Mỹ rút khỏi TPP: Cơ hội vàng cho Trung Quốc?
- Tây Y
- 01:10 - 27/11/2016
Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng
Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, tỉ phú Donald Trump hứa sẽ đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định TPP, vốn là một trong yếu tố quan trọng trong chiến lược "xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Barack Obama.
Chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử đầu tháng này gần như đã làm tiêu tan những cơ hội của hiệp định TPP dự kiến sẽ được Nghị viện Mỹ thông qua trong vài năm tới và bao phủ tương lai của một siêu thỏa thuận thương mại tự do đầy hoài bão.
Trong một đoạn băng ghi hình phác thảo kế hoạch 100 ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng được công bố ngày 21/11, ông Trump đã nói: "Tôi sẽ ban hành thông báo rút lui khỏi TPP, một hiểm họa tiềm tàng cho đất nước chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ thương lượng các thỏa thuận thương mại song phương công bằng để đem việc làm và công nghiệp quay trở lại đất Mỹ”.
Ông Trump cho biết, nhóm quá độ của ông đang lên danh sách các biện pháp mà không cần phải có sự phê chuẩn của Nghị viện, trong đó có thông báo về việc Mỹ rút lui khỏi TPP trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng.
Hiệp định TPP từng được đánh giá là phương cách để Mỹ đẩy mạnh các hoạt động kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời giúp Washington đối trọng lại thế lực ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh trong khu vực.
Vì vậy, các nhà phê bình cho rằng quyết định đưa nước Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP của ông Trump sẽ mở đường cho Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.
Trung Quốc sẽ là "ngư ông đắc lợi" khi Mỹ rút khỏi TPP
Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng, Trung Quốc đã đẩy mạnh xúc tiến một phương án thương mại tự do thay thế tại châu Á dưới hình thức Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Tham gia RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đã có hiệp định thương mại tự do với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tan Jian, một quan chức thuộc phái đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua cho biết, ngày càng nhiều nước muốn tham gia RCEP trong đó có Peru và Chile và các nước thành viên RCEP hiện thời muốn sớm đạt được một thoả thuận để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Đại diện các nước tham gia đàm phán RCEP sẽ nhóm họp vòng thứ 16 vào tháng tới tại Jakarta, trong đó có bảy nước thành viên TPP (Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Brunei). Bà Deborah Elms, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại châu Á (ATC) tại Singapore, nhận định: "Bảy nước này sẽ có thể thúc đẩy RCEP để đạt được mức hoài bão cao hơn với chín nước đối tác châu Á còn lại, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ."
Cũng theo chuyên gia thương mại Elms, thiệt hại từ sự sụp đổ TPP sẽ là đáng kể bởi "các nước thành viên TPP trông cậy vào hiệp định này để hỗ trợ các cuộc cải cách trong nước và trông chờ đạt những lợi ích kinh tế lớn nhờ sự liên kết sâu rộng giữa 12 thị trường." Vì vậy, bà Elms tin rằng các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ đẩy mạnh hơn đến một thoả thuận thương mại thay thế.
Mỹ rút khỏi TPP: “Gậy ông đập lưng ông”?
Phát biểu bên lề Hội nghị Lima, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ mở cửa thị trường rộng rãi hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài và tăng cường vai trò của Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hoá.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã giới thiệu về một dự án về đầu tư và thương mại tự do. Ông Tập Cận Bình hứa sẽ duy trì các thoả thuận thương mại mở cho tất cả các nước tham gia. Ông nói: "Trung Quốc sẽ không đóng cánh cửa với thế giới bên ngoài mà thậm chí sẽ mở rộng cánh cửa của mình rộng hơn nữa."
Theo bà Elms, kế hoạch của Tổng thống đắc cử Trump đưa Mỹ ra khỏi TPP vô hình chung đã đặt Trung Quốc vào vị trí người cầm lái theo cách chưa từng xảy ra trước đây. Chuyên gia này cho rằng hậu quả của việc Mỹ rút lui khỏi TPP thậm chí sẽ là "gây ông đập lưng ông”. Bà nói: "Các công ty Mỹ sẽ bất lợi về cạnh tranh. Họ sẽ có thể phải chuyển hoạt động của mình sang châu Á nhiều hơn vì để sử dụng các hiệp định thương mại hiện hành tại châu Á, các công ty của Mỹ cần phải có trụ sở đóng tại châu Á."
Bà Elms nhận định rằng khả năng đổ vỡ TPP hay chí ít là ở phía "đầu cầu” của Mỹ có nghĩa là xung lượng trong thương mại sẽ chuyển hướng mạnh sang châu Á. Bà nói: "Trong khi Mỹ và châu Âu dường như không sẵn sàng hay không thể đẩy mạnh sự liên kết hơn nữa, thì phần lớn các nước châu Á vẫn tin rằng con đường nhanh nhất dẫn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa vào thương mại."
Thủ tướng New Zealand, John Key, cũng bày tỏ quan điểm tương tự: "Chúng ta muốn sự tham gia của Mỹ trong khu vực. Song nếu không có Mỹ, Trung Quốc sẽ lấp vị trí khuyết này".
Trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng, Tổng thống Obama cho hay huỷ bỏ TPP có thể là một sai lầm đối với Mỹ. Ông nói: "Tôi không nghĩ việc thoái lui có thể làm lung lay vị thế của chúng ta trong khu vực và làm mất đi khả năng của nước Mỹ trong việc định hình các quy định thương mại toàn cầu theo cách phản ánh các giá trị và quyền lợi của mình."
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc