Một số lưu ý khi chế biến hải sản
- Y học 360
- 17:27 - 25/03/2015
1. Sau khi mua hải sản như tôm, mực, nếu chưa chế biến ngay, nên cất vào nơi lạnh nhất trong ngăn tủ lạnh. Bạn có thể giữ chúng 1-2 ngày. Riêng các loại ốc, sò, nghêu, không nên cho vào túi nylon, cột chặt miệng vì chúng cũng cần được thở. Tốt nhất, nên giữ loại hải sản này trong túi vải sạch, rắc nước lên cho có độ ẩm, không cần giữ trong tủ lạnh.
Trước lúc chế biến, nên loại bỏ những con chết, rửa hải sản dưới vòi nước sạch để đảm bảo vệ sinh.
2. Khi rã đông, nên để hải sản trong ngăn mát qua đêm. Nếu cần dùng nhanh, bạn có thể đặt chúng dưới vòi nước lạnh hoặc cho vào lò vi sóng. Không nên rã đông hải sản bằng cách ngâm vào nước ấm hoặc để ra ngoài nhiệt độ bình thường để tránh nhiễm khuẩn. Hải sản đông lạnh cần thời gian dài để rã đông, như vậy mới đảm bảo được hương vị và dinh dưỡng.
3. Hấp hải sản: Khi hấp các loại nghêu, sò, tôm... bạn nên để vỉ cách mặt nước khoảng 7cm. Nhớ phải đậy nắp thật chặt và giảm lửa. Khi nước sôi, bạn tắt lửa, không mở nắp để hải sản tiếp tục chín bằng hơi nóng trong khoảng 4-9 phút hoặc vẫn để trên lửa thêm 3 - 5 phút sau khi hải sản mở miệng. Đừng hấp quá lâu, hải sản sẽ trở nên khô cứng, có thể mất vị ngọt của món ăn.
4. Nướng lò: Sau khi ướp gia vị hoặc rưới sốt lên hải sản, bạn gói chúng lại bằng giấy nướng và chỉnh nhiệt độ ở 200-230 độ C.
5. Nướng chảo: Khi dùng chảo nướng, bạn nhớ đặt cách ngọn lửa khoảng 5-10 cm.
6. Nướng lửa: Nên phết một lớp dầu mỏng lên trên vỉ trước khi xếp hải sản vào. Than nướng phải thật đỏ hoặc lửa thật cao. Khi nướng, bạn trở đều tay và chú ý phết thêm dầu lên hải sản.
7. Cá đang ướp, chờ chế biến: Đừng để cá bên ngoài mà hãy cho vào tủ lạnh. Khi chế biến, nếu thái cá dày khoảng 2-2,5 cm, thường phải nấu trong 10 phút, bạn nên trở mặt cá vào giữa thời gian nấu để đảm bảo độ chín. Nếu lát cá mỏng hơn, bạn không cần trở để tránh cá bị nát.
8. Nấu cá bằng lò vi sóng: Khi sốt hoặc nướng cá bằng giấy bạc, trung bình cần 15 phút để thực phẩm chín hoàn toàn. Khi thấy thịt cá trở nên đục, vảy cá ở phần bụng dễ bong tróc là cá đã chín.
9. Không để lẫn lộn hải sản sống và chín: Điều này giúp ngăn chặn vi khuẩn từ hải sản sống xâm nhập vào thức ăn đã nấu chín. Bạn sẽ tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, mùi tanh của hải sản sống sẽ làm mất hương vị của món ăn chín.
10. Cố gắng không ăn đầu tôm, đầu cá: Nguyên tố kim loại nặng dễ tích tụ ở phần đầu hải sản, vì vậy cố gắng không ăn đầu tôm, đầu cá.