CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:15

Mua thuốc cho trẻ phải trình CMND: Liệu có khả thi?

Phiền hà cho người bệnh

Cụ thể, Thông tư 52 của Bộ Y tế yêu cầu,  nội dung đơn thuốc ngoại trú phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh. Đơn thuốc cũng cần ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú, gồm: Số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố.

Đặc biệt, đối với đơn thuốc điều trị bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi, bác sỹ khi ghi đơn phải ghi rõ các thông tin như số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ, sau đó mới đến các thông tin khác. Đây là một điểm mới so với Thông tư 05/2016/TT-BYT. Trước đây, tại Thông tư 05, đơn thuốc cho trẻ dưới 06 tuổi chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi và ghi tên bố hoặc mẹ của trẻ.

Theo lý giải của ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quy định mới này nhằm có sự theo dõi về quá trình sử dụng thuốc, bảo đảm an toàn, quyền lợi cho bệnh nhi, bởi với trẻ dưới 72 tháng tuổi, việc diễn đạt tình trạng sức khỏe có thể không đầy đủ và trẻ chưa thể tự dùng thuốc như kê đơn hay tư vấn của bác sĩ. Việc yêu cầu CMND/thẻ căn cước của người giám hộ là để người đưa trẻ đi khám cần chịu trách nhiệm về thông tin cho bệnh nhi. Với quy định này, bác sĩ có thể mất thêm công sức nhưng bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhi.

Cũng theo ông Thái, với quy định này thì phải hiểu rõ ràng là ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo CMND để khi kê đơn, các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số CMND của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Mẫu đơn thuốc mới

 

"Việc ghi thêm số CMND trong đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh, song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số CMND hay thẻ căn cước không có gì là quá khó khăn"- ông Thái nhận định. 

Tuy nhiên, thông tư này đang vấp phải sự phản ứng của dư luận, nhiều người lo ngại rằng quy định này sẽ khó khả thi, gây nhiều phiền hà, rắc rối cho người đưa trẻ đi khám, chữa bệnh và ngược lại với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của Nhà nước. Chị Nguyễn Thanh Hiền, bác sĩ của một bệnh viện tại Hà Nội và cũng là mẹ của một cháu bé 5 tuổi ở phường Ngọc Hà cho rằng, “quy định này không chỉ làm mất thời gian của bác sĩ mà còn gây phiền hà cho người dân. “Cha mẹ đi làm mang theo CMND, ông bà đưa cháu đi khám thì mang thứ gì bây giờ. Đâu phải đứa nhỏ lúc nào cũng ở gần cha mẹ? Hay chẳng lẽ thấy một ông bố ôm đứa con đang sốt đến mua thuốc mà quên hoặc mất CMND thì nhân viên không bán thuốc?”- chị Hiền đặt câu hỏi.

Còn theo PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ, trong hồ sơ điều trị nội trú của trẻ cần ghi số CMND, thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ vì lo ngại có gia đình cung cấp số CMND không chính xác và sau đó không thanh toán chi phí khám chữa bệnh.Còn kê đơn thuốc ngoại trú thì gia đình bệnh nhân sẽ chi trả tiền mua thuốc tại hiệu thuốc, trẻ dưới 6 tuổi thì quy định hiện hành là 100% trẻ đều được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nên cần xem xét tính khả thi của quy định này.

Quan trọng nhất là tiếp nhận, điều trị cho trẻ kịp thời

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, khi thực hiện quy định này,  nếu thực tế phát sinh bất cập, bệnh viện sẽ kiến nghị sửa đổi để phù hợp. Trong bất kỳ tình huống nào, quan trọng nhất là tiếp nhận, điều trị cho trẻ kịp thời, còn giấy tờ của bố mẹ hoặc người giám hộ có thể bổ sung sau bởi nhiều khi đưa con đi viện, cha mẹ chỉ kịp mang theo thẻ BHYT của trẻ, quên hoặc không mang theo CMND/thẻ căn cước công dân hoặc có những trường hợp người đưa trẻ đi viện không phải là người giám hộ hoặc bố mẹ thì bác sĩ vẫn phải lo điều trị trước.

Thông tư mới gây phiền hà cho việc khám chữa bệnh cho trẻ 

 

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, (BHXH Việt Nam)  cho biết mới đây, cơ quan bảo hiểm cũng đề nghị Vụ Pháp chế - Bộ Y tế xem xét điều chỉnh một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho trẻ dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh. Bởi thực tế, có những gia đình bố mẹ không có ở nhà, phải nhờ người khác đưa con đi khám bệnh, mua thuốc, nếu cơ sở y tế cứng nhắc có thể gây khó cho các gia đình."Cũng có thông tin nói quy định này nhằm tránh tình trạng người này đưa con của người khác đi khám chữa bệnh, nhất là những trường hợp quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ BHYT của trẻ khác nhau. Nhưng tôi khẳng định quy định không ảnh hưởng chính sách BHYT vì tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí" - ông Phúc khẳng định.

Để tăng cường giám sát việc sử dụng thẻ, thay vì mỗi lần đi khám lại yêu cầu cung cấp số CMND của cha mẹ trẻ như trong đơn thuốc mẫu, theo một số chuyên gia y tế, ngay khi cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 72 tháng tuổi thì có thể đề nghị gia đình cung cấp số CMND/thẻ căn cước, ở khâu in ấn in luôn lên thẻ và hậu kiểm bằng cách scan mã thẻ. Tuy không thể quản lý hết nhưng cũng sẽ đỡ khó khăn phiền hà cho gia đình bệnh nhi.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh