Mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều thách thức
- Tây Y
- 18:24 - 18/12/2018
Thực tiễn đã khẳng định giảm nghèo là một trong những thành công nhất của Việt Nam trong 25 năm qua. Tỷ lệ nghèo tính theo chi tiêu giảm từ 58,1% (1993) xuống 14,2% năm 2010, 9,88% năm 2015 và xuống dưới 7% vào cuối năm 2017, đưa hàng triệu người ra khỏi tình trạng đói nghèo. Tỷ lệ nghèo cũng giảm mạnh theo tiêu chí thu nhập và đa chiều. Báo cáo quốc gia về kết quả thực hiên các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (năm 2015) đã đánh giá “Việt Nam là một trong các quốc gia thành công về giảm nghèo và đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn”.
Các diễn giả tại Hội nghị: Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Giang Sơn
Mục tiêu số 1 “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi” bao gồm 4 mục tiêu cụ thể sau:
1. Đến năm 2020, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, sử dụng chuẩn nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 1,25 đô la Mỹ sức mua tương đương (giá 2005)/ngày; đến năm 2030, giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia.
2. Triển khai trên toàn quốc các hệ thống và các biện pháp an sinh xã hội thích hợp cho mọi người, bao gồm cả các chính sách sàn an sinh xã hội và đến năm 2030 đạt được diện bao phủ đáng kể cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương.
3. Đến năm 2030, bảo đảm tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo và người dễ bị tổn thương, có quyền bình đẳng đối với các nguồn lực kinh tế, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, quyền sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên, quyền sở hữu và kiểm soát các dạng tài sản khác, công nghệ mới phù hợp và các dịch vụ tài chính, bao gồm tài chính vi mô.
4. Đến năm 2030, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi cho người nghèo và những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, đồng thời giảm rủi ro và tổn thương của họ do các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan, các cú sốc và thảm họa về môi trường, kinh tế, xã hội.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, đầu tư nhiều nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong đó, phải kể đến Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; chương trình 30a; chương trình 135; Các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…
Tuy vậy, để thực hiện tốt hơn nữa về mục tiêu xóa đói giảm nghèo thì vẫn còn nhiều thách thức: Nghèo đói ngày càng tập trung nhiều ở các vùng nông thôn, miền núi và các dân tộc thiểu số. Nghèo đồng nghĩa với vùng sâu, vùng xa. Dân tộc, địa hình và nghèo đói ở Việt Nam có sự tương tác với nhau. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Người nghèo đang tụt hậu trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các hộ ở khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc không có tiến bộ đáng kể đối với giáo dục bậc trung học và tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là chất lượng giáo dục và chất lượng y tế. Người nghèo vẫn còn thiếu hụt đáng kể về dinh dưỡng, nguồn nhiên liệu nấu ăn, nhà tiêu hợp vệ sinh.
Sự xa xôi cách biệt về địa lý là rào cản lớn nhất đối với sự cải thiện phúc lợi của đồng bào dân tộc thiểu số. Yếu tố này đóng góp 13% vào mức độ chênh lệch mức sống giữa nhóm DTTS và nhóm người Kinh, Hoa. Xa xôi hẻo lánh đồng nghĩa với sự thấp kém của cơ sở hạ tầng.
Các chính sách dàn trải chồng chéo, được xây dựng và thực biện bởi nhiều bộ ngành khác nhau. Nguồn lực hạn chế, không được sử dụng một cách có hiệu quả.
Mức độ hỗ trợ, trợ cấp còn thấp, nhiều đối tượng chưa được hỗ trợ, một số chính sách chậm được sửa đổi bổ xung cho phù hợp với tình hình mới. Chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản chưa cao đặc biệt là cấp cơ sở, tại các vùng có nhiều người nghèo. Có một tỷ lệ đáng kể trẻ em không được đi học hay tiếp cận dịch vụ y tế…
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Với những thách thức đó, để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu về xóa đói giảm nghèo chúng ta cần nỗ lực hơn nữa bằng những giải pháp cụ thể, đồng bộ.