CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:07

Năm 2020: Đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng, an sinh xã hội không ngừng được nâng cao

Năm 2020: Đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng, an sinh xã hội không ngừng được nâng cao - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội chiếm 68%

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ đã trình bày và ý kiến phát biểu của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng cho biết, nhìn lại 4 năm qua và năm 2020 trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế; an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng; uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng lên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ, nhất là năm 2020 trước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid, từ Trung ương đến cơ sở đã kiên định thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và được hiện thực hóa trong từng chủ trương, chính sách, trong hệ thống pháp luật và từng chương trình, dự án cụ thể, đảm bảo quyền an sinh xã hội của mọi người dân theo Điều 34 của Hiến pháp. Nhìn tổng thể các chính sách xã hội của chúng ta trong thời gian qua có chuyển biến tích cực. Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao. Đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo; 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao chúng ta đứng thứ 110 trong 189 quốc gia. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh, về đích trước 10 năm so với mục tiêu Thiên niên kỷ là 1/30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Kết quả giảm bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 đến nay là 2,75% năm 2020.

Năm 2020: Đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng, an sinh xã hội không ngừng được nâng cao - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.

5 năm cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng, trên 70 nghìn người Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước dành nhiều quan tâm  và đón từ nước ngoài về, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Các chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng năm 2020 Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN và 77/158 quốc gia về đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Xét về tổng quan trong ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá là làm tốt hơn về chi tiêu cho an sinh xã hội, mức đầu tư chiếm 21% tổng chi ngân sách, cao nhất trong các khối ASEAN.

Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc so với năm 2019. "Đây có thể nói là kết quả vô giá của chúng ta về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương dành cho chính sách an sinh xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chăm lo chu đáo cho các đối tượng bảo trợ xã hội để không ai là không có Tết

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn mà ngành gặp phải, đó là độ bao phủ an sinh xã hội của chúng ta còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội đối với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%). Chênh lệch giàu nghèo, mức hưởng thụ, hệ số GINI cao (0,39) làm giảm hiệu quả giảm nghèo và triển vọng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao (32%); việc làm chưa thực sự bền vững. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em và phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, trong 5 năm tới, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí Thư và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ, chúng ta phải nhất quán thực hiện phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đặt con người là mục tiêu và động lực phát triển, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng một cách tốt nhất thành quả cách mạng. Chúng ta phải kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, trước hết cần tập trung phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững an sinh xã hội với 3 nội dung cơ bản đó là kỹ năng lao động, việc làm thoả đáng và an sinh xã hội bền vững; cùng với 2 trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; xây dựng mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội, bao gồm cả 3 khâu: Phòng, chống và khắc phục rủi ro.

Thứ hai, chăm lo cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng theo pháp lệnh sửa đổi mà Thường vụ Quốc hội vừa sửa trong tháng 12; mở rộng và nâng dần mức thụ hưởng của người nghèo, người khuyết tật, người già, nhất là người già neo đơn; bảo vệ và kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em và phụ nữ.

Thứ ba, đối với triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2026, ngày 11/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại hội nghị tổng kết và có kết luận số 405/TB-VPCP về vấn đề này. "Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 29/12, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thống nhất sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2026, dự kiến với mức 1,5 triệu đồng/người/ tháng tại khu vực nông thôn, mức 2 triệu đồng/người/tháng tại khu vực thành thị và đáp ứng được khoảng 80% mức sống tối thiểu, thời gian áp dụng sẽ điều chỉnh cùng với cải cách chính sách tiền lương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Năm 2020: Đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng, an sinh xã hội không ngừng được nâng cao - Ảnh 3.

Các đại biểu dự hội nghị.

Bộ trưởng cho biết: Trước mắt năm 2021, theo quyết định của Bộ Chính trị và Quốc hội chúng ta chưa điều chỉnh chuẩn nghèo, như vậy cả nước tỷ lệ hộ nghèo hiên nay còn 2,7%. Trong khi đó, chỉ tiêu quyết định giảm 1,1 -1,5%. "Chúng tôi cho rằng đây là việc vô cùng khó khăn do phần lớn số này khó có thể thoát nghèo, tuyệt đại bộ phận này nằm ở lõi nghèo là vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm 3 vấn đề cơ bản. Vấn đề gốc ở đây để giải quyết tận gốc đói nghèo là phải tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế là chìa khoá để thoát nghèo. Hai là, các địa phương căn cứ vào tiêu chí phân loại hộ nghèo cần chỉ đạo rà soát, tách toàn bộ số người không thể thoát nghèo do tật nguyền, già cả, neo đơn, không nơi nương tựa, nghèo kinh niên sang hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Chính phủ sẽ sớm sửa đổi Nghị định 136/2013 để nâng dần mức trợ cấp xã hội.

Thứ ba, các địa phương triển khai chương trình phân công vùng kinh tế giàu, người giàu giúp đỡ vùng nghèo, người nghèo, phân công đảng viên giúp đỡ cụ thể người nghèo.

Thứ tư, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo và đào tạo lại người học gắn nhu cầu thị trường; phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và phát triển. Tổng cục Giáo dục sẽ phối hợp với Tập đoàn Dệt may giày da thí điểm đào tạo lao động bằng quĩ kết dư của Bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ năm, cần tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi mà một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương mới, vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được qui định tại Bộ Luật Lao động có hiệu lực từ mùng 1/1/2021. "Đây là những vấn đề rất quan trọng sẽ làm thay đổi căn bản trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.

"Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ. Thay mặt cho những ngành và những người yếu thế, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, phối hợp chăm lo chu đáo nhất để mọi người, mọi nhà, nhất là người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, những người bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai đón Tết Tân Sửu 2021 đầm ấm, vui tươi, không để ai bị đói, không ai là không có Tết",  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cù Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh