Một chặng đường đáng nhớ
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:54 - 13/09/2015
Ngày 28/8/1945 được xác định là ngày thành lập ngành LĐ-TB&XH. Lịch sử 70 năm hình thành, xây dựng, phát triển của ngành lao động gắn liền với 3 thời kỳ vẻ vang của dân tộc, đất nước và cách mạng Việt Nam.
- Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954);
- Thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước (1954 đến 1975);
- Thời kỳ xây dựng đất nước và công cuộc đổi mới (từ 1975 đến nay)
Là người có vinh dự được làm việc gần 20 năm (1988 - 2007) trong ngành LĐ-TB&XH, ở cương vị Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành, tôi lại có dịp nhớ lại một giai đoạn, một chặng đường. Một chặng đường thật đáng nhớ !
Bà Nguyễn Thị Hằng thăm bà con huyện Mù Căng Chải (Yên Bái)
Tôi nhận nhiệm vụ ở Bộ LĐ-TB&XH vào năm 1988. Thời kỳ này đất nước ta vừa ra khỏi chiến tranh kéo dài 30 năm, để thống nhất đất nước và kết thúc hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vào thời điểm này, đất nước ta trên mọi lĩnh vực đều khó khăn, còn bị bao vây cấm vận 10 năm. Nhiều doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất, người lao động không có việc làm. Tình trạng chậm lương, nợ lương, nợ trợ cấp diễn ra khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp phải trả lương bằng hiện vật v.v… Năm 1990, lao động làm việc ở 4 nước Đông Âu phải về nước trước thời hạn. Hàng chục ngàn bộ đội xuất ngũ, hàng vạn thương binh, người có công cần có chính sách đãi ngộ, ổn định cuộc sống. Lương thực thiếu trầm trọng, nhiều nơi đói kém, đã có thời điểm 10 tỉnh phía Bắc thiếu đói. Cơ chế bao cấp, quan liêu rất nặng nề, trì trệ làm cho khó khăn chồng chất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước chủ trương đổi mới (1986), mà trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế, chính sách, đổi mới tổ chức …và chuyển nền kinh tế hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều vấn đề cấp thiết từ thực tiễn đặt ra được xếp vào "việc cần làm ngay”. Người khởi xướng phong trào này là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước đã mở đường để đất nước đi lên. Song cũng đặt ra cho ngành LĐ-TB&XH một loạt vấn đề lớn cần phải giải quyết với yêu cầu, vừa giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để ổn định xã hội, vừa tạo tiền đề để đất nước phát triển.
Quán triệt tinh thần đổi mới của Đảng và Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước hàng loạt chủ trương, chính sách giải quyết có tính chất căn bản các vấn đề đặt ra phù hợp với thực tiễn trước mắt và đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước. Mặc dù hiện nay chúng ta vẫn cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, song về cơ bản các chủ trương, chính sách này đã và đang phát huy tác dụng góp phần ổn định, phát triển và hội nhập. Có thể nêu một vài chủ trương, chính sách quan trọng như:
- Pháp lệnh về Người có công cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo; các chế độ hỗ trợ đời sống và vận động xây nhà tình nghĩa, chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, con thương binh, liệt sỹ v.v…
- Đề xuất chính sách sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, vì các doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất, không có việc làm,.. (Quyết định số 176 - HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng) với 3 giải pháp là: Trợ cấp thôi việc một lần, tạm ngừng việc (nghỉ chờ việc), chế độ mất sức lao động và chờ nghỉ hưu nếu người lao động đủ điều kiện.
- Đề xuất chủ trương và chính sách di dân với sự thay đổi cơ bản: Không chỉ di dân làm nông nghiệp, mà kết hợp di dân nông - công nghiệp và đô thị, với yêu cầu đảm bảo có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, góp phần phát triển đất nước.
- Xây dựng và trình Bộ luật Lao động vào năm 1994 và sửa đổi, bổ sung vào năm 2012. Bộ luật đã đề cập những vấn đề cơ bản về các quan hệ lao động, học nghề, việc làm, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội; Luật đề cập đến cả người có quan hệ lao động, có việc làm và chưa có việc làm.
- Trên cơ sở Bộ luật Lao động, Bộ đã đề xuất và trình 6 luật quan trọng khác, gồm: Luật về người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Luật Việc làm; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đình công; Luật Dạy nghề; Luật An toàn và Vệ sinh lao động.
Về cơ bản các Luật này đã được tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế như: Giờ làm việc trong ngày, trong tuần, về quyền được đình công theo luật của người lao động, quan hệ chủ thợ, tiền công theo giờ, theo thị trường, theo vùng, theo vị trí làm việc ...
- Đề xuất với Đảng và Nhà nước thành lập cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam (năm 1995) chấm dứt cơ chế vừa đá bóng, vừa thổi còi, vì trước đây bảo hiểm xã hội do các cơ quan nhà nước vừa quản lý, vừa thực hiện (LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) vừa thu, chi, quản lý quỹ, thanh tra, kiểm tra…
- Trình chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, mà nội dung cơ bản là: chính sách vay tín dụng (quay vòng), với lãi suất ưu đãi cho hộ, nhóm hộ để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; Nếu thiệt hại do khách quan thì được giảm, xóa nợ. Quỹ tín dụng được ngân sách nhà nước bổ sung hàng năm và nguồn hợp tác quốc tế. Nguồn quỹ này do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện; Tổng quỹ hiện nay khoảng 4.000 tỷ đồng, cho 100.000 người/năm vay để tạo việc làm.
- Xây dựng trình chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Đây là chương trình lớn, thực hiện đúng cam kết với Liên hợp quốc, năm 2014 Việt Nam giảm 50% số hộ nghèo và số người nghèo…
- Xây dựng và trình chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề
Bà Nguyễn Thị Hằng thăm Trường cao đẳng Công nghiệp Hà Nội
Chương trình mục tiêu đã tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng (chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý, nâng cao cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề); hỗ trợ người nghèo học nghề miễn phí, nhất là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ; các hộ phải chuyển đất sản xuất, chuyển nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật, có trình độ, kỹ năng nghề. Điều này cũng nói lên nhận thức mới về phát triển tiềm năng con người - Yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức đúng yếu tố khách quan về mối quan hệ tất yếu giữa chức năng quản lý nhà nước về lao động - việc làm và dạy nghề. Giai đoạn 1990 - 1998 dạy nghề chưa được quản lý và đầu tư đúng mức, quy mô và chất lượng giảm. Năm 1998, hoạt động dạy nghề được điều chỉnh trong Luật Giáo dục. Theo đó dạy nghề chỉ có 2 chương trình đào tạo: Ngắn hạn và dài hạn. Đến năm 2005 Luật Giáo dục điều chỉnh dạy nghề với 3 cấp trình độ (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề). Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật Dạy nghề (Luật số: 76/2006/QH11). Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển dạy nghề có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh (luật và các văn bản dưới luật) để điều chỉnh hoạt động dạy nghề. Luật Dạy nghề xác định mục tiêu dạy nghề là: “Đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Luật quy định hệ thống hệ thống văn bằng, chứng chỉ với 3 trình độ đào tạo: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề được hình thành; đồng thời là các quy định về chế độ tiền lương, tiền công tương ứng cho người có bằng cấp, có trình độ năng lực làm việc vv....
Tôi nhớ lại một vài sự việc giải quyết thành công nhờ quán triệt tinh thần đổi mới của Đảng lúc bấy giờ. Vào những năm 1980, tình trạng nợ, chậm tiền trợ cấp cho người có công xảy ra triền miên vì thiếu kinh phí; Đời sống của các đối tượng đã khó khăn lại càng khó khăn thêm; Tìm hiểu qui trình, thì ra bao nhiêu năm qua Bộ quản lý toàn bộ người có công. Bộ Tài chính chuyển tiền cho Bộ LĐ-TB&XH, LĐ-TB&XH nhận và chuyển cho các Sở LĐ-TB&XH, LĐ-TB&XH chuyển tiền về cho các Phòng LĐ-TB&XH để chi trả đến người có công. Sau đó, là quá trình quyết toán ngược từ Phòng lên Sở, từ Sở lên Bộ và Bộ quyết toán với Bộ Tài chính. Một qui trình lòng vòng qua nhiều khâu, mỗi khâu chậm một chút là khó khăn cho đối tượng; Chưa kể qui trình này là cái cớ “đẻ” ra nhũng nhiễu, làm cho số ít cán bộ thoái hóa, biến chất. Để giải quyết tình trạng trên, Bộ đã quyết định đổi mới cơ chế tài chính về chi trả trợ cấp ưu đãi người có công.
Được Bộ Tài chính đồng thuận (Thông tư liên tịch giữa 2 Bộ), chuyển phương thức cấp phát kinh phí trực tiếp từ Bộ sang phương thức “rút dự toán“. Bộ chỉ cân đối, phân bổ, giao dự toán; Bộ Tài chính cân đối tiền về các tỉnh, thành phố theo dự toán để chủ động nhận kinh phí tại Kho bạc địa phương; Cơ chế này khắc phục triệt để tình trạng chậm kinh phí, chậm chi trả để đảm bảo xã, phường thực hiện chi trả cho người có công cùng ngày với chi lương hưu. Theo đó, cơ chế kiểm soát chi, quyết toán kinh phí cũng được đổi mới, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, cá nhân trong quy trình quản lý; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, quản lý kinh phí đã hạn chế sai sót, vi phạm.
Quản lý thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng xã hội: Người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật v.v… cũng được đổi mới đồng bộ. Ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện… xác nhận, công nhận đối tượng xã hội đơn giản, gọn nhẹ, minh bạch, công khai về hồ sơ, quy trình, thủ tục; quy định mức phí quản lý chi trả trợ cấp cho cấp xã, huyện.
Một sự việc khác liên quan đến đề xuất của Bộ là nghỉ ngày thứ 7, đề xuất này được nhiều cơ quan, đơn vị ủng hộ, song cũng không ít ý kiến phản đối, thậm chí gay gắt. Không ít ý kiến cho rằng đề xuất của Bộ là “điên”, không thực tiễn, học đòi tây…vì cho rằng đất nước còn nghèo, năng suất lao động thấp, sao lại còn nghỉ thêm. Song vẫn với tinh thần đổi mới của Đảng về cách nghĩ, cách làm, nếu nghỉ ngày thứ 7 mà bảo đảm không tăng biên chế, không tăng kinh phí là một giải pháp cải thiện tiền lương cho người lao động, tại sao chúng ta không làm? Bộ đã tổ chức các cuộc hội thảo, mời các nhà chuyên môn tranh luận dân chủ, công khai để có cơ sở thuyết phục trước khi trình với Đảng và Nhà nước. Đến nay, thực tiễn đã thuyết phục chúng ta.
- Chủ trương xuất khẩu lao động sang các nước tư bản cũng là vấn đề gây tranh cãi. Trước đây chúng ta đưa lao động sang các nước Đông âu xã hội chủ nghĩa và ở dạng “tu nghiệp sinh”, mọi người thấy bình thường. Bây giờ đưa lao động sang các nước tư bản thật khó chấp nhận, với cái lý lẽ đơn giản "đưa người mình cho tư bản bóc lột”. Song nhờ chủ trương đổi mới, hội nhập đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chủ trương trên vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng, mỗi năm có khoảng 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đổi mới cơ chế, chính sách trên thì chúng ta vẫn còn trăn trở đối với những thế hệ đi trước, có nhiều đóng góp đã nghỉ hưu trước 1/4/1993, lương thấp so với thế hệ đang làm việc lúc bây giờ có cùng chức danh, cùng vị trí; có người lương thấp từ 2 đến 4 bậc. Do vậy, Bộ đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu, trình với Đảng, Nhà nước giải quyết bất cập trên (kể cả lực lượng vũ trang và dân sự).
Tôi cho rằng, những năm tháng công tác trong ngành là một chặng đường đáng nhớ, không thể nào quên. Vì đó là thời kỳ kinh tế đất nước hết sức khó khăn, đó là thời kỳ Đảng ta chủ trương đổi mới. Tinh thần đổi mới đã được quán triệt trong toàn ngành LĐ-TB&XH, nhờ đó, về cơ bản các chủ trương, chính sách mà Bộ đề xuất đã kịp thời giải quyết các vấn đề của thực tiễn, đã và đang đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.