Nắm cái cần nắm, buông cái cần buông, muôn đời tự tại: 5 tài sản nhất định phải đầu tư trong thời kì khủng hoảng
- Bác sĩ
- 14:08 - 16/04/2020
Khi đối mặt với lạm phát cực đoan, giảm phát cực đoan, hoặc tình trạng bất ổn xã hội, danh mục đầu tư nào sẽ có khả năng trụ vững? Những tài sản sau đây đã chứng minh được khả năng hoạt động tốt trong môi trường lạm phát và giảm phát, đồng thời vẫn tồn tại qua những thời kỳ bất ổn xã hội, từ Chiến tranh Ba mươi năm đến thời Đức Quốc xã.
1. VÀNG – TÀI SẢN THỰC SỰ KHÔNG CÓ RỦI RO
Sẽ là khôn ngoan nếu phân bổ từ 10% đến 20% danh mục tài sản có thể đầu tư cho vàng. Việc phân bổ nên có hình thức vật chất như tiền xu hoặc vàng thỏi để tránh việc chấm dứt hợp đồng sớm và thanh toán bằng tiền mặt, vấn đề nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến thị trường vàng giấy trong tương lai.
Đảm bảo an toàn trong khâu logistics, dễ dàng tiếp cận bởi nhà đầu tư, nên được cân nhắc, nhưng tránh để trong ngân hàng, bởi vì vàng được lưu giữ tại các ngân hàng sẽ không dễ rút ra khi cần thiết nhất. Mức phân bổ trên 20% không được khuyến khích vì vàng rất dễ biến động và dễ bị thao túng và bên cạnh vàng, còn các tài sản đầu tư khác thực hiện chức năng bảo tồn tài sản tương tự.
Chúng ta có thể nghĩ về chức năng bảo hiểm của vàng như sau: 20% danh mục đầu tư sẽ đem lại 500% lợi nhuận và cung cấp 100% khả năng phòng vệ rủi ro cho cả danh mục. Vàng hoạt động tốt trong môi trường lạm phát, cho đến khi lãi suất được nâng lên trên mức tỉ lệ lạm phát. Trong môi trường giảm phát, ban đầu giá trị danh nghĩa của vàng sẽ giảm, mặc dù nó có thể hoạt động tốt hơn các loại tài sản khác. Nếu giảm phát vẫn tiếp diễn, vàng tăng mạnh vì các chính phủ định giá lại đồng tiền giấy để tạo ra lạm phát.
Vàng đem lại giá trị cao tính theo trọng lượng và có thể mang theo khi cần trốn chạy.
2. ĐẤT ĐAI – TIỀM NĂNG CHO NHIỀU MỤC ĐÍCH
Tài sản đầu tư này bao gồm đất chưa sử dụng nhưng ở vị trí đắc địa hoặc đất có tiềm năng nông nghiệp, nhưng không bao gồm đất đã quy hoạch. Giống như vàng, đất đai sẽ hoạt động tốt trong môi trường lạm phát cho đến khi lãi suất danh nghĩa cao hơn tỉ lệ lạm phát.
Giá trị danh nghĩa của đất đai có thể giảm trong môi trường giảm phát, nhưng chi phí khai thác, xây dựng còn giảm nhiều hơn. Điều này có nghĩa là đất đai có thể được khai thác với giá rẻ ở đáy của giai đoạn giảm phát và mang lại lợi nhuận cao trong giai đoạn lạm phát, nhiều khả năng sẽ đến ngay sau giảm phát.
Tòa nhà Empire State và Rockefeller Center, cả hai đều ở thành phố New York, được xây dựng trong thời kỳ Đại suy thoái và hưởng lợi từ chi phí nhân công thấp và vật liệu rẻ vào thời điểm đó. Từ đó đến nay, hai dự án này đã chứng tỏ là những dự án đầu tư tuyệt vời.
3. TÁC PHẨM MĨ THUẬT – GIÁ TRỊ KHÔNG BỊ THAO TÚNG
Loại tài sản này bao gồm các bức tranh và bản vẽ có chất lượng bảo tàng, nhưng không bao gồm ô tô, rượu, hoặc các vật lưu niệm. Tác phẩm mỹ thuật cũng đem lại lợi nhuận như vàng trong cả hai môi trường lạm phát và giảm phát, nhưng lại không bị thao túng như vàng. Các ngân hàng trung ương không hề quan tâm đến chuyện giá cả tăng bất thường trong thị trường nghệ thuật và cũng không can thiệp để ngăn chặn điều đó.
Các nhà đầu tư nên tập trung vào các họa sĩ nổi tiếng, tránh những trường phái có thể không được ưa chuộng. Tranh cũng có thể mang theo người và có giá trị cực kỳ cao tính theo trọng lượng. Một bức tranh trị giá 10 triệu USD nặng khoảng 2 pound, tức là trị giá đến 312.500 USD/ounce, gấp hơn 200 lần giá trị của vàng tính theo trọng lượng, và sẽ không bị máy dò kim loại phát hiện.
Nghệ thuật chất lượng cao có thể mua được với số tiền thấp hơn nhiều so với 10 triệu thông qua các phương tiện đầu tư chung và mang lại lợi nhuận cực cao, mặc dù những phương tiện này thiếu tính thanh khoản và tính linh hoạt của quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật.
4. CÁC QUỸ THAY THẾ - CỘT TRỤ TRONG BẤT ỔN
Danh mục này bao gồm các quỹ đầu cơ và quỹ cổ phần tư nhân với các chiến lược cụ thể. Những chiến lược quỹ đầu cơ có thể đứng vững trong môi trường lạm phát, giảm phát và bất ổn xã hội bao gồm chiến lược vốn cổ phần dài hạn, vĩ mô toàn cầu và tài sản hữu hình nhắm vào tài nguyên thiên nhiên, kim loại quý, nước hoặc năng lượng.
Các chiến lược cổ phần tư nhân cũng nên bao gồm các tài sản hữu hình, năng lượng, vận tải và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các quỹ dựa trên các cổ phiếu tài chính, các thị trường mới nổi, các khoản nợ công và các công cụ tín dụng mang lại rủi ro quá mức cho những con đường phía trước. Các quỹ đầu cơ và quỹ cổ phần tư nhân cung cấp mức độ thanh khoản khác nhau, mặc dù một số quỹ nhất định có thể không thanh khoản trong 5 đến 7 năm.
Việc lựa chọn người quản lý có tầm quan trọng sống còn, và nói luôn dễ hơn làm. Sau khi cân nhắc kỹ, bạn nên đưa các quỹ này vào danh mục đầu tư vì lợi ích của sự đa dạng hóa và một nhà quản lý tài năng sẽ có trọng lượng hơn nhiều so với việc thiếu tính thanh khoản.
5. TIỀN MẶT – LỰA CHỌN ĐÁNG NGẠC NHIÊN
Có vẻ như đây là một sự lựa chọn đáng ngạc nhiên trong một thế giới bị đe doạ bởi lạm phát phi mã và những vụ sụp đổ tiền tệ. Nhưng tiền mặt vẫn có chỗ đứng riêng, ít nhất là trong thời gian này, vì nó là một hàng rào chống giảm phát tuyệt vời và có khả năng tích hợp tùy chọn, cho phép chủ sở hữu có thể xoay qua các tài sản khác ngay tại thời điểm có biến cố. Đưa tiền mặt vào danh mục đầu tư cũng làm giảm khả năng biến động của danh mục, ngược lại với đòn bẩy.
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm đồng tiền lý tưởng có thể xem xét đồng đô-la Singapore, đồng đô-la Canada, đồng đô-la Mỹ và đồng euro. Tiền mặt có thể không phải là khoản đầu tư tốt nhất sau một thảm họa, nhưng nó có thể phục vụ nhà đầu tư một cách hiệu quả cho đến khi thảm họa mới xuất hiện. Tất nhiên, thách thức dành cho nhà đầu tư là phải chú ý đến các chỉ dẫn và cảnh báo, kịp thời chuyển đổi sang một trong những tài sản thay thế đã nói trên.
Nhìn chung, một danh mục bao gồm 20% vàng, 20% đất đai, 10% tác phẩm mỹ thuật, 20% quỹ thay thế và 30% tiền mặt sẽ là sự kết hợp tối ưu để bảo tồn tài sản trong điều kiện lạm phát, giảm phát và bất ổn xã hội, đồng thời mang lại lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro cao và tính thanh khoản hợp lý. Nhưng không có danh mục nào thiết kế cho những mục tiêu này mà lại hiệu quả cho một nhà đầu tư “mua và giữ”. Danh mục này phải được quản lý tích cực.
Vì các chỉ dẫn và cảnh báo ngày càng trở nên phổ biến, và khi có đủ lý do để xác định rằng một khả năng sẽ xảy ra thì danh mục đầu tư phải được sửa đổi một cách hợp lý. Nếu giá vàng tăng lên đến 9.000 USD/ounce, thì có lẽ đây là lúc để bán vàng và mua thêm đất. Nếu lạm phát xuất hiện nhanh hơn dự kiến, sẽ hợp lý nếu chuyển đổi tiền mặt sang vàng. Một quỹ cổ phần tư nhân hoạt động tốt trong 5 năm có thể được bán đi nếu không có kế hoạch tái đầu tư, vì tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn sau 5 năm. Không ai biết trước được kết quả chính xác và hiệu quả hoạt động của danh mục, vì vậy không ngừng chú ý đến bảy dấu hiệu kể trên và linh hoạt trong tầm nhìn.
Thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn một cuộc sụp đổ tài chính, và người ta vẫn sống sót để kể lại lịch sử. Nhưng khi thảm họa ập đến, tốt hơn là chúng ta nên ở trong số những người đã sẵn sàng cho cơn bão. Chúng ta không bất lực và có thể bắt đầu ngay từ bây giờ để chuẩn bị đối phó với những thử thách, rủi ro lúc nào cũng có thể xảy đến.
Năm tài sản trên đây sẽ là một sự đảm bảo về mặt vật chất cho bất kì ai khi đứng trước nguy cơ, rủi ro mà thị trường mang lại. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, tài sản đơn thuần chỉ là tài sản, bản thân nó không lại được một sự bình ổn nếu chúng ta không có một lí trí tỉnh táo, sáng suốt để nhìn nhận. Hãy có tầm nhìn, có sự chủ động và lựa chọn khôn ngoan, đối mặt với khó khăn bằng sự vững mạnh trong chính mình, biết rõ cái gì nên nắm, cái gì nên buông, ta mới có thể sống một đời tự tại.
*Bài viết tham khảo nội dung cuốn "TIỀN ĐẤU VỚI VÀNG: Đồng đô-la, tiêu chuẩn vàng, chứng khoán hóa và câu chuyện kì lạ về hệ thống tài chính thế giới".