CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:23

Thi trắc nghiệm môn toán cần có thời gian và lộ trình

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016.


Có kế hoạch thay đổi

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo về phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng về những đổi mới và áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn toán.

Có con năm nay học lớp 12, anh Trần Công Thành, ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: Kỳ thi 2016 vẫn còn chút rắc rối ở  phần tuyển sinh nhưng cũng đã giảm tải cho phụ huynh, học sinh trong khâu thi cử. Chưa kể, qua hai năm theo hình thức thi chung, học sinh bắt đầu quen với cấu trúc đề, phương thức thi thì bộ lại thay đổi.

“Nếu thay đổi, Bộ GD&ĐT phải có kế hoạch từ khi học sinh vào lớp 10 để thầy cô thay đổi cả phương pháp dạy học. Chứ đến thời điểm này, thi theo hướng trắc nghiệm, mở rộng kiến thức làm sao các con xoay xở kịp”, anh Thành lo lắng nói.

Cùng nỗi lo lắng, chị Nguyễn Kim Xuyến, quận Tây Hồ (Hà Nội) có con năm nay thi tốt nghiệp cấp 3: “Tôi bất ngờ với những thay đổi đột ngột và nhiều vấn đề cùng một lúc của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi năm tới. Chưa biết đổi mới này có tốt hay không, nhưng gây mất sức cho học trò nhiều quá. Vì để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp sắp tới của khối 12, học sinh đã có một quá trình đầu tư rất nhiều cho các môn sẽ thi tốt nghiệp cũng như xét ĐH rồi, nay lại thay đổi cách thức thi trong khi thời gian học chỉ còn chưa đầy 9 tháng, vậy học sinh làm sao thích ứng kịp, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thi của 12 năm học…”.

Một học sinh đang học lớp 12 Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết: “Em thấy thi trắc nghiệm môn toán rất thiệt thòi cho những bạn học chuyên toán hoặc muốn xét tuyển vào những trường ĐH có điểm đầu vào cao, nhất là học sinh lớp 12 vì dù sao kỳ thi cũng vừa để tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH. Hiện nay các bạn đã quen cách học cũ quá lâu rồi. Hơn nữa, môn toán thể hiện sự thông minh của từng người thông qua cách giải và từng bước giải, còn trắc nghiệm thì ai cũng giống ai, khó phân biệt được người học giỏi toán thật sự và người học kém”.

 

 

Đoàn Thị Kim Liên, học sinh Trường THTP Cầu Giấy (Hà Nội): “Em và bạn bè khá lo lắng, cá nhân em không đồng tình phương án thi trắc nghiệm môn toán. Em rất yêu thích môn học này, nếu thi trắc nghiệm thì sẽ mất đi tính logic vốn có của toán học. Từ trước tới giờ chúng em đều học và ôn theo cách tự luận, bây giờ đổi qua trắc nghiệm thì các thầy cô cũng phải đổi cách dạy để có thể giúp học sinh thi tốt. Hơn nữa, thời gian không còn nhiều để thay đổi. Theo em, nên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn toán ngay từ đầu lớp 10 sẽ phù hợp hơn”.

Phạm Huy, học sinh học năm cuối cấp 3 cho biết, môn toán em học được và đã từng tiếp xúc dạng Toán trắc nghiệm, nhưng vẫn thấy hoang mang trước thay đổi này vì kiến thức trải rộng mà thời gian còn lại để học quá ít. Điều này khiến em và các bạn gặp khó khăn lớn trong kỳ thi sắp tới.

 Thi toán bằng trắc nghiệm, giảm khả năng sáng tạo của học sinh

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Bạc toán quốc tế năm 1974, cũng là thầy dạy GS Ngô Bảo Châu từ năm học lớp 10 đến hết lớp 12, nhận định: “Bộ GD&ĐT cần xem xét khi quyết định tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học. Bởi vì, trắc nghiệm môn toán sẽ có những ưu điểm như đỡ tốn kém chi phí tổ chức, học sinh làm bài nhanh hơn và cách chấm bài cũng nhanh hơn so với thi truyền thống. Bài thi trắc nghiệm toán cũng có nhiều câu hỏi và kiến thức rộng hơn.

 

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa.


PGS.TSKH Vũ Đình Hòa cho rằng: “Tổ chức thi toán theo hình thức trắc nghiệm cũng sẽ có những bất cập, đó là bỏ sót người giỏi. Dù với hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận, học sinh giỏi sẽ đều làm được bài thi tốt. Nhưng, trước một bài làm tốt của môn Toán trắc nghiệm, người ta không chắc chắn thí sinh đó có thật sự giỏi Toán hay không. Ở khía cạnh khác, những học sinh giỏi thật sự không may trong quá trình làm bài có những lỗi ngớ ngẩn sẽ dẫn đến kết quả sai và bị đánh trượt. Với bài thi tự luận, giáo viên chấm có thể nhận ra những cái sai do lỡ tay. Từ đó, họ đánh giá được chính xác năng lực học tập của học sinh và cho điểm từng phần, sẽ chính xác hơn”.

GS Vũ Thái Luân hiện là giáo sư trợ lý thỉnh giảng (dạy và nghiên cứu về Toán ứng dụng) tại Đại học California, Merced, Hoa Kỳ cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm môn Toán chưa phù hợp ở hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, không nên áp dụng vội.

Theo GS Vũ Thái Luân, ngoài những ưu điểm dễ thấy như gọn nhẹ, tăng tính công bằng, giảm gian lận thi cử thì phương án thi trắc nghiệm 100% đối với môn toán vẫn có những hạn chế như giảm khả năng phân loại học sinh, cần nhiều thời gian gây dựng ngân hàng câu hỏi. “Đáng lưu ý, nếu áp dụng phương án này, nhiều trường THPT, giáo viên, trung tâm luyện thi, sẽ hướng học sinh theo cách thi “ăn điểm” nhanh, đua nhau tạo ra các mẹo thi mà quên đi chất lượng đào tạo kiến thức thật”, GS Vũ Thái Luân nhấn mạnh.

Nói về thi trắc nghiệm môn toán, ông Phạm Hồng Danh, Giám đốc Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn, TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Toán là môn khoa học cơ bản, tư duy toán là nền tảng của các môn khoa học tự nhiên nên việc thi toán bằng trắc nghiệm sẽ làm giảm đi 50% về tư duy lý luận, khả năng sáng tạo của học sinh”.

Cũng theo ông Danh, đề toán hiện nay, để giải được học sinh ngoài kiến thức cần phải có cách lập luận logic, sâu sắc và sáng tạo. Bởi thế, có nhiều em dù biết kết quả nhưng không thể nào giải được. “Nếu thi trắc nghiệm sẽ dẫn đến học sinh học vẹt nhiều hơn, vô tình chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ rô bốt, thế hệ bấm máy tính hơn là tư duy. Chắc chắn, tương lai sẽ ít các nhà khoa học về toán học và khoa học tự nhiên”, ông Danh lo lắng.

 

Đề thi Toán gồm có 50 câu hỏi khách quan, có 4 lựa chọn với 1 phương án trả lời đúng. Đề thi do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Trong kỳ thi năm 2017, nội dung đề vẫn ra chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT. Thời gian làm bài môn Toán là 90 phút (Trung bình mỗi câu làm trong 1,8 phút).

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh