THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:46

Nằm ghép 2 người chỉ được thanh toán 50% tiền giường

 

Nhiều dịch vụ giảm giá tiền triệu

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, cho biết dự thảo này sẽ điều chỉnh, bổ sung, bãi bỏ danh mục và giá một số dịch vụ; đồng thời hướng dẫn thanh toán đối với một số trường hợp vượt định mức tính giá.

Theo đó, giá khám bệnh tới đây sẽ ở mức 35.000 đồng/lượt (BV hạng đặc biệt và hạng I), 29.000 đồng/lượt (BV hạng II), 23.000 đồng/lượt (BV hạng III) và 20.000 đồng/lượt (BV hạng IV)... Tuy nhiên, số lượt bệnh nhân khám/bàn khám/ngày tại BV hạng II tăng từ 45 lên 55 lượt; BV hạng III và IV từ 35-37 lên 55 lượt, trạm y tế xã tạm tính là 30 lượt/ngày. Với BV hạng I và hạng đặc biệt, con số này được giữ nguyên là 45 lượt khám/bàn khám. Ông Liên cho biết việc điều chỉnh này đã được Bộ Y tế đưa ra dựa trên khảo sát, đánh giá số lượt khám bình quân trên toàn quốc.

Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; có 39  dịch vụ được điều chỉnh giảm giá gồm giá khám, ngày giường, dịch vụ cận lâm sàng...

So với dịch vụ hiện nay, nhiều dịch vụ giảm tới tiền triệu sau khi được phân loại, tách bạch vật tư theo từng dịch vụ. Chẳng hạn: dịch vụ siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm rất mạnh từ 2.058.000 đồng xuống 599.100 đồng, phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3.679.000 đồng còn 1.603.000 đồng, phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ 4.037.000 đồng còn 2.862.700 đồng/dịch vụ... Ngoài ra, với các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm như: siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp CT, tổng phân tích nước tiểu, đường máu mao mạch... đều giảm giá từ hàng chục ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng/dịch vụ.

Nằm ghép 2 người chỉ được thanh toán 50% tiền giường

Cũng tại dự thảo, Bộ Y tế dự kiến tăng giá giường điều trị đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; tăng và giảm ở bệnh viện hạng II, III, IV. Cụ thể, ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh ở dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 677.100 đồng/ngày lên 751.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc từ 362.800 đồng lên 425.100 đồng/ngày và giường bệnh ngoại khoa, phỏng từ 306.100 đồng lên 33.800 đồng/ngày...

Tương tự, với bệnh viện hạng I, giá giường bệnh như trên cũng điều chỉnh từ 632.200 đồng lên 710.000 đồng/ngày, từ 335.900 đồng lên 404.000 đồng/ngày và 286.400 lên 317.000 đồng/ngày.

 

Giá giường điều trị được tính cho 1 người/ giường, nếu nằm ghép 2 người sẽ chỉ được thanh toán 50%


Với các  bệnh viện hạng II, III và IV, phần lớn giá giường bệnh được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không nhiều. Riêng giá giường của trạm y tế xã dự kiến được điều chỉnh từ 54.000 đồng lên 86.000 đồng. Theo ông Liên, giá ngày giường điều trị được tính cho 1 người/giường, nếu nằm ghép 2 người chỉ được thanh toán 50%, ghép từ 3 người trở lên chỉ được thanh toán 30%.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sở dĩ liên Bộ Y tế, Tài chính cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế là  vì giá dịch vụ y tế phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất...; hiện một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Vì thế, mức giá được xây dựng từ năm 2012, 2015 hiện không còn phù hợp.

Ngoài ra, tại thời điểm 2012-2015 số lượng người đến bệnh viện huyện khám thấp. Tuy nhiên, năm 2016 quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, cộng thêm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; các bệnh viện bắt đầu thu hút được nhiều người bệnh đến khám, chữa bệnh. Điều này làm tăng công suất khám, sử dụng giường bệnh; vì thế cần tính toán giảm giá một số dịch vụ.

Bộ Y tế sẽ cân nhắc dịch vụ nào có nguy cơ bị lạm dụng thì sẽ siết lại giá, như chiếu chụp, X-quang, nội soi... Nguyên tắc là dịch vụ nào khuyến khích các cơ sở y tế dùng thì sẽ điều chỉnh tăng giá để bệnh viện cung cấp cho người dân, ngược lại sẽ giảm giá dịch vụ không khuyến khích cung cấp nhiều, ông Nam Liên cho biết.

Cũng theo ông Nam Liên, về lâu dài 18.000 dịch vụ y tế hiện nay sẽ rút gọn còn khoảng 3.000-4.000 nhóm dịch vụ; đồng thời tính toán theo lộ trình để đưa đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao vào cơ cấu giá. Hiện nay mức lương cơ bản đã tăng từ 1,150 triệu lên 1,3 triệu đồng; tuy nhiên lương tính vào giá vẫn áp mức lương cũ.

“Siết” định mức khám chữa bệnh để đối phó với việc lạm dụng quỹ BHYT

Một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi giữa cơ quan BHXH và Bộ Y tế thời gian qua là định mức số lượt khám chữa bệnh và số lượt thực hiện dịch vụ kỹ thuật sẽ được quy định tại dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư này.

Theo ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban Thực hiện chính sách thuộc BHXH Việt Nam, qua công tác giám định, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan bảo hiểm ghi nhận tại các cơ sở khám chữa bệnh , lượng người bệnh khám chữa bệnh ngoại trú/bàn khám/ngày vượt chỉ tiêu nêu trên gấp nhiều lần.Đơn cử, tại một bệnh viện ở Nghệ An có ngày số lượng bệnh nhân/bàn khám/ngày là 180 người hay một bệnh viện đa khoa tuyến huyện là 120 người/bàn khám/ngày. Tình trạng chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá dịch vụ thừa so với sử dụng thực tế của cơ sở khám chữa bệnh. Không chấp nhận thanh toán BHYT vượt định mức gấp 2-3 lần, thời gian qua BHXH Việt Nam tạm thời chưa thanh toán một số khoản kinh phí vượt định mức của nhiều cơ sở khám chữa bệnh.

 

Việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật cũng sẽ được "siết" lại để đối phó với tình trạng lạm dụng quỹ BHYT


Theo Bộ Y tế, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh của một số dịch vụ này sắp tới đây sẽ thay đổi. Cụ thể, đối với bệnh viện hạng I, số lượt khám bệnh trung bình trong 8 giờ làm việc từ 58 lượt bệnh nhân/bàn khám được cơ quan bảo hiểm thanh toán theo mức giá có tiền lương; từ 58-68 lượt, bệnh viện sẽ chỉ được thanh toán mức giá không có tiền lương và từ 68 lượt trở lên, bệnh viện chỉ được thanh toán chi phí thuốc vật tư tiêu hao. Quy định này cũng được áp dụng với các hạng bệnh viện khác.

Đồng thời, với các dịch vụ kỹ thuật (X-quang, CT, cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi tai mũi họng...) vượt định mức, cơ quan bảo hiểm chỉ thanh toán cho bệnh viện  mức giá không bao gồm tiền lương. Trường hợp đặc thù phải thanh toán vượt quá mức này, Sở Y tế sẽ thống nhất với BHXH số lượng ca được thanh toán cho từ cơ sở khám chữa bệnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh