Năm 2021, TP.HCM bắt đầu nghiên cứu thu phí ô tô vào trung tâm
- Y học 360
- 00:09 - 22/07/2020
Sau 10 năm, đề án nghiên cứu lại từ đầu
Trao đổi với PV, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi được HĐND TP.HCM thống nhất thông qua đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân", Sở GTVT sẽ phải nghiên cứu lại từ đầu giải pháp này. Bởi đây là đề án đã được nghiên cứu cách đây nhiều năm, hiện nay giao thông của TP đã khác, phương tiện giao thông tăng lên, các điểm ùn tắc giao thông cũng đã thay đổi.
Theo ông Đường, việc triển khai thu phí ô tô vào trung tâm là một phần nằm trong đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân". Trong giai đoạn 2021 – 2030, bên cạnh việc kiểm soát xe cá nhân, TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng trên địa bàn TP.
Trong khi đó, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD), đơn vị đề xuất đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP cách đây 10 năm cho biết, nghiên cứu trước đây là nền tảng nhưng 10 năm sau mô hình giao thông đã thay đổi. Đó là chưa kể đến việc sắp tới TP có thêm tuyến metro số 1 nên việc nghiên cứu lại là cần thiết để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Quân cũng nói thêm rằng, so với đề án nghiên cứu trước, việc này cơ bản khác hình thức đầu tư. ITD lúc trước dự kiến thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhưng theo đề xuất từ Sở GTVT sử dụng từ ngân sách.
Trước đó, khi xây dựng đề án này, Công ty phải mời chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu nhưng hiện nay các chuyên gia Việt Nam cũng có thể làm được và đây là điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, đề án phải được nghiên cứu kỹ về vấn đề xử phạt đối với những ô tô không đóng phí.
Chi gần 400 nghìn tỷ phát triển giao thông công cộng, giảm xe cá nhân
Thống kê tại tờ trình của UBND TP về kết quả khảo sát, điều tra xã hội học việc kiểm soát xe cá nhân. Kết quả, nhiều ý kiến cho rằng nên hạn chế xe cá nhân lưu thông vào giờ cao điểm (82% đối với ô tô và 83% đối với xe máy). Có trên 61% số người được khảo sát cho rằng nên ngưng hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy khu vực các quận nội thành trước năm 2030. Gần 70% ý kiến đồng tình thu phí ô tô vào một số khu vực trung tâm TP.
Trên cơ sở đó, tại kỳ họp HĐND TP.HCM mới đây, các đại biểu đã tán thành việc xây dựng đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân". Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng đây là đề án rất quan trọng, có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như cuộc sống của người dân thành phố.
Theo quan điểm của HĐND TP, phát triển giao thông công cộng phải kết hợp, đi đôi với việc hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Trong đó, phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn (metro, monorail,...) là điều kiện đảm bảo phát triển vận tải hành khách công cộng bền vững.
Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo (bao gồm đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác), đảm bảo hệ thống giao thông công cộng phát triển bền vững. Các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế cần được kết hợp hài hòa và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trong việc kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Giải pháp để hạn chế ùn tắc bao gồm thu phí xe ôtô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030. Tổ chức quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại các khu vực phát triển đô thị mới, các đầu mối giao thông vận tải khối lượng lớn (nhà ga đường sắt đô thị, điểm trung chuyển lớn,...) giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó là nhóm giải pháp hỗ trợ như quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm TP; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.792 tỷ đồng, bao gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.644 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến đầu tư khoảng 16.817 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 là 30.827 tỷ đồng. Các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA khoảng 346.148 tỷ đồng.