THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:47

Năm 2018: Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội sáng 28/12 có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ…

Năm 2018: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tầm quan trọng của Hội nghị này khi lần đầu tiên Hội nghị Chính phủ với địa phương có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; khẳng định đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Nêu bật những kết quả đạt được trong năm 2017 cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bước vào năm 2018, các cấp, các ngành cần tận dụng đà phát triển của 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm 2018 và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 được trình ra Hội nghị, đó là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, của hệ thống hành chính trong siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cùng với những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết số 01 ngay sau Hội nghị để cả hệ thống hành chính sớm bắt tay vào nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Quốc hội đã đề ra cho năm 2018 và cả giai đoạn 2016-2021.

 

Thủ tướng Chính phủ khẳng định không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”

 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động của năm 2018 là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”; xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Quan điểm trên của Chính phủ nhận được sự đồng thuận cao trong các phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

 Tổng Bí thư: Chế độ chính sách người có công, người nghèo được thực hiện tốt hơn

Tại hội nghị Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm; thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là những khi thiên tai, bão lũ xảy ra...  Bên cạnh đó, năng lực đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ được nâng lên. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã tạo được những chuyển biến khá rõ nét trong đánh giá, thi, tuyển sinh, tự chủ đại học”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Trong năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là, về kinh tế-xã hội, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả cao nhưng đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại và đầu tư ở nhiều nơi.

Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được. Năm 2018 , Tổng Bí thư gợi ý các điểm cần chú ý, trước hết là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, xác định đúng mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường – xã hội, tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ chốt, kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng của nền kinh tế… cùng bình đẳng trong cạnh tranh, phát triển.

Một nội dung quan trọng khác được Tổng Bí thư chỉ đạo là kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư lưu ý đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các địa phương không lên Hà Nội biếu xén dịp Tết

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương không lên Hà Nội biếu xén lãnh đạo dịp Tết và “phải đặt chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở thì mới chuyển biến từ cơ sở”.

Quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2018 trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không lên Hà Nội biếu xén vì có tâm lý sợ mang tiếng, sợ mất lòng lãnh đạo cấp trên. Đây là nội dung quan trọng để thảo luận tại Hội nghị để ngăn chặn việc này.

Liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng chỉ rõ hiện nay có rất nhiều khiếu nại. Trong đó, dân ở nhiều địa phương kéo về Hà Nội, TP HCM để khiếu nại. Về nguyên nhân, Thủ tướng thẳng thắn nói: "Nhiều nơi, chúng ta không chịu đối thoại với dân, bỏ mặc dân. Chủ tịch huyện, chủ tịch xã có đối thoại với dân không? Tất cả những việc khiếu nại này chủ yếu là đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng, chúng ta không làm, cứ đẩy lên trung ương. Chúng ta phó mặc cho người dân đi khiếu nại".

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, huyện, tỉnh, phải bố trí cán bộ giải quyết sớm khiếu nại của người dân. "Năm nay, tôi sẽ thực hiện chủ trương là ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội khiếu nại thì tôi mời Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết" – Thủ tướng nói rõ.

 Đối với thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0, Thủ tướng cho rằng, các địa phương phải tích cực thực hiện hơn nữa khi mà “thế giới đang làm mạnh mẽ mà mình chưa hiểu thế nào cả thì làm sao được, nhất là các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các ngành. Chúng ta không biết bắt đầu từ đâu thì rất khó khăn cho phát triển bền vững. Đây là khâu để tăng năng suất lao động tốt hơn, người dân hưởng lợi nhiều hơn”. Thủ tướng nhắn nhủ, phải đặt một câu hỏi là “cách mạng công nghiệp 4.0 ở Bộ mình, địa phương mình là cái gì và bắt đầu từ đâu”.

 

Ảnh minh họa

 

Năm 2018: Phấn đấu đạt tăng trưởng 6,7%

Về nhiệm vụ của năm 2018, Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng ở cận trên so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra (6,5-6,7%), tức tối thiểu phạt đạt 6,7%. Cố gắng đạt chỉ tiêu này, theo Thủ tướng, vì đây là con số có ý nghĩa lớn để có thể tạo việc làm, lo an sinh xã hội, cải cách tiền lương cho năm sau.

Cụ thể hoá nhiệm vụ, Thủ tướng cho rằng cần tập trung thúc đẩy việc tăng năng suất lao động, cải thiện rõ rệt hơn các chỉ số đánh giá chất lượng sống của người dân, ví dụ chỉ số về môi trường, xã hội bình yên hơn, an ninh an toàn hơn, mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Đó chính là ý nghĩa của việc phát triển bền vững. Thủ tướng cũng muốn có chuyển biến rõ rệt hơn về sức sống của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm quốc gia. Thủ tướng đặt vấn đề, cần có biện pháp xây dựng nền kinh tế tự chủ trong hoàn cảnh mới. Các cơ quan nhà nước nỗ lực mở rộng việc đàm phán để có thêm thị trường, đa dạng hoá các quan hệ, đối tác… mục đích chính là để nền kinh thế không phải bị động, phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Đề cập đến phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc "đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế", Thủ tướng nêu rõ yêu cầu tiếp tục cải cách, đổi mới trong bộ máy, nhất là bộ phận tham mưu. "Lãnh đạo chuyển liên tục, nhưng tổng cục vẫn không thay đổi, tham mưu vẫn kiểu cũ thì rất khó. Thang điểm hội nhập quốc tế phụ thuộc nhiều yếu tố, mà những người trực tiếp làm rất quan trọng. Cấp vụ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc các sở, chủ tịch huyện không chịu đổi mới, hội nhập, không thay đổi tư duy thì rất khó khăn cho đất nước", Thủ tướng nói.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh