạnh.
Dự án được triển khai xuyên suốt với 4 nhóm hoạt động chính gồm:
- Nhạy cảm hóa truyền thông và vận động chính sách;
- Nâng cao năng lực cho cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực;
- Xây dựng tài liệu truyền thông;
- Tổ chức các hoạt động địa phương nhằm huy động người dân, đặc biệt là nam giới nhận ra sức mạnh nội lực của mình, các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực đối với phụ nữ, đoàn kết và cùng tham gia hành động chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.