Một tháng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc qua những con số
- Tây Y
- 23:26 - 07/05/2016
Chúng tôi xin điểm lại những con số ấn tượng sau 1 tháng nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng đầu tiên tuyên thệ khi nhậm chức
Sáng 7/4, ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ thực hiện nghi thức tuyên thệ khi nhậm chức, theo quy định tại Điều 70 của Hiến pháp 2013.
"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện ra sức phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ.
Sáng 7/4, ngay sau khi được bầu với số phiếu tán thành cao, ông Nguyễn Xuân Phúc bước lên lễ đài tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
2 chỉ đạo sát sao
Trước những diễn biến của đời sống thực tiễn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo sát sao để xử lý những vụ việc gây bức xúc dư luận như vụ hình sự hóa quán cà phê Xin Chào tại TP HCM, hải sản chết hàng loạt tại miền Trung,
Cá chết hàng loạt tại miền Trung được Chính phủ đánh giá là sự cố nghiêm trọng nhất về môi trường mà Việt Nam từng gánh chịu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại; có đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng huy động các nhà khoa học, trường hợp cần thiết mời chuyên gia quốc tế khẩn trương, kịp thời làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học.
"Bộ Công an tập trung thu thập tài liệu chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định" - Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Liên quan đến sự việc Công an huyện Bình Chánh, TP HCM, khởi tố hành vi "Kinh doanh trái phép" đối với ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê "Xin Chào" nằm đối diện trụ sở mới của Công an huyện Bình Chánh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cơ quan chức năng dừng hình sự hóa vụ án.
Nói thêm về quyết định của Thủ tướng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng nếu vụ này mà ông chủ quán cà phê thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một trong những ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành là tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi.2 cuộc đối thoại quan trọng
Vì vậy, Thủ tướng đã dành thời gian để thực hiện hai cuộc đối thoại quan trọng với chủ doanh nghiệp và người lao động.
Ngày 29/4, tại TP HCM, Thủ tướng chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của kinh tế đất nước”. Cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước kéo dài 5 tiếng đồng hồ (8h -13h30), ghi nhận nhiều phát biểu tâm huyết, đóng góp giải pháp của giới kinh doanh cũng như sự tiếp thu của cơ quan quản lý.
Nhấn mạnh việc thanh kiểm tra cần hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không phải chỉ cứ nhắm vào sai phạm, không hình sự hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với 3.000 công nhân tại Đồng Nai.
Một ngày sau, tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ khoảng 3.000 công nhân lao động của các địa phương trọng điểm phía nam gồm Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
Thủ tướng đã chia sẻ, giải đáp nhiều tâm tư của hàng nghìn công nhân từ tiền lương, bữa ăn cho đến bảo đảm an ninh, an toàn...
“Giới chủ phải tạo điều kiện cho công nhân học tập để ứng phó với cạnh tranh. Công đoàn chúng ta không chỉ đòi hỏi quyền lợi, mà phải phải rèn luyện tay nghề cho công nhân. Rèn luyện tay nghề là vũ khí sắc bén nhất để chúng ta hội nhập thành công” – Thủ tướng nhắn nhủ tới công nhân.
4 cuộc họp với các thành viên Chính phủ
Ngay sau khi Quốc hội khóa XIII bế mạc, chiều 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên với các thành viên Chính phủ mới được kiện toàn để bắt tay ngay vào công việc, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Sáng 25/4, Thủ tướng chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, với tinh thần ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu phải “xóa bỏ rào cản, ủng hộ và bảo vệ kinh doanh”.
Trước thực trạng thực phẩm bẩn bây bức xúc dư luận, sáng 27/4, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng đưa ra những chỉ đạo quyết liệt để tuyên chiến với thực phẩm bẩn như tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án điểm. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm và hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Tại phiên họp đầu tiên khi vừa kiện toàn Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải bắt tay ngay vào việc.
Trong 2 ngày 4 và 5/5, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 diễn ra tại Hà Nội. Sau khi nghe 28 ý kiến phát biểu tại phiên họp thường kỳ đầu tiên từ khi Chính phủ mới được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Làm việc tại 7 tỉnh thành
Trong vòng 1 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc tại 7 tỉnh thành là Lai Châu, Quảng Trị, Quảng Nam, TP HCM, Đồng Nai, Hà Tĩnh và Hải Phòng.
Có mặt tại Quảng Trị, Quảng Nam, Lai Châu để dự hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và khởi công một số dự án lớn, Thủ tướng khẳng định thông điệp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khởi công dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và Khu Công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải.
Tiếp đó, Thủ tướng đã có mặt tại TP HCM, Đồng Nai để chủ trì hội nghị trực tuyến với hơn 500 doanh nghiệp và đối thoại với khoảng 3.000 công nhân.
Ngày 1/5, Thủ tướng có mặt tại Hà Tĩnh để họp khẩn với các tỉnh về hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung. Ngay sau cuộc họp, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực vào cuộc để hỗ trợ ngư dân, tìm nguyên nhân hải sản chết hàng loạt.
Trong một tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc tại 7 tỉnh thành.
Tiếp 20 lượt khách quốc tế đến từ 10 quốc gia
Trong một tháng, Thủ tướng tiếp khách quốc tế đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Lào, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland và Philippines, Kuwait.
Tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ lập trường của Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác chiến lược gần gũi và lâu dài.
Ngoài các quan chức ngoại giao, Thủ tướng cũng tiếp 9 đại diện của các tổ chức và tập đoàn kinh tế như bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB); ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ; ông Philipp Rosler - Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển và là thành viên có trách nhiệm của WTO.