CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:53

Nam Định: Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật lao động

 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hằng năm, Sở LĐ-TB &XH Nam Định đều có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các KCN tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai các chính sách mới về pháp luật lao động, trong đó tập trung vào các chính sách tiền lương, BHXH; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; công tác an toàn vệ sinh lao động… Hoạt động thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động được đổi mới và đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu. Sở LĐ-TB & XH phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lao động, đặc biệt là nội dung Bộ luật Lao động năm 2012, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành thực hiện chính sách lao động, tiền lương.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở LĐ-TB& XH Nam Định tập trung tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các chính sách mới về lao động như: Nghị định 05/2015 NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/1/2015, về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; Thông tư 23, Thông tư 47 của Bộ LĐ-TB &XH. Tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các chính sách mới của Luật BHXH; Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Sở LĐ-TB &XH đã biên soạn, phát hành 2.000 cuốn tài liệu hướng dẫn thực hiện các chính sách mới về pháp luật lao động cung cấp cho người sử dụng lao động; phát hành 34 000 tờ rơi các loại tuyên truyền về các quy định cụ thể của pháp luật lao động như: chế độ ốm đau, thai sản; một số quy định chung của Luật BHXH; công tác an toàn vệ sinh lao động… cấp phát đến người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Cùng với công tác tuyên truyền, từ đầu năm 2016 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn, cấp phát tài liệu cho trên 400 người là cán bộ quản lý Nhà nước về lao động, tiền lương, BHXH các huyện, thành phố; chủ sử dụng lao động và cán bộ nhân sự, tiền lương, BHXH của các doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn về chính sách lao động, tiền lương theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, như: Quy định về hợp đồng lao động, hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động; nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; một số nội dung về tiền lương, định mức lao động trong doanh nghiệp; những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên; quy trình giải quyết tranh chấp lao động; những nội dung mới của Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đầu tháng 8/2016, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật lao động, thu hút hơn 200 doanh nghiệp có đông lao động tham gia.

 

Cán bộ Sở LĐ-TB &XH cấp phát tài liệu tuyên truyền về pháp luật lao động cho cán bộ nhân sự, tiền lương, BHXH của các doanh nghiệp.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nội dung Bộ luật Lao động năm 2012 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, Sở LĐ-TB& XH đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho trên 200 doanh nghiệp trong việc áp dụng thực hiện các quy định về pháp luật lao động. Thực tế tại các doanh nghiệp, các cán bộ phụ trách lao động tiền lương hầu hết chưa có nghiệp vụ chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn trong việc tham mưu với chủ sử dụng lao động thực hiện các quy định về pháp luật lao động, như: Xây dựng nội quy lao động chưa đầy đủ, chi tiết, nhất là về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ bí mật công nghệ; xây dựng định mức lao động, thang, bảng lương, cách tính làm thêm giờ chưa hợp lý; phân ca còn vượt mức quy định 30 giờ/tháng. Về thỏa ước lao động tập thể, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định định kỳ 3 tháng 1 lần tổ chức đối thoại, chưa đưa ra thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật mà mới chỉ dừng lại ở việc sao chép lại quy định của pháp luật về lao động...
Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng và thực hiện các quy định của pháp luật lao động như soạn thảo hợp đồng lao động, nội quy, quy chế lao động, tư vấn đàm phán, soạn thảo thỏa ước lao động tập thể, tư vấn các vấn đề liên quan đến BHXH, chế độ lao động, giải quyết các tranh chấp về lao động, các thủ tục cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam… Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB & XH phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH tại 20 đơn vị, doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, Luật BHXH. Tuy nhiên, còn một số ít đơn vị thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật lao động như: Không ký kết thỏa ước lao động tập thể, không xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng cho người lao động theo quy định, tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động không đầy đủ; không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ về BHXH cho người lao động, nợ đọng tiền BHXH. Thậm chí, có doanh nghiệp mặc dù đã được thành lập từ lâu, nhưng vẫn chưa triển khai tổ chức thành lập công đoàn cơ sở. Đoàn kiểm tra đã trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp chấn chỉnh các vi phạm, xử phạt hành chính đối với một doanh nghiệp; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện đầy đủ các chính sách và pháp luật lao động của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi người lao động. 
Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về lao động, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để người lao động yên tâm sản xuất, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.

Văn Lý (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh