CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:26

Năm 2018 bão không nhiều nhưng dị thường, cực đoan

 

Trong đó sẽ có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta (trung bình nhiều năm phổ biến 5 - 6 cơn) và càng về cuối mùa báo có khả năng sẽ mạnh hơn. Với vùng biển phía Nam, ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới sẽ không mạnh và nhiều như năm 2017.

Ông Cường thông tin thêm, hiện nay, đang có 1 cơn bão hoạt động tại Bắc Thái Bình Dương và trong 1 - 2 tuần tới, sẽ có thêm 1 cơn nữa. Song xu hướng chung, nhiều khả năng bão đi theo hướng Bắc, không ảnh hưởng nhiều đến Biển Đông.

Mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

 

Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện tại, Trung tâm đang theo dõi sát diễn biến 1 vùng xoáy thấp có khả năng thành áp thấp nhiệt đới vào cuối tuần này và có khả năng mạnh lên thành bão. Về nền nhiệt trong 1 - 2 tháng tới, cơ quan dự báo cho biết, nắng nóng vừa qua tại đồng bằng Bắc Bộ là đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm 2018 nhưng đối với các tỉnh miền Trung sẽ còn 1 đến 2 đợt tương tự, xuất hiện vào nửa cuối tháng 7 và tháng 8 nhưng khả năng không lâu và gay gắt như đợt vừa qua, bởi các cơn mưa, giông sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Riêng nền nhiệt 6 tháng cuối năm, các tỉnh miền Bắc sẽ có nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm, nhiều khả năng sẽ có mùa đông ấm. Về lượng mưa, thời điểm mưa ở miền Bắc sẽ kết thúc hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên mưa lớn trái mùa vẫn xuất hiện, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt trong tháng 7 - 8.

Do hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang pha nóng EL NINO vào các tháng cuối năm, khiến các tỉnh phía Nam ít mưa, do đó hiện tượng hạn hán xâm nhập mặn các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ gay gắt hơn các năm gần đây, bắt đầu từ tháng 12/2018 và gay gắt nhất vào các tháng 1,2,3/2019.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tính khốc liệt của dị hình thời tiết, tác động biến đổi khí hậu ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm 2018, thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chưa năm nào tháng 6 mưa dồn dập, đặc biệt tập trung tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như năm nay. Trận mưa quá lớn kéo dài trong 2 ngày gây sạt trượt diện rộng tại tỉnh Lai Châu, cả vùng chè bao năm bình ổn sau trận mưa sạt lở.

Cũng chưa năm nào có đợt nắng nóng kéo dài liên tiếp 8 ngày với nền nhiệt trên 40 độ C tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Ghi nhận tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhiệt độ cao nhất 41,6 độ C; tại Sơn Tây (Hà Nội) 40 độ C.

Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, thời gian tới Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cần đặc biệt quan tâm đến công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp kịp thời các bản tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp; có kế hoạch, giải pháp nâng cao hơn nữa năng lực dự báo, cơ sở vật chất..., phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Khí tượng Thủy văn quốc tế, các Bộ, ngành địa phương, các cơ quan báo chí trong công tác ứng phó với thiên tai.

"Mặc dù theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những tháng cuối năm 2018, nhiều khả năng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta không nhiều như năm 2016, 2017 nhưng với tính chất dị thường, cực đoan, trái quy luật cộng với tình hình biến đổi khí hậu... đòi hỏi chúng ta không được lơ là, chủ quan mà phải luôn chủ động, đặc biệt là đối với cơ quan thực hiện nhiệm vụ dự báo, cảnh báo", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tăng cường tham gia của khu vực tư nhân trong phòng chống thiên tai, nhất là hỗ trợ ưu tiên cho doanh nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả đầu tư cho Phòng chống thiên tai. Chỉ đạo lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất; thúc đẩy chủ hồ chứa tổ chức đo đạc quan trắc thông tin mưa, lũ trên lưu vực; trang bị thiết bị thông tin cảnh báo thiên tai cho trưởng thôn, trưởng bản, người dân. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017 và các tháng đầu năm 2018; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là các tình huống thiên tai lớn trên cấp 3.

Chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện cảnh báo, hướng dẫn tới tận người dân phòng chống thiên tai bằng các hình thức đa dạng, thiết thực, gần gũi với cộng đồng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh