Muốn làm Sếp - Hãy tập quen với sự cô đơn!
- Bác sĩ
- 13:55 - 31/05/2020
Đối với mỗi tổ chức, lãnh đạo là người định hướng và dẫn lối phát triển cho cả hệ thống. Một bộ máy có vận hành trơn tru tạo ra năng suất cao phụ thuộc rất lớn vào người lãnh đạo tài giỏi biết lắp ráp và vận hành. Trong đám đông, nếu bạn muốn trở thành cá nhân xuất chúng, nổi bật thì bạn nhất thiết phải nỗ lực và bứt phá vượt bậc. Người lãnh đạo nhất thiết phải là kẻ đi nhanh nhất và cũng là kẻ cô đơn nhất trong tổ chức.
1. Lãnh đạo - nhân viên cần có những khoảng cách nhất định
Có rất nhiều người mới đi làm luôn mong ước chọn cho mình một nhà lãnh đạo - một mentor thân thiết với nhân viên, gắn kết đội nhóm như những gia đình. Nhưng nhiều khi thân thiết quá thì hiệu quả công việc lại chẳng cao. Sếp với nhân viên coi nhau như anh em đâm ra nhiều khi lại khó làm việc, công tư khó phân minh. Để rồi, kiêng nể nhau trong công việc, sếp nói nhân viên lại chẳng nghe theo.
Đồng thời, một cá nhân muốn phát triển tốt tại bất cứ đâu, điều đầu tiên họ cần không phải một người sếp thân thiết, theo tới cùng với mọi cuộc vui mà họ cần một người định hướng, dẫn dắt họ có những bước tiến và thành quả trong sự nghiệp. Do vậy, một người lãnh đạo thực thụ hãy biết giữ khoảng cách nhất định với nhân viên.
Người lãnh đạo cần biết chấp nhận tự loại mình ra khỏi những cuộc chơi không cần thiết chốn công sở. Là sếp, bạn cần phải bỏ ngoài tai những bàn tán sau lưng của nhân viên. Nhiều khi cấp trên còn phải chấp nhận trở thành một phe riêng, sẵn sàng là kẻ ác trong mắt cấp dưới. Đã là lãnh đạo thì luôn cần có một cái đầu lạnh để đương đầu với sóng gió. Người thuyền trưởng ra khơi phải suy nghĩ cho cả con tàu, chứ không thể vì những ham muốn cá nhân mà quên đi lợi ích chung của cả tập thể. Đó mới là cái khó của người lãnh đạo, người phải hy sinh bản thân để gồng gánh cả một tổ chức.
Người ta hay ví mô hình doanh nghiệp là những kim tự tháp. Nhưng là những kim tự tháp ngược. Càng là những người ở trên cao thì sức nặng mà họ phải gánh vác càng lớn. Đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận dấn thân, chạy thật nhanh để kẻ cả một tổ chức đi thật xa.
2. Sẵn sàng đưa ra quyết định đi ngược lại số đông
Để tiến bước trên con đường trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, đôi khi bạn sẵn sàng phải "ngược dòng" với số đông của tổ chức. Người lãnh đạo là người sẵn sàng nói lên ý kiến cá nhân của mình, sẵn sàng dùng mọi lý lẽ và trách nhiệm để bảo vệ quan điểm mình cho là đúng.
Có thể quan điểm của phần đông tập thể sẽ tư duy theo lối mòn vốn có và những điều an toàn. Khi đó, người sếp phải dẫn dắt họ bứt phá ra khỏi những khuôn khổ. Lãnh đạo tốt là người thúc đẩy được sự phát triển cho nhân viên chứ không phải người hay chiều theo ý kiến nhân viên. Sếp càng khó tính, khắt khe thì nhân viên phía dưới càng phải cẩn trọng, tỉ mỉ trong công việc. Như vậy, công việc trong tổ chức mới dễ đi vào guồng và tăng năng suất lao động.
Trong tập thể, người lãnh đạo luôn cần phải là người lý trí và quyết đoán. Thể hiện được sự chuyên nghiệp trong cách làm việc tư duy trong mọi hoàn cảnh. Những quyết định lãnh đạo đưa ra phải đảm bảo được lợi ích chung của tổ chức. Do vậy, người lãnh đạo cần sẵn sàng đương đầu với ý kiến của số đông nhằm đảo bảo mục tiêu doanh nghiệp. Trong mỗi quyết định đều cần đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Hãy hạn chế các quyết định bộc phát do cảm xúc và tình cảm riêng. Điều đó khiến người lãnh đạo dễ đưa ra những nước đi sai lầm gây tổn thất đến doanh nghiệp.
3. Cánh chim đầu đàn cũng là cánh chim cô đơn nhất
Vào mỗi cuối thu, đầu đông, nhìn lên bầu trời ta thường nhìn thấy những đàn chim di cư tránh rét. Những đàn chim bay theo từng đàn, từng đàn chao nghiêng trên bầu trời. Tạo hóa tự nhiên thật biết chọn lọc tạo nên tập tính bay hình chữ V cho những loài chim này. Tập tính này giúp những đàn chim dễ dàng đường đầu với những cơn gió, thẳng bước bay về nơi cần đến. Và đến nơi an toàn hay không thì nhiệm vụ quan trọng nhất chính là của cánh chim đầu đàn.
Người lãnh đạo cũng vậy, đứng ở vị trí đầu đàn là vị trí mà tất cả mọi người dõi theo. Mọi hành động, quyết định của bạn để ảnh hưởng đến tổ chức, thậm chí còn là sống còn. Do vậy, người lãnh đạo luôn giữ cho mình một bản lĩnh nhất định để dẫn dắt tổ chức chinh phục những nấc thang mới.
Và người trên đỉnh cao thường luôn là người cô đơn nhất. Nhiều lúc, để giữ gìn sự chuyên nghiệp, cái uy, người lãnh đạo ta phải gạt những cảm xúc cá nhân sang một bên, cũng chẳng có ai thấu hiểu và chia sẻ. Những khó khăn, khúc mắc trong công việc cũng cố gắng tự mình tìm tòi vượt qua. Thậm chí, sẵn sàng là người xấu trong mắt cấp dưới để họ đoàn kết hơn, tận tâm và tỉ mỉ hơn trong công việc.
Cánh chim đầu đàn luôn là cánh chim hướng về phía trước. Là người đầu tiên đương đầu với những khó khăn. Là người định hướng cả một tập thể để vượt qua phong ba. Cũng là người kiến tạo nên một tập thể vững mạnh. Vậy nên, dù còn những chông gai phía trước, nhưng những nhà lãnh đạo cần là người tiên phong vượt qua chính mình, chính những sự cô đơn để tạo nên những bước tiến vượt bậc cho tập thể. Đó mới là tư chất cần có của một nhà lãnh đạo thực thụ.