Năm 2016: Năm buồn của 3 trào lưu smartphone lớn
- Công nghệ mới
- 21:24 - 29/09/2016
Smartphone module: Sao Chổi 2016
Năm 2016 lẽ ra đã là năm của smartphone module. Tại sự kiện MWC 2016, LG đánh cắp được ít nhiều ánh hào quang của Samsung khi trở thành tên tuổi đầu tiên hoàn thiện được thiết kế module trên mẫu đầu bảng G5. Vài tuần sau, Lenovo mở ra chương mới cho Motorola khi ra mắt dòng Moto Z hoàn toàn mới để thay thế cho vị trí số 1 của Moto X. Tại sự kiện I/O 2016, Google tuyên bố thiết kế của Ara đã được hoàn thiện sau nhiều năm ngóng chờ.
Ấy vậy mà trào lưu smartphone rất được ngóng chờ này lại đột tử trong vòng... vài tháng. Thất vọng nhất có lẽ là chiếc G5: khi đến tay người dùng, mẫu LG đầu bảng nhanh chóng gây thất vọng vì chất lượng trải nghiệm quá thua kém chiếc Galaxy S7 "bình thường". Tất cả các module (được gọi là "Friends") của G5 đều có giá thành đắt đỏ và không tương xứng với giá trị mang lại. Thậm chí, G5 sau đó còn gặp lỗi brick y hệt như G4.
Moto Z cũng gây thất vọng tương tự khi chẳng thể biến "module" thành một thế mạnh thực sự hấp dẫn được người tiêu dùng khi module nào cũng nặng, bất tiện và về bản chất là... không cần thiết. Số phận của Ara còn thê thảm hơn: Google thay thế khái niệm "module" của năm 2014 vốn bao gồm toàn bộ các linh kiện có trên smartphone thành khái niệm module tương tự như G5 và Moto Z (tức là chỉ gồm một vài bộ phận dễ thay như pin, loa và camera). Chỉ 2 tháng sau khi ra mắt phiên bản Ara kém cỏi này và định ngày phát hành vào năm sau, Google tuyên bố ngừng Project Ara vô thời hạn.
Đây có lẽ là một diễn tiến khiến nhiều người bất ngờ, bởi module hóa smartphone thực sự là giấc mơ của nhiều fan Android: sau tự do phần mềm, họ cần đến tự do phần cứng. Tuy vậy, thực tế bao giờ cũng khác xa lý thuyết: những module người dùng cần thay thì lại quá khó khăn, những module chẳng mấy ai cần thay như loa và camera thì lại quá nhàm chán. Sau 2 thất bại và 1 cái chết "từ trong trứng nước", smartphone module có lẽ sẽ không xuất hiện ồ ạt trong năm sau.
Chống nước: Thất vọng bảo hành
Thực ra, năm 2016 có thể coi là một năm khá vui của smartphone chống nước. Cuối cùng thì cả 3 dòng smartphone đầu bảng được nhiều người ưa chuộng nhất là Galaxy S, Galaxy Note và iPhone đều đã được trang bị khả năng chống nước.
Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra nếu như smartphone chống nước của bạn bị hỏng vì... nước vào? Câu trả lời là "Hãy tìm một bịch gạo và chúc may mắn". Theo chính sách bảo hành của Samsung và Apple, các trường hợp smartphone bị chống nước bị hỏng vì nước vào sẽ không được nhà sản xuất hỗ trợ bảo hành.
Đây không phải là một câu chuyện mới. Sony đã mở màn cho trào lưu smartphone chống nước từ tận 2012 nhưng những chiếc Xperia Z cũng không được bảo hành nếu không may rơi xuống hồ hay bồn tắm. Đến năm nay, khi dòng Xperia X xuất hiện để thay thế cho dòng Z đảm nhiệm vị trí "lá cờ đầu" của Sony thì tính năng chống nước lại bị ngó lơ dù vẫn tồn tại. Có lẽ, Sony đã quá hiểu rằng chống nước không còn là một thế mạnh riêng và những lùm xùm xung quanh chính sách không bảo hành cho một tính năng có nhiệm vụ bảo vệ smartphone sẽ là cái giá quá đắt đối với thương hiệu Xperia đang ngày một bệ rạc.
Apple và Samsung giống Sony ở chỗ từ chối bảo hành cho nước vào, nhưng sự kiện Samsung và Apple mang khả năng chống nước lên smartphone đầu bảng có một ý nghĩa khác hẳn so với Sony: đây là 2 hãng smartphone thống trị phân khúc cao cấp. Khi cả Galaxy S, Galaxy Note lẫn iPhone đều chống nước thì các con số IP cũng trở thành tiêu chuẩn phải có trên tất cả các mẫu đầu bảng. Nhưng khi cả Apple và Samsung đều từ chối bảo hành cho smartphone nước vào thì tất cả các hãng khác cũng đều có quyền làm vậy.
Cuối cùng, năm 2016 trở thành "chốt" cho một lời hứa nửa vời đến từ các hãng: "Trên giấy tờ thì chúng tôi khẳng định với bạn rằng điện thoại đắt tiền của chúng tôi chống được nước, nhưng trong thực tế thì bạn tự làm tự chịu"!
Thiết kế nguyên khối: Nỗi buồn Samsung
Nói đến chữ "buồn" trong năm 2016 mà không nói đến Galaxy Note7 thì quả là thiếu sót. Từng khởi đầu năm 2016 với doanh số "khủng" của Galaxy S7 và S7 edge, Samsung cuối cùng lại mất mặt với người hâm mộ khi những chiếc phablet chuyên nghiệp của hãng này liên tiếp phải hứng chịu hàng chục vụ nổ.
Để đối phó với thảm họa này, Samsung đã phải thu hồi 2,5 triệu mẫu Note7 với thiệt hại lên tới hàng tỷ USD. Nhưng khi sự cố xảy ra, ai ai cũng có thể hiểu rằng mọi chuyện sẽ không tồi tệ tới vậy nếu như Samsung vẫn đang sử dụng thiết kế pin rời như S5 trở xuống. Trong trường hợp đó, uy tín của Samsung vẫn sẽ bị ảnh hưởng, nhưng rõ ràng kêu gọi người dùng đổi 2,5 triệu viên pin sẽ là dễ dàng hơn rất nhiều so với việc kêu gọi người dùng đổi 2,5 triệu chiếc smartphone cao cấp và thay pin cho toàn bộ 2,5 chiếc smartphone này.
Điều đáng nói là không chỉ riêng gì Note7 mà cả smartphone Xiaomi và OnePlus (hãng con của OPPO) đều đã từng phát nổ khi không có lỗi của nhà sản xuất (người dùng chưa thay pin và vẫn dùng sạc chính hãng). Nguy cơ cháy nổ từ pin lúc nào cũng hiển hiện: chắc chắn trong tương lai smartphone sẽ còn tiếp tục nổ, bất kể là nguyên khối hay không. Nhưng LG, HTC và nhiều hãng khác cũng đã chứng minh rằng thiết kế kim loại không nhất thiết phải "nhốt" pin bên trong. Liệu sự cố của Note7 có khiến tất cả mọi người phải nghĩ lại hay không?
Vẫn còn nhiều nỗi buồn
Danh sách "nạn nhân" của năm 2016 có thể chưa dừng lại tại đây. Với quyết định khai tử cổng tai nghe, Apple hoàn toàn có thể mở ra một trào lưu mới cho các nhà sản xuất smartphone: loại bỏ cổng 3.5 và ép người dùng chuyển sang sử dụng adapter. Trong tháng sau, chiếc Pixel do Google làm chủ hoàn toàn về phần cứng và phần mềm có thể sẽ trực tiếp đẩy Nexus trở thành dĩ vãng. Cuối cùng, hai tên tuổi HTC và BlackBerry rất có thể sẽ từ bỏ mảng kinh doanh smartphone khi không thể thoát lỗ trong suốt 3 năm vừa qua.
Nhưng dù sao thì năm 2016 cũng chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc. Biết đâu, một năm 2017 đáng vui hơn sẽ xuất hiện với những đột phá như iPhone 8 có 2 mặt kính hoặc Google Pixel 2 có phần mềm siêu thông minh? Hãy cùng chờ đợi xem.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình: Thực hiện kinh tế tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên
Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (CNC) đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom,...
1 năm trước
Tin nên đọc