Mưa lớn ở miền Trung tiếp tục kéo dài, nhiều nơi bi ngập sâu, bờ biển bị xé toạc
- Y học 360
- 15:24 - 14/10/2023
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 19h ngày 12/10 đến 7h ngày 14/10, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-450mm, có nơi cao hơn như tại trạm Thuỷ Thanh 505mm, Đồn Biên phòng Chân Mây 557mm, Cảng Tư Hiền 488mm.
Dự báo từ 14 đến 17/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to và rải rác có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-500mm, có nơi trên 700mm.
Mưa lớn kết hợp các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi điều tiết nước đã gây tình trạng ngập úng cục bộ cho các vùng hạ lưu. Theo đó, do mưa cường suất lớn vùng đồng bằng đã gây ngập úng, ngập lụt các tuyến nội đô TP Huế, các xã thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền và Thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Lộc, với mức ngập sâu từ 0,1 - 1,5m.
Trước diễn biến của mưa lũ, ngày 13/10, các địa phương tại Thừa Thiên Huế đã tổ chức di dời, sơ tán 35 hộ/97 nhân khẩu đến nơi an toàn; đồng thời di dời 50 học sinh, sinh viên ở trọ tại xóm Gióng (phường An Tây, TP Huế) khỏi khu vực ngập lụt sâu. Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thông báo cho tất cả các trường học cho học sinh nghỉ học từ chiều 13/10.
Đến sáng 14/10, 50 học sinh, sinh viên xóm Gióng đã trở lại nhà trọ; một số địa phương trên địa bàn TP Huế, Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy đã cho học sinh đi học trở lại. Còn lại một số địa phương vùng thấp trũng Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Tính đến chiều 14/10, tại Thừa Thiên Huế đã có 1 trường hợp tử vong do đi thả lưới, đánh bắt cá trong thời điểm mưa lũ xảy ra.
Mưa lớn cũng đã làm sụt lún toàn bộ mặt đường, với chiều dài khoảng 5m tại kiệt 69 đường Phạm Thị Liên (phường Kim Long, TP Huế); làm sạt lở 50m đê Mai Dương (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền). Mặt khác, đường bờ biển đoạn qua xã Phú Diên (huyện Phú Vang) bị sạt lở tại 7 điểm, ăn sâu vào đất liền từ 5 - 7m, dài 50m, gây hư hại đường dân sinh.
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn cũng đã kéo dài từ ngày 10/10 đến nay, với lượng mưa ở vùng đồng bằng, trung du phổ biến từ 200 - 300mm; một số nơi cao hơn, như: đo tại Thạch Hãn 462mm, Hải Sơn (trạm Mỹ Chánh) 404 mm, Cửa Việt 357 mm; vùng núi phổ biến 100-200 mm.
Hiện nay, mực nước trên các sông ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị đang ở mức thấp dưới báo động 1. Riêng sông Ô Lâu tại Hải Tân (Hải Lăng) đang dao động ở mức dưới báo động 2.
Đến thời điểm hiện nay tổng dung tích các hồ chứa thủy lợi trọng điểm của tỉnh Quảng Trị đạt trung bình khoảng 34,06% so với dung tích thiết kế. Mực nước các hồ chứa đang vận hành đảm bảo an toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã gây ngập một số ngầm tràn tại khu vực miền núi tỉnh, làm chia cắt giao thông tạm thời, chủ yếu tập trung địa bàn huyện Đakrông như cầu tràn Ba Lòng, tràn A Vao,...
Tại khu vực đồng bằng, tuyến đường qua thôn Phú Mỹ Kiên (đoạn qua tràn Triệu Giang, huyện Triệu Phong) bị ngập khoảng 10cm. Một số tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn các xã Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải, Hải Dương, Hải Trường, thị trấn Diên Sanh (huyện Hải Lăng) bị ngập trung bình từ 20 - 40cm, có đoạn bị ngập sâu từ 50-80cm, gây chia cắt giao thông.
Tính đến 17h ngày 13/10, trên địa bàn huyện Hải Lăng đã có 17 hộ dân bị ngập. Chính quyền địa phương đã triển khai sơ tán 6 hộ neo đơn ở thôn Phước Điền, xã Hải Định đến vị trí an toàn. Học sinh ở các xã Hải Phong, Hải Định, Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, ... thuộc địa bàn huyện Hải Lăng nghỉ học từ chiều ngày 13/10.
Tại Quảng Trị cũng đã có 1 trường hợp bị thương trong mưa lũ. Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Ngợi (74 tuổi ở thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng) trong lúc kê gác tài sản bị trượt chân ngã làm gãy tay trái và chân trái. Hiện gia đình đã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.
Mưa lũ còn gây ngập úng 24ha hoa màu; gây sạt lở tuyến đường tuần tra biên giới Sa Trầm (xã Ba Nang) đi Pa Linh (xã A Vao), huyện Đakrông và đường Quốc lộ 15D, gây chia cắt giao thông tạm thời.
Tại TP Đà Nẵng, đến trưa 14/10, mưa lớn vẫn tiếp tục xảy ra, gây ngập sâu ở nhiều khu vực, giao thông chia cắt. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trong đêm 13/10, các lực lượng chức năng tại TP Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Theo báo cáo, hơn 5.000 người dân TP Đà Nẵng đã được sơ tán khẩn cấp.
Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở taluy dương đường lên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) làm đá tảng lăn, một số vị trí đất cát sụt trượt xuống mặt đường.
Đặc biệt, trong chiều 13/10, tại Km 905+600 đèo Hải Vân (địa bàn Đà Nẵng) xảy ra sạt lở, khiến hàng trăm khối đất đá tràn xuống đèo gây ách tắc giao thông. Sau khi xảy ra sự việc, các lực lượng chức năng đã tổ chức chốt chặn, phân luồng giao thông; đồng thời Xí nghiệp Quản lý Vận hành Hầm Đường bộ Hải Vân đã huy động máy múc, máy ủi, nhân lực tiến hành dọn dẹp mặt bằng để sớm thông tuyến.
Mưa lớn cũng đã gây ngập sâu ở nhiều tuyến đường của TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tối 13/10, đất đá từ ta luy dương đổ xuống tràn lấp mặt đường, gây tắc đường hoàn toàn tuyến tỉnh lộ 611, đoạn qua đèo Le, nối huyện Quế Sơn và Nông Sơn tỉnh Quảng Nam.