Năm 2020: Ảnh hưởng Covid-19, ngành LĐ-TB&XH vẫn đạt những kết quả quan trọng, nhiều dấu ấn đặc biệt
- Tây Y
- 19:13 - 11/01/2021
Sáng 11/1/2021, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 theo hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.
Các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh; đại diện đông đảo các Bộ, ban ngành; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước cùng tham dự.
Các lĩnh vực của Ngành đều chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020 và đặc biệt năm 2020 với ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế;
An sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng; uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng lên.
"Trong kết quả chung đó, 5 năm qua với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả", ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã không ngừng nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho các cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, qua đó trên các lĩnh vực của Ngành đều chuyển biến tích cực", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; mức thụ hưởng chính sách an sinh xã hội không ngừng được nâng cao.
Thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020.
Theo Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tình hình thực hiện năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của Nhân dân… đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của cả nước nói chung, các mục tiêu kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 của ngành LĐ-TB&XH nói riêng.
Trong bối cảnh đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; ổn định an sinh xã hội.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã cùng cả nước vượt qua một năm 2020 đầy khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng, có những dấu ấn đặc biệt.
Cụ thể, về xây dựng thể chế: Trong năm 2020, Bộ đã tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội.
Theo đó, tạo lập khuôn khổ pháp lý ngày càng minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, người có công với cách mạng, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả đã hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã hoàn thành một khối lượng văn bản lớn; trong đó đã trình Quốc hội ban hành 3 luật.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động;
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 Pháp lệnh; trình Chính phủ ban hành 40 Nghị định; ban hành theo thẩm quyền 125 Thông tư.
Đặc biệt, đã tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018... Cũng trong giai đoạn này, Bộ cũng đã tham mưu, trình phê chuẩn 4 Công ước quốc tế.
Bên cạnh đó, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng đạt nhiều kết quả lớn, có tính đột phá.
GDNN: Năm 2020 tuyển sinh 2,28 triệu người, vượt kế hoạch
Lĩnh vực Giáo dục Nghề nghiệp: Chất lượng được nâng cao; gắn kết đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ.
Năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực GDNN đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Công nhận ngày 4/10 hằng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam; Các nút thắt về phân luồng học sinh từ trung học cơ sở được tháo gỡ, làm thay đổi căn bản nhận thức của xã hội về GDNN.
Kết quả, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra.
Song song đó, mạng lưới các cơ sở GDNN tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo lộ trình, tính đến nay cả nước có 1.911 cơ sở GDNN, trong đó có 686 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,8%).
Ước tuyển sinh 5 năm đạt khoảng 11,1 triệu người, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 2,47 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,63 triệu người.
Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Năm 2020 giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người
Báo cáo cũng cho biết, tuy chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực lớn, ước cả năm 2020 giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019.
Trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người; đưa trên 78 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính chung cả năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61% (đạt mục tiêu).
"Trong tình hình các nước thất nghiệp cao thì kết quả giải quyết việc làm trong năm qua là một thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và Nhân dân trong phục hồi, duy trì phát triển kinh tế - xã hội", Báo cáo nêu.
Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, thị trường lao động có sự chuyển biến tích cực; lực lượng lao động cả nước năm 2020 tuy giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song vẫn có xu hướng tăng trong cả giai đoạn.
Ước 5 năm cả nước giải quyết việc làm gần 8 triệu người, đạt mục tiêu đề ra; trong đó: Giải quyết việc làm trong nước trên 7,3 triệu người; đưa trên 634 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt chỉ tiêu 27%, về đích kế hoạch 5 năm trước 1 năm); hiện tại có gần 550 nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
BHXH tự nguyện: Tăng gấp 3 lần 10 năm, về đích trước 2 năm
Báo cáo cũng cho thấy, các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp được đẩy mạnh thực hiện; chính sách BHXH, BHYT trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hết năm 2020 có khoảng 16,047 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (tham gia BHXH bắt buộc khoảng 15,033 triệu người, tăng 24,5% so với cuối năm 2015; tham gia BHXH tự nguyện là 1,013 triệu người, tăng 365,4% so với cuối năm 2015); trên 13,27 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Riêng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh, chỉ trong 2 năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần giai đoạn 10 năm trước đây và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Hệ thống BHXH từng bước được xây dựng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện; giai đoạn 2016-2019 tiền lương bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương có tốc độ tăng khá cao đạt 9,01%/năm.
Đặc biệt, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện tốt, đời sống người có công và thân nhân được nâng cao. Trong năm, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Song song, tiếp tục giải quyết tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tại các địa phương; cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở đối với người có công có khó khăn về nhà ở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Hướng dẫn các địa phương tặng quà Tết của Chủ tịch nước cho 1,7 triệu đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán 2020 với tổng kinh phí hơn 358 tỷ đồng; tặng quà nhân dịp ngày 27/7 với kinh phí hơn 330 tỷ đồng. Đáng chú ý, tập trung đổi mới công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện thí điểm qua hệ thống Bưu điện tại 21 tỉnh, thành phố.
Tổ chức triển khai các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; trong đó có hoạt động gặp mặt 300 Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc tại thành phố Hà Nội và Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tại tỉnh Quảng Nam…
Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng và thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 tương đối toàn diện, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên 1.624.000 đồng năm 2020.
Đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết dứt điểm, không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Ngoài ra, các lĩnh vực xã hội cũng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Đánh giá chung, Báo cáo của Bộ LĐ - TB&XH cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế.
Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế.
Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020.
Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore.
Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020.
Theo đó, thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành "một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới". An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống; đến nay có trên 3,1 triệu người, chiếm trên 3% dân số được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Bên cạnh đó, bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả; khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp; địa vị của phụ nữ được cải thiện trong tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm cả về chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nguồn lực. Các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo. Đồng thời, công tác phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường; cách tiếp cận, ứng xử đối với các vấn đề nghiện ma túy và mại dâm dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người…
Những kết quả nổi bật đó, đã góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, kiểm soát và đảm bảo trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tặng Cờ Thi đua và Bằng khen cho các đơn vị, các Sở LĐ-TB&XH dịp tổng kết năm 2020.
Theo đó, 12 địa phương và 17 đơn vị nhận cờ Thi đua; Tặng Bằng khen cho 33 địa phương và 22 đơn vị đã có nhiều thành tích xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu trong các phong trào thi đua năm 2020.
Báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh) được tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020.
Chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
Chỉ tiêu Quốc hội giao:
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%.
Trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên đạt 25,5%
Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước hằng năm 1 - 1,5%
*Báo Dân sinh sẽ tiếp tục đưa tin về Hội nghị trực tuyến trong các bản tin sau.