CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:45

Mùa sinh tồn của đồng bào Tây Nguyên

Mùa sinh tồn của đồng bào Tây Nguyên - Ảnh 1.

Chòi rẫy đơn sơ của chị H' Bay

Tôi tìm về buôn làng vùng sâu, trải nghiệm cuộc sống ăn rừng, ở rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên bỏ lại phía sau ồn ào, xô bồ của phố thị. Sau 2 giờ di chuyển, qua những con đường đất đỏ lầy lội, quanh co, tôi đã tìm được điểm dừng chân là căn chòi nằm khuất sâu giữa những vạt lúa xanh tươi mơn mởn của chị H' Bay Hwing (buôn Trí B, xã Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk). Cũng là lúc mặt trời đứng bóng, chị H'Bay tạm gác công việc ngoài rẫy, vào bếp chuẩn bị cơm trưa. Chị có nhà trong buôn nhưng mùa này chị toàn ở rẫy. Thấy khách thắc mắc, chị giải thích: Ở đây nhà nào có rẫy cũng vậy. Chuẩn bị tới vụ thu hoạch lúa, ngô... là ai nấy đùm gạo, đồ đạc lên chòi. Lúc này, chòi rẫy mới là nơi ở chính, trong buôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ.

Tập tục "ngủ rẫy" có từ thời ông bà, xuất phát từ nhu cầu trông giữ cây trồng như lúa, ngô, sắn... không để nông sản bị con chim, con thú phá hoại. Nay mùa "ngủ" rẫy vẫn được duy trì, chỉ một điều khác là thời gian "ngủ" bây giờ ngắn hơn xưa. Do trước đây, đường lên rẫy khó khăn, mỗi lần đi phải cuốc bộ nửa ngày mới tới nên người dân "ngủ" rẫy từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch hết vụ mới về. Còn giờ nhiều thứ thuận lợi, xe máy, xe cày có cả, nên mùa "ngủ" rẫy bắt đầu muộn hơn. Nhà chị H'Bay có 2 rẫy nằm cách xa nhau, mỗi rẫy dựng 1 chòi. Chị ở chòi gần buôn rộng chừng 15 m2 để tiện cho việc trong nom rẫy lúa, chăn thả trâu bò và bọn trẻ đi học. Chòi rẫy xa nằm ở buôn Drang Phốk, chị giao cho chồng coi quản. Mỗi người trông giữ 1 rẫy, lâu lâu chồng chị mới chạy sang đưa ít con cá bắt dưới suối lên.

Mùa sinh tồn của đồng bào Tây Nguyên - Ảnh 2.

Anh Ma Văn Canh vào bếp lo cơm nước cho mình

 Cuộc sống "ngủ rẫy" của chị H' Bay rất đơn sơ, chỉ có chiếu, tấm chăn và ít đồ dùng sinh hoạt cần thiết như nồi niêu, chén bát. Chị H'Bay tâm sự: Ở trong rẫy, mỗi lần đi về nhà xa nên thực phẩm hằng ngày chủ yếu là tự cung tự cấp. Nay đang mùa mưa, rau quả trong rừng không hiếm, cứ hết thức ăn là chị chạy vào rừng tìm măng, hái rau dại, ngoài ra chị còn trồng thêm rau lang, rau ngót, bí đỏ, cà đắng. Thời điểm hưởng "lộc" nhiều nhất là vào kỳ lúa trổ bông ngậm sữa. Hương lúa thơm ngọt ngào thu hút các loài chim thú tìm về, nhiều nhất là chuột rừng. Cứ chiều đến, chị H'Bay đặt bẫy hoặc giăng lưới quanh ruộng lúa, sáng sớm ra thăm sẽ có ngay vài chú chuột rừng béo múp. Đem chuột về trui sạch lông, bỏ hết nội tạng, ướp gia vị rồi chiên hoặc nướng là cả nhà có ngay món ngon bổ dưỡng. Hàn huyên một lát, chị H'Bay đã nấu xong các món ăn trưa. Bữa trưa ở rẫy thật giản đơn: Một bát canh rau khoai lang, món cà giã mắm nêm, búp chuối rừng thái mỏng chấm mắm và một ít cá khô nướng. Mời khách dùng cơm, chị H'Bay ngại ngùng nói bữa ăn ở rừng đạm bạc, khách thông cảm có gì dùng nấy. Chị đâu biết rằng, những món ăn hoang dại này bây giờ thành "đặc sản" hấp dẫn bao người thành thị.

Tạm biệt chị H'Bay, tôi đến thăm căn chòi anh Ma Văn Canh (buôn Ea Rông, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Tuy cùng xã nhưng rẫy hai nhà cách xa nhau cả mấy quả đồi. Trời đang nắng bỗng tối hẳn, mây đen ù ù kéo đến cuộn thành khối lớn rồi mưa cứ thế đổ xuống ào ạt rồi chợt rả rích như sơn nữ tuôn lệ dỗi hờn. Anh Canh lẩm bẩm, mùa này buổi chiều hay xuất hiện những cơn mưa bất chợt, đến rồi đi chẳng theo quy luật nào. Hâm lại nồi thức ăn trên bếp lửa, anh Canh cho biết, đang vào vụ thu hoạch bắp nên bận rộn lắm. Sáng giờ anh làm việc luôn tay, không để ý giờ giấc, nhìn đồng hồ mới hay trời đã về chiều. Anh Canh quê ở Cao Bằng, vào đây lập nghiệp rồi phải lòng cô gái M'nông nên ở rể luôn. Rẫy cách nhà anh 7 cây số, khi gieo trồng, làm cỏ bón phân thì sáng đi chiều về; lúc gần thu hoạch, anh ở hẳn trên rẫy cả tháng mới về. Rẫy nhà anh rộng 3 hecta, hết trồng bắp anh chuyển sang trồng mì, mùa "ngủ rẫy" vì thế kéo dài và anh ở rẫy nhiều hơn ngủ nhà.

Mùa sinh tồn của đồng bào Tây Nguyên - Ảnh 3.

Người dân dùng bữa ăn trưa giữa thiên nhiên núi rừng

Việc ngủ rẫy bây giờ không còn nguy hiểm hơn trước vì các loại thú dữ hầu như không còn. Tuy nhiên khu rẫy nhà anh lại hay xuất hiện đàn voi rừng phá hoại hoa màu. Thời điểm chúng về nhiều nhất là ban đêm và thường canh lúc cây lúa trổ đòng, trái ngô đóng hạt... Đây toàn là món khoái khẩu của voi rừng, nếu không phát hiện, xua đuổi thì công sức cả mùa vụ sẽ tiêu tan hết. Không nói đâu xa, năm vừa rồi, hàng xóm nhà anh "khóc ròng" vì bị đàn voi rừng phá nát vạt bắp. Voi đi cả đàn và rất lì lợm, mặc con người đánh trống khua chiêng chúng vẫn "trơ mặt" ăn no nê mới chịu đi. Không chỉ hoa màu, chòi rẫy cũng bị đàn voi phá nát. Do vậy, chòi rẫy chỗ anh Canh được thiết kế cao và chắc chắn như một "pháo đài" để tránh bị voi tấn công cũng như dễ dàng quan sát mọi thứ từ xa. Sống một mình giữa núi rừng, anh Canh thú thật nhiều lúc cảm thấy cô đơn, trống trải. Nhất là khi màn đêm buông xuống, chỉ mình anh với căn chòi cô quạnh, không điện, không người thân, chỉ có bếp lửa nhỏ và ánh trăng vờn thăm mỗi tháng vài lần. Những lúc buồn, anh thường tìm tới các bạn chòi gần đó làm vài ly rượu, trò chuyện tâm sự; hoặc rủ nhau vào rừng soi ếch, tìm gà rừng... Khi bãi ngô, vựa lúa cắt xong cũng là lúc mùa "ngủ rẫy" kết thúc. Anh Canh thu dọn đồ đạc về với tổ ấm của mình, nhưng ở đời thật hay, lạ- quen, quen- lạ. Anh Canh ở rẫy nhiều quá đến khi về nhà lại thấy nhớ cái mùi đất, mùi sương nương rẫy đến da diết. Thứ mà anh thích nhất là được hòa mình vào thiên nhiên, được nghe giàn hợp xướng của các loài côn trùng ra rả bên tai, tiếng mưa rơi tí tách bên hiên chòi.

Chia tay căn chòi nhà anh Canh khi hoàng hôn dần xuống. Người thì vội vã "đánh đu" trên con đường đất về nhà, người ở lại cũng tất bật lo cơm nước trước khi ông mặt trời đi ngủ. Chỉ riêng khung cảnh thiên nhiên là nhẹ nhàng, êm trôi nhất. Mặt trời như quả cam từ từ chìm vào hư không sau một ngày rong chơi khắp núi; sương đêm cũng dần giăng lối, tiếng ếch, tiếng côn trùng bắt đầu râm ran. Tây Nguyên lúc này thật thi vị, tôi chỉ ước mình có đủ thời gian để cảm cho hết hương vị của núi rừng và nếm trải đủ những cung bậc cảm xúc của những người "ngủ rẫy".


LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh