Năm 2016, lương tối thiểu có thể tăng bình quân 15% mỗi vùng
- Tây Y
- 17:52 - 07/07/2015
Ảnh minh họa.
Vì sao Giới chủ đưa mức tăng trên 10 %?
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI), Về sơ bộ, Phòng công nghiệp và Thương mại VN và các Hiệp hội doanh nghiệp đang trao đổi về tốc độ tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 để kiến nghị Chính phủ sẽ dừng ở mức trên 10 %. Lý giải về dự kiến đề xuất mức tăng trên 10 % của VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, mức tăng này sẽ đáp ứng được 3 yêu cầu chính: “Đó là bù được sự mất giá của đồng tiền hiện nay, phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có một tỉ lệ phần trăm nhất định để rút ngắn mức sống hiện tại của người lao động và mức sống tối thiểu theo Nghị quyết của Đảng đề ra”. Nếu không tính tới các yếu tố khác mà tăng lương quá nhanh, ông Vũ Tiến Lộc cảnh báo: “Mức lương tối thiểu vùng tăng quá cao so với nhịp độ tăng năng suất lao động làm các doanh nghiệp không thể mở rộng và phát triển sản xuất, ảnh hưởng sự cạnh tranh nền kinh tế và tăng trưởng GDP”.
Đưa ra giải pháp cho bài toán năng suất lao động thấp “ghìm” mức lương tối thiểu, đại diện giới chủ sử dụng lao động cho rằng: Chỉ có thể dùng giải pháp tổng thể bằng việc tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước để hướng tới lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chế tạo chứ không đơn thuần gia công.“Từ đó nâng cao năng suất lao động và qua đó tăng tiền lương bền vững và thúc đẩy sản xuất thời gian tới” - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Đại diện VCCI thừa nhận thực tế tiền lương của người lao động còn thấp và chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên VCCI lại có quan điểm riêng về những yếu tố ảnh hưởng tới việc tăng lương tối thiểu. Theo đó, việc tăng lương thời gian tới cần căn cứ vào 3 dữ liệu quan trọng. Trước hết, việc tăng lương cần đảm bảo bù đắp được sự mất giá của đồng tiền, tức là phù hợp với tỉ lệ lạm phát. Chính phủ đang cố gắng duy trì mức độ lạm phát từ 4-5 %. Việc tăng lương tối thiểu phải đảm bảo bù được sự mất giá đó. Việc tăng lương phải căn cứ vào thực tế tỉ lệ tăng năng suất lao động hàng năm. Năng suất lao động tăng trung bình khoảng 3 %/năm. Vậy việc tăng lương tối thiểu phải phù hợp với tỉ lệ tăng đó. Cuối cùng, chúng ta cần quan tâm tới một tỉ lệ phụ thêm nhằm đảm bảo rằng rút ngắn được khoảng cách giữa mức lương hiện nay và mức sống tối thiểu của người lao động.
Năm 2016, lương tối thiểu có thể tăng bình quân 15% mỗi vùng
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, trong tháng 7 này, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp để bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Phương án tăng lương tối thiểu nếu được hội đồng thông qua sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định, thời điểm tăng theo lộ trình là từ ngày 1/1/2016.Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết thêm, người lao động luôn muốn có lương cao để đảo bảo cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, việc tăng lương sẽ thêm gánh nặng chi phí, trong khi đó năm 2016 sẽ tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, một số chính sách về lao động nữ, an toàn lao động cũng có hiệu lực… Đây là những vấn đề cần tính toán, cân nhắc hợp lý, hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt, hiện doanh nghiệp còn khó khăn, nếu đẩy quá nhiều chi phí cho doanh nghiệp sẽ khiến hàng hóa Việt kém cạnh tranh, trong khi năm tới Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Do đó, nếu giá thành tăng, lương tăng, nhưng năng suất lao động vẫn thấp sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.
Về mức tăng lương năm tới, Thứ trưởng Phạm Minh Huân dự báo sẽ bằng với mức tăng của năm nay. Dù vậy, hiện phương án tăng của người lao động và đại diện giới chủ trình lên đang vênh nhau rất lớn.Được biết, ngoài việc tính toán mức tăng lương tối thiểu năm tới, hiện Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đang nghiên cứu xây dựng chuẩn mức sống tối thiểu. Đây sẽ là cơ sở để xác định mức lương bao nhiêu sẽ đảm bảo cuộc sống cho người lao động, cơ sở xác định chuẩn nghèo...