CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:48

Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra Biển Đông theo Luật quốc tế

 

Sáng 27/10 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã đưa tàu khu trục USS Lassen vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo mới được Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông

Đây được coi là một động thái hiện thực hóa những thách thức và cảnh báo lâu nay của Mỹ đối với hành vi của Trung Quốc làm “thay đổi hiện trạng” trong vùng biển chồng lấn trên Biển Đông. Mỹ vẫn thường cảnh báo trước đó rằng, hành vi cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành là hành vi không được chấp nhận, đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải trong khu vực.

Căng thẳng Mỹ- Trung tăng cao khi tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông (Ảnh AP).

Trung Quốc phản ứng quyết liệt

Trước việc Mỹ đưa một tàu hải quân vào khu vực, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ, tuyên bố rằng, động thái đó đang “phá hỏng mối quan hệ ngoại giao Trung- Mỹ và ảnh hưởng đến hòa bình khu vực”.

AP dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các cơ quan chức năng nước này đang giám sát chặt chẽ các hành động của phía Mỹ và cảnh báo tàu sân bay USS Lassen khi tàu này đi vào khu vực 12 hải lý gần bãi đá Subi trong quần đảo Trường Sa.

"Những hành động của tàu chiến Mỹ đã đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đe dọa sự an toàn của nhân viên và các cơ sở trên các rạn san hô, gây tổn hại hòa bình và ổn định của khu vực", Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

"Phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối", Tuyên bố nói.

Phóng viên AP bình luận rằng, động thái đưa tàu hải quân vào tuần tra trên Biển Đông phù hợp với chính sách tái cân bằng tại châu Á của Mỹ, đồng thời góp phần đẩy lùi sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines, một đồng minh của Mỹ hoan nghênh động thái này như là một cách giúp duy trì "sự cân bằng quyền lực."

Tàu khu trục USS Lassen (Ảnh AP).

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tăng tốc cải tạo và xây dựng các tiền đồn mới trên các rạn san hô và bãi đá ngầm, sau đó xây dựng các tòa nhà, bến cảng và thậm chí cả các đường băng đủ lớn để phục vụ được các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu. Mỹ và các nước trong khu vực coi các hoạt động này là những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ bằng cách thay đổi địa lý.

Các quan chức Hải quân đã cho biết việc Mỹ đưa tàu tuần tra đi vào khu vực 12 hải lý là cần thiết để khẳng định lập trường của Mỹ rằng các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp không thể được coi là lãnh thổ có chủ quyền với vùng lãnh hải xung quanh.

Luật pháp quốc tế cho phép tàu quân sự quyền "qua lại tự do" trong các vùng biển quốc tế mà không cần thông báo. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn mặc nhiên cho động thái của tàu hải quân Mỹ là “bất hợp pháp”.

Mỹ vẫn thường xuyên khẳng định rằng nước này không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và cũng không nghiêng về bên nào, nhưng nhấn mạnh về tự do hàng hải và tự do giao thương. Ước tính có khoảng 30% thương mại toàn cầu lưu thông qua Biển Đông. Đây còn là nơi có ngư trường phong phú và giàu tiềm năng trữ lượng khoáng sản dưới đáy biển.

Trung Quốc cũng nói rằng họ tôn trọng các quyền hàng hải nhưng lại đưa ra yêu sách phi lý về đường 9 đoạn, theo đó, nước này tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các vùng biển trên Biển Đông. Tuy nhiên nước này lại không đưa ra được những chứng cứ pháp lý chính xác đối với yêu sách của mình.

Đồng minh Philippines ủng hộ chính sách cân bằng quyền lực của Mỹ

Theo AP, phát biểu với các phóng viên nước ngoài ở Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết ông ủng hộ cuộc tuần tra trên Biển Đông của Hải quân Mỹ, như một sự khẳng định tự do hàng hải và là hình thức hiện thực hóa chính sách tái cân bằng quyền lực trong khu vực.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino ủng hộ việc Mỹ tuần tra trên Biển Đông (Ảnh AP).

AP dẫn lời Tổng thống Philippines nói: "Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ hoan nghênh sự cân bằng quyền lực ở bất cứ nơi đâu trên thế giới".

Không nêu đích danh Trung Quốc, song ông nói "một cường quốc trong khu vực" đã đưa ra "các tuyên bố gây tranh cãi", mà chúng ta không được để họ thấy rằng không hề bị thách thức.

Chính quyền Obama từ lâu đã tuyên bố sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải trong bất kỳ vùng biển quốc tế nào.

"Không nghi ngờ gì cả, Mỹ sẽ đưa máy bay, điều tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn thường thực hiện trên toàn thế giới, và Biển Đông sẽ không là ngoại lệ", Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter hồi đầu tháng 10 đã khẳng định.

Đáp trả lại các động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra các tuyên bố cho biết, Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan đến tự do hàng hải và các chuyến bay, nhưng "kiên quyết phản đối việc gây tổn hại đến lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc với danh nghĩa là tự do hoạt động và hàng không".

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nêu rõ rằng: "Trung Quốc sẽ kiên quyết đối phó với hành động khiêu khích từ các nước khác". Tuyên bố cũng nói thêm rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục giám sát trên không và trên biển, và sẽ có hành động thêm khi cần thiết.

Mỹ khẳng định lập trường

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết hôm thứ 26/10 (giờ Mỹ, tức ngày 27/10 theo giờ Việt Nam) rằng, Mỹ sẽ không cần phải tham khảo ý kiến ​​với quốc gia khác nếu nước này quyết định tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.

"Điểm cốt lõi của tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế là, đó là vùng biển quốc tế. Bạn không cần phải tham khảo ý kiến ​​với bất cứ ai," AP dẫn lời ông Kirby nói.

Biển Đông đã trở thành một vấn đề khiến quan hệ Trung- Mỹ trở nên căng thẳng, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác./.

Theo Bích Đào/VOV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh