Một người đàn ông tử vong trên xe buýt tại Trung Quốc dương tính loại virus Hanta lây nhiễm từ chuột sang người
- Y học 360
- 03:00 - 26/03/2020
Khi thế giới đang mắc kẹt với dịch Covid-19, với bệnh cúm gia cầm, cúm lợn, vào thời điểm thảm khốc ấy, một trường hợp tử vong tại Trung Quốc dương tính virus Hanta đã được báo cáo mới đây.
Được biết, bệnh nhân tử vong trên một chiếc xe ở Sơn Đông khi anh đi làm và được phát hiện dương tính virus Hanta. Tin tức về cái chết xảy ra khi đất nước đang tiến hành kiểm dịch để đối phó với loại coronavirus mới SARS-CoV-2.
Các chuyên gia đã trấn an công chúng rằng đây không phải là một loại virus mới và được cho là chỉ truyền qua người trong những trường hợp hiếm gặp.
Nhà khoa học người Thụy Điển, Tiến sĩ Sumaiya Shaikh đã viết trên Tweet: "#Hantavirus xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1950 trong cuộc chiến tranh Mỹ-Triều Tiên tại Hàn Quốc (sông Hantan). Bạn không cần phải hoảng sợ quá về loại virus này, trừ khi bạn đam mê ăn thịt chuột".
Mặc dù virus Hanta rất hiếm nhưng nó có tỷ lệ tử vong 38%, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Tiếp xúc với nước tiểu, phân hoặc nước bọt của chuột bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm virus Hanta.
CDC cho biết: "Ở Chile và Argentina, những trường hợp lây truyền từ người sang người hiếm gặp đã xảy ra. Không có cách điều trị hay chữa trị cụ thể cũng như không có vắc-xin cho người nhiễm virus Hanta. Bệnh nhân thường cần được chăm sóc đặc biệt để giúp họ vượt qua giai đoạn suy hô hấp nặng. Do đó, nếu bạn đã ở gần loài gặm nhấm và có triệu chứng sốt, đau cơ dữ dội và khó thở nghiêm trọng, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức".
Virus Hanta là gì?
Theo CDC, virus Hanta được tìm thấy trong những loài gặm nhấm như chuột. Con người có thể nhiễm virus thông qua tiếp xúc với phân chuột, nước tiểu, nước bọt và nó cũng có thể lây từ người sang người. Chẩn đoán có thể khó khăn vì các triệu chứng ban đầu thường giống với các loại virus phổ biến khác như cúm.
Virus Hanta có thể dẫn đến Hội chứng phổi Hantavirus (HPS), một tình trạng lây nhiễm vào tim, phổi và các cơ quan khác bằng cách làm suy yếu các mạch máu và khiến chúng bị rò rỉ.
Cơ thể cố gắng chống lại virus Hanta bằng cách gây ra tình trạng viêm, kết hợp với nhiễm trùng nội tạng, dẫn đến tổn thương dữ dội khắp cơ thể. Trong phổi, các mạch máu bị rò rỉ gây ngập trong túi khí, khiến bệnh nhân khó thở. Khi virus lây nhiễm vào tim, tổn thương sẽ làm giảm khả năng lưu thông máu của cơ quan. Điều này gây ra tình trạng huyết áp thấp nghiêm trọng và thiếu oxy trong cơ thể, có thể nhanh chóng dẫn đến suy nội tạng và tử vong.
Cũng theo CDC, virus gây tử vong trong khoảng từ 35 đến 50% các trường hợp mắc bệnh.
Các triệu chứng cụ thể khi nhiễm virus Hanta là gì?
CDC cho biết, các triệu chứng ở bệnh nhân nhiễm virus Hanta tương tự như bệnh nhân đang chiến đấu với bệnh Covid-19, bao gồm khó thở, ho, đau đầu và sốt.
Vì số trường hợp nhiễm virus Hanta được báo cáo rất ít nên thời giản ủ bệnh của chúng không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, CDC khẳng định các triệu chứng có thể phát triển trong khoảng từ 1 đến 8 tuần sau khi tiếp xúc với nước tiểu, phân hoặc nước bọt của chuột bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng khi bị nhiễm virus Hanta ban đầu, bao gồm: Mệt mỏi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh, các vấn đề ở bụng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đặc biệt là ở các nhóm cơ lớn ở đùi, hông, lưng và đôi khi là vai.
Từ 4-10 ngày sau giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng muộn bao gồm: Ho, khó thở, cảm giác căng cứng ở ngực.
Thời kỳ ủ bệnh của virus Hanta
Theo CDC, ở Bắc Mỹ, thời gian ủ bệnh (thời gian tiếp xúc với virus ban đầu và phát triển các triệu chứng đầu tiên) là từ 1-5 tuần sau khi tiếp xúc ban đầu với nước tiểu của loài gặm nhấm, hoặc phân, nước bọt...
(Nguồn: Dailymail, Boldsky)