CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Năm 2017 chưa thích hợp để đổi mới thi THPT quốc gia

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Chiều 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo về phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017, ngay lập tức nhận được sự phản biện, góp ý của báo chí, dư luận xã hội. Bản thân tôi, trên cơ sở chuyên môn về Toán và kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy (môn toán ở THPT, luyện thi ở bậc đại học) xin bày tỏ một số phân tích, bình luận về vấn đề liên quan như sau.

Trước hết, tôi ủng hộ và công nhận hai “tiên đề” sau đây cho các ý kiến của mình:

- Về quan điểm, chủ trương của Bộ Giáo dục trong việc đổi mới công tác thi cử là hướng tới thí sinh, hướng tới tổ chức một kỳ thi gọn nhẹ, nghiêm túc, hiệu quả và tiết kiệm.

- Phương thức đánh giá tự luận và trắc nghiệm đều có ưu điểm. Đây có lẽ là vấn đề hiển nhiên, không có phương thức thi nào là tuyệt đối tốt. Ngay cả như môn Văn, khi mục tiêu chẳng hạn để kiểm tra các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, về một số yếu tố về từ, ngữ pháp… thì hình thức trắc nghiệm rất hiệu quả; nhưng khi cần kiểm tra khả năng lập luận, dàn ý, quan điểm, cảm xúc… của học sinh thì rõ ràng hình thức tự luận mới có hiệu quả.

Mặt khác, khi xem xét lại quá trình giáo dục từ bậc THPT cho tới khi bắt đầu đi vào đào tạo nghề nghiệp, tôi phân chia quá trình kiểm tra, đánh giá làm ba bước:

Bước 1: Kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong suốt bậc học THPT.

Bước 2: Kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.

Bước 3: Kiểm tra, đánh giá đầu vào quá trình đào tạo nghề nghiệp.

Đối với giáo dục nước ta, bước 1 được thực hiện rất “nghiêm túc” đúng quy trình và bám sát chương trình, sách giáo khoa của Bộ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng thống nhất trên cả nước là quá trình kiểm tra đánh giá cứng nhắc, đơn điệu từ phía các thầy cô giáo. Chủ yếu là nhằm rèn luyện cho học sinh làm quen với các phương thức của các kỳ thi chính khi kết thúc bậc học, mà ít quan tâm khai thác vận dụng các ưu điểm của các phương thức đánh giá khác nhau nhằm hướng tới mục tiêu đánh giá tốt về kiến thức và kỹ năng của học sinh.

Như trong môn Toán, tôi nhận thấy rằng khi cần hệ thống hóa kiến thức, ôn tập các chương, kiểm tra phản ứng nhanh của học sinh… thì phương thức trắc nghiệm rất có hiệu quả, vừa nhanh chóng, gọn nhẹ và tạo được hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, với một số modul kiến thức đòi hỏi sự đào sâu hoặc kết hợp vận dụng nhiều kiến thức và phải được diễn đạt một cách có hệ thống logic thì rõ ràng phải dùng phương thức tự luận, lúc này mới khuyến khích được sự tìm tòi, mày mò của học sinh.

Và rõ ràng, khi giải quyết được những vấn đề như vậy thì không chỉ đem lại kiến thức, kỹ năng cho các em, mà còn có niềm vui, gây được động lực và tình cảm của học sinh đối với tri thức khoa học. Với vấn đề này, về phía chủ quan là các thầy cô giáo chưa thực sự sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện một nhiệm vụ rất vinh quang là đánh giá học sinh của mình. Nhưng ở mặt khách quan có thể thấy rằng, với phương thức quản lý ở các trường hiện này, có rất ít yếu tố khuyến khích sự sáng tạo và thể nghiệm của người dạy, mà đa phần là chọn phương thức truyền thống, đúng quy trình là an toàn nhất.

Rõ ràng là nếu chúng ta có sự khuyến khích và các thầy cô giáo chủ động sáng tạo trong quá trình kiểm tra đánh giá thì có lẽ chúng ta không phải tốn nhiều giấy mực đến thế để tranh luận về phương thức thi tự luận hay trắc nghiệm như trong thời gian qua.

Ngược lại với bước 1, bước 3 chúng ta gần như đang ở con số 0. Cách đây ba năm, Bộ có chỉ đạo về lộ trình đến năm 2017 các trường chủ động trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, tất cả chỉ có vậy, không có sự đôn đốc và hướng dẫn cụ thể nào thêm. Đến nay, có thể nói tất cả các trường (trừ Đại học Quốc gia Hà Nội) đều chưa sẵn sàng cho việc này. Điều này có thể là do năng lực quản trị đại học của các trường chưa đủ tầm, nhưng cũng có thể do một nguyên nhân chính là sự cạnh tranh trong đào tạo đại học ở nước ta chưa lành mạnh. Các trường chủ yếu chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh về số lượng như một yếu tố sống còn, cho nên việc đưa ra một phương thức tuyển sinh mới lạ là rất mạo hiểm.

Với quy trình đánh giá ba bước như vậy, ta thấy một thực trạng rằng ở bước 1 có thực hiện nhưng kết quả đó lại dường như không dùng gì cho các bước tiếp theo. Và với bước 3 chưa thực hiện được thì mọi sự tập trung đều dồn vào bước 2. Sứ mệnh của bước 2 là rất lớn và thu hút sự tập trung gần như của cả hệ thông giáo dục. Điều này chắc chắn tạo ra những bất cập và mâu thuẫn không dễ gì giải quyết như đã được phân tích bởi rất nhiều chuyên gia ở nhiều diễn đàn.

Qua việc nhìn nhận vấn đề và phân tích như trên, ta có thể rút ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất, với sự chuẩn bị ít ỏi cả về quan điểm, chuyên môn và tâm thế cho ba bước đánh giá trên đây thì dự thảo mà Bộ đưa ra nếu thực hiện có lẽ chỉ đạt được một mục tiêu duy nhất là tiết kiệm. Theo tôi, xét ở góc độ kinh tế này, ta nên tìm cách tiết kiệm ở chỗ khác.

Thứ hai, để thực hiện thành công việc đổi mới căn bản, toàn diện khâu kiểm tra đánh giá ta cần có sự phân tích một cách hệ thống, đồng bộ các bước, có lộ trình kế hoạch và rốt ráo chuẩn bị một thời gian nhất định. Thời điểm năm 2018 có thể là hợp lý để triển khai đồng bộ nếu Bộ có chương trình kế hoạch hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.

Thứ ba, rõ ràng những chủ trương, quyết định trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đều nhận được sự quan tâm và có tác động sâu rộng tới toàn xã hội nên cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị, thể nghiệm cẩn thận trước khi công bố. Tôi cho rằng, trước tiên là phải tạo được sự đồng thuận ngay trong nội bộ “trong nhà”. Chính các thầy cô và những người công tác trong ngành giáo dục phải là những người trước tiên thấu hiểu, đồng thuận và ủng hộ các chủ trương của Bộ và từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.

Đây cũng chính là một trong những phát biểu đầu tiên ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn là lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục và đào tạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi quan sát thấy chúng ta mất nhiều thời gian để bàn về việc của các thầy. Việc của các thầy cứ tung ra xã hội, việc của các thầy là chương trình thế nào, dạy thế nào tổ chức thi thế nào, đó là việc của các thầy”.

TS HOÀNG NHẬT QUY - Giảng viên Khoa Toán Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng / vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh