THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:51

Mùa đông xuân: Cảnh giác với nhiều loại dịch bệnh

 

Dịch đau mắt đỏ đến sớm bất thường
Thông thường, dịch bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, nhưng năm nay lại xuất hiện từ đầu năm và đang gia tăng sau Tết Nguyên đán. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Số bệnh nhân ở thời điểm này tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm. 
Theo các bác sĩ, dịch đau mắt đỏ năm nay đến sớm hơn mọi năm, lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tăng mạnh sau dịp Tết nguyên đán, do thời tiết nóng ẩm bất thường trong mùa đông năm nay. 
Theo các bác sĩ bệnh viện Mắt Trung ương, đây là căn bệnh rất dễ lây lan, vi rút đau mắt đỏ phát triển, phát tán mạnh trong không khí nên rất dễ nhiễm bệnh. Từ một người bị nhiễm bệnh nguy cơ lây cho cả gia đình là rất lớn bởi vi rút gây lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay. Chỉ cần người bệnh dụi mắt rồi cầm, nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm… có thể mang vi rút ra ngoài và trở thành nguồn lây bệnh. 
Vì bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ gây thành dịch nên người mắc bệnh nếu là người lớn phải có ý thức phòng bệnh không để lây lan cho người khác. Với trẻ em, người lớn chăm cho trẻ phải hết sức lưu ý để không lây bệnh. Đặc biệt cần rửa tay xà phòng ngay khi rửa mắt, nhỏ thuốc cho người bệnh. Nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, cốc uống nước, nên thay giặt ga trải giường...

Dịch đau mắt đỏ diễn biến bất thường

Mặc dù đau mắt đỏ là bệnh lành tính, tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nhưng vì tính chất bệnh, mắt đỏ, nhiều dử mắt khiến người bệnh rất khó chịu, muốn làm mọi cách để mắt khỏi (từ xông lá trầu không, nhỏ đủ các loại thuốc, thậm chí có cả thuốc mắt chứa corticoid). Đây là một sai lầm nguy hiểm bởi xông lá trầu kích thích làm mắt đỏ, sưng thêm. Còn thuốc corticoid là loại thuốc chống viêm, không thể tùy tiện dùng vì có thể gây biến chứng giảm, mất thị lực.
Để nhanh khỏi bệnh cần chú ý: Kiên trì rửa mắt  bằng nước muối 5 - 6 lần mỗi ngày, nhỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi; cho mắt nghỉ ngơi (nhắm mắt, nhìn xa), không xem các phương tiện điện tử. Đặc biệt, cần chú ý không nôn nóng sử dụng các biện pháp dân gian, kể cả thuốc nhỏ mắt kháng sinh vì thuốc không có tác dụng điều trị, chỉ có tác dụng ngăn ngừa bội nhiễm.
Nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu, ho gà
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bệnh nhân thủy đậu gia tăng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tấn công cả người lớn và trẻ nhỏ, nhiều trường hợp bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm phải nhập viện điều trị. 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, tình hình bệnh thủy đậu đang khá phức tạp, số ca mắc bệnh tăng nhanh. Điều đáng quan tâm là gần đây, không chỉ có trẻ em mắc căn bệnh này nhưng gần đây xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn. 
Bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa Đông Xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa Xuân. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.
Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. 

Nhiều người lớn cũng mắc bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh thủy đậu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.
Bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vắcxin. Vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên chích ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong ba ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vắc xin  phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bên cạnh bệnh thủy đậu, BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung Ương cũng c ho biết, mùa đông xuân, tỉ lệ mắc ho gà thường cao hơn. Những ngày gần đây, rất nhiều bệnh nhi bị ho gà phải nhập viẹn, nhiều ca bệnh nặng có biến chứng viêm phổi, có trẻ suy hô hấp phải vào thở máy.
Ho gà khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho.Không chỉ gây ho, mà ho gà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm như gây viêm phổi nặng, xuất huyết não và rất nhiều vấn đề phức tạp khác. Nhiều ca phải thở máy dài ngày. Trong khi đó, với trẻ nhỏ phải vào thở máy vì suy hô hấp cơ hội là 50 – 50 bởi diễn biến bệnh ở trẻ rất khác nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì đã suy hô hấp, không tự thở được phải thở máy, với thời gian điều trị từ 2 – 3 tuần liên tục rất vất vả. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ biến chứng càng cao, điều trị càng khó khăn hơn.
Vì thế, nếu trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, chưa được tiêm phòng ho gà mà xuất hiện cũng hơn ho bất thường, ho rũ rượu đừng chủ quan, hãy đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện nguy cơ.
Gia tăng bệnh tay chân miệng trên toàn quốc
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Các trường hợp mắc bệnh xuất hiện rải rác tại 57 tỉnh, thành phố. Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam, nhất là trong các tháng Ba và Năm.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. 
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Hướng dẫn trẻ rửa tay xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…
Người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Với trẻ nhỏ, người lớn cần không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh