CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:35

Năm 2020: Quyết liệt kiểm soát ô nhiễm môi trường

Còn tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm 2019, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Ô nhiễm không khí đang ngày trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng "xấu" hơn với sự gia tăng các nguồn thải gây ô nhiễm.Đáng chú ý, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân, nhất là bụi mịn PM2.5.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải được thải ra môi trường đang ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt hiện nay còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.

Cùng với chất thải rắn và ô nhiễm không khí, nước thải cũng là điều đáng lo. Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho thấy nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, mà xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.

Đáng chú ý, vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm.

Năm 2020: Quyết liệt kiểm soát ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Người dân "kín từ đầu đến chân" khi ra đường trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng

Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên chưa được xử lý triệt để là do vẫn còn tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằn mọi giá, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường.

Quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa được thực hiện triệt để. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; việc thực thi công tác bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường còn chồng chéo, bất cập, chưa theo kịp những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề. Các dự án thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xu hướng đầu tư vào Việt Nam. Năng lực phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường của các doanh nghiệp ở một số địa phương còn nhiều bất cập.

Kiên quyết xử lý mạnh các hành vi gây ô nhiễm môi trường

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, năm 2020,Tổng cục Môi trường sẽ có những hành động quyết liệt, những giải pháp mang tính đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra. Đó là kết hợp công tác bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế chất thải rắn; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường; từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn... Hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Năm 2020: Quyết liệt kiểm soát ô nhiễm môi trường - Ảnh 2.

"Gánh nặng" về ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục bị đẩy sang năm 2010

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tăng cường cơ chế giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án vận hành an toàn.

"Đặc biệt, Tổng cục Môi trường sẽ đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó tập trung rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Tăng cường quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí trong các đô thị lớn, kết nối số liệu quan trắc Trung ương và địa phương để cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả" Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh