Muốn đánh bại nỗi sợ hãi khi đứng trên bục thuyết trình? Hãy biến nỗi sợ thành thói quen
- Bác sĩ
- 14:09 - 17/04/2020
Từ trường học cho đến trường đời, ai cũng có ít nhất một lần phải đứng lên thuyết trình trước đám đông. Đối với đa số, đây là một việc không mấy dễ chịu. Nhiều người cố gắng chống lại nỗi sợ hãi run rẩy trước khi thuyết trình bằng việc tự diễn tập thật nhiều, số khác lại chọn xử lý bằng cách trốn tránh để không bao giờ phải thuyết trình. Dù vậy, rất ít người thành công trong việc chế ngự cảm giác lo lắng và không mấy ai có thể tự tin nói rằng họ hoàn toàn không có một chút run rẩy nào trước khi bước lên sân khấu thuyết trình.
Cũng như nhiều ngước khác, Anwesha Banerjee - một nhà nghiên cứu thần kinh học tại Đại học Y Emory ở Atlanta (Mỹ) cũng trải quả những cảm xúc lo lắng đến run rẩy trước, trong và sau mỗi lần thuyết trình.
Nhờ những hiểu biết về thần kinh học, Banerjee nhận ra một nghịch lý: mỗi ngày, chúng ta thực hiện nhiều hành vi còn nguy hiểm hơn cả thuyết trình, ví dụ như lái xe hay chơi thể thao. Thế nhưng chúng ta còn chẳng mảy may suy nghĩ đến độ nguy hiểm của chúng, trong khi thuyết trình - một hoạt động gần như vô hại - lại khiến nhiều người lo lắng đến run rẩy.
Từ phát hiện này, Banerjee cho rằng cách chúng ta đang đối phó với nỗi sợ này hoàn toàn vô dụng. Luyện tập trước khi lên sân khấu hàng trăm lần hay trốn tránh việc thuyết trình không thực sự giải quyết nỗi sợ, thay vào đó chúng ta chỉ đang liên tục củng cố sự lo lắng của mình mà thôi. Điều này kích thích não bộ gia tăng cảm giác sợ hãi, từ đó sản sinh phản ứng run rẩy, tim đập nhanh, toát mồ hôi và căng thẳng. ”
Vậy cách tốt nhất là giải quyết nỗi sợ hãi này là gì?
Câu trả lời rất đơn giản: Hãy biến nỗi sợ thành một thói quen!
Khi con người tiếp xúc với một môi trường mới, não bộ sẽ trở nên mẫn cảm và đặt cơ thể trong trạng thái căng thẳng để sẵn sàng phản ứng với mọi biến động có thể xảy ra. Đây là một cơ chế tự nhiên giúp con người bảo vệ bản thân. Nhưng khi chúng ta trở nên quen thuộc với một hoàn cảnh, các tín hiệu sẽ được giảm đi và não bộ cho phép chúng ta được thư giãn, giảm sự cảnh giác và chú ý tới môi trường xung quanh.
Để thử nghiệm ý tưởng này, Banerjee đã tham gia một câu lạc bộ thuyết trình, nơi mà cô buộc bản thân phải bước lên sân khấu dù cho có sợ hãi đến mức nào. Sau hơn 200 buổi thuyết trình, Bannerjee nhận ra rằng cô đã không còn căng thẳng khi bước lên sân khấu nữa. Não bộ của cô đã trở nên quen thuộc với sự sợ hãi, các tín hiệu kích thích lo lắng đã giảm đi, và Bannerjee không còn để ý đến chúng nữa. Thay vào đó, sự chú ý của cô được dời sang khán giả và chất lượng bài thuyết trình được cải thiện rất nhiều. Bannerjee nhận ra rằng “nỗi sợ của tôi vẫn ở đó, nhưng não bộ của tôi đã quen với việc này và giờ tôi có thể lờ nó đi.”
Lời khuyên sau cùng của Banerjee là: đừng cố đè ép nỗi sợ của bạn! Hãy chấp nhận rằng bạn sẽ trở nên lo lắng, run rẩy hay hồi hộp trước khi thuyết trình. Sau đó làm quen với việc bước lên sân khấu và cho não bộ của bạn thời gian để thích nghi với hoàn cảnh mới. Khi bạn nghĩ về nỗi sợ này, đừng nghĩ về việc xóa bỏ nó. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng bạn sẽ biến nó thành một thói quen!