CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:05

Mộng du không phải là… ma ám!

 

Đã có nhiều cách lý giải về sự kỳ bí này. Có người cho rằng đó là bị "ma ám", bị người "cõi trên", "cõi dưới" nhập vào, nhưng theo Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần - Đại học Y Dược TP HCM, thì nguyên nhân gây ra chứng mộng du phần lớn là do những rối loạn ở vỏ não…

Sao lại mộng du?

"Mộng du chưa hẳn đã là bệnh. Trong tất cả các Y văn trên thế giới, các chuyên gia thần kinh đều gọi đó là "chứng mộng du"…", bác sĩ Đào Trần Thái khẳng định: "Nó chỉ là sự rối loạn về hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ… của một người vào một thời điểm nào đó trong ngày - thường là ban đêm. Sau khi "qua cơn", mộng du không để lại di chứng, không làm tổn thương đến thân thể người ấy hoặc người khác nếu họ không té ngã, phỏng lửa, phỏng nước sôi, điện giật hoặc tự tử, hoặc đâm chém, giết chết ai đó trong quá trình mộng du…".

 

Mắt nhắm nghiền nhưng vẫn bước đi trong cơn mộng du. (Ảnh do BS Thái cung cấp).

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 2,5% dân số trên toàn cầu mắc chứng mộng du, đa phần là trẻ em ở độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi. Hầu hết những đứa trẻ này đều có tính tình hiếu động nhưng thường thì nó giảm dần rồi hết hẳn khi trẻ lớn lên, trưởng thành mà chẳng cần phải chữa trị gì cả. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người lúc nhỏ thì bình thường nhưng khi bước vào tuổi trung niên, họ lại bị mộng du! Bà Phạm Thị Nga, nhà ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình, TP HCM, khi đưa chồng đến gặp bác sĩ Thái để thăm khám đã kể: "Có đêm đang ngủ, ổng ngồi dậy rồi bước xuống thang lầu, vào nhà bếp. Sau đó, ổng lại lên lầu, nằm xuống giường… ngủ tiếp! Điều lạ lùng là mặc dù hai mắt ổng vẫn nhắm nghiền nhưng ổng đi không hề vấp váp?".

Không chỉ đi lại, nhiều người mộng du còn tiến hành những hoạt động phức tạp như kê lại bàn ghế trong nhà, chùi rửa bồn tắm, đi tiểu vào… tủ quần áo! Vợ chồng anh Lý Minh, ở đường Lê Quang Sung, quận 6, có đứa con trai 7 tuổi kể: "Từ nhỏ, nó vẫn ngủ chung phòng với vợ chồng tôi. Một đêm, lúc khoảng 23 giờ, tôi đang coi tivi thì đột nhiên nó ngồi dậy rồi bước xuống giường. Thoạt đầu tôi tưởng nó đi tiểu nên tôi không để ý nhưng tới hồi không thấy nó vào nhà vệ sinh, mà nó đi thẳng ra phòng khách thì tôi tò mò đi theo xem nó làm gì…".

Vẫn theo anh Minh, đứa con trai anh khi tới phòng khách, mặc dù xung quanh tối đen vì đã tắt hết đèn nhưng nó vẫn lần lượt kéo từng chiếc ghế ra như thể đang chuẩn bị đón tiếp ai đó? Ngạc nhiên quá, anh bật công tắc điện lên. Anh kể tiếp: "Tôi hốt hoảng khi thấy hai mắt nó nhắm kín nhưng tay nó vẫn kéo ghế? Chạy vội đến cạnh nó, tôi nắm vai nó, miệng kêu "Lâm, Lâm" (là tên con trai anh). Kêu đến lần thứ ba, nó mở mắt ra rồi lảo đảo như muốn té. May mà tôi đỡ nó lại kịp. Hôm sau tôi đưa nó đến bác sĩ. Sau khi thăm khám, kiểm tra, bác sĩ nói nó bị mộng du rồi chỉ cho tôi cách chữa trị. Bây giờ, hầu như không còn thấy nó đi lại khi đang ngủ nữa".

Nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo như anh Minh. Nhiều người khi thấy con mình mắc chứng mộng du thì cho rằng nó bị ma ám, bị người "cõi trên, cõi dưới" nhập vào, bị "mắc con tà, lậm thằng bố"? Thế là họ đưa con họ đến gặp thầy bùa, thầy cúng để "trục vong" bằng những biện pháp - nhẹ thì uống tàn nhang nước thải, nặng thì bị đánh bằng roi, bị đấm đá, giẫm đạp mà trong đó, không ít đứa trẻ đã phải chịu những di chứng nặng nề cả về tinh thần lẫn thể xác.

 

Một người mộng du vừa bước xuống giường, vừa múa máy tay chân (Ảnh cắt từ camera theo dõi điều trị).

 

Nguyễn Thanh T., 9 tuổi chẳng hạn, khi gia đình phát hiện ra cháu bị mộng du thì thay vì đưa đi bác sĩ, họ lại dẫn cháu đến gặp một ông thầy bùa tên Rết ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Sau khi bắt bệnh, thầy phán: "Nó bị con ma theo rồi, lúc nhập lúc xuất nên lúc tỉnh lúc không, có khi bị che mắt không thấy gì. Nếu không trị sẽ bị câm và mất trí nhớ vĩnh viễn!"(?)

Thế là cha mẹ T. phải nhờ thầy… "trục" ma (!). Sau này, khi đã vào bệnh viện, T. kể: "Suốt mấy ngày, ông Rết dùng nguyên một bó nhang đang cháy đỏ, đâm thẳng vào cổ, ngực con rồi hét: "Có ra không? Mày không ra tao thiêu chết mày". Sự việc chỉ bị phát hiện khi một người bà con đến nhà thăm cha mẹ cháu. Lúc nhìn thấy những vết bỏng chi chít trên thân thể cháu, họ yêu cầu phải đưa cháu vào bệnh viện ngay.

Nguyên nhân

Thông thường, mộng du xuất hiện khoảng 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ sau khi ngủ - ở giai đoạn ngủ sâu - kéo dài từ vài giây đến 30 phút hoặc lâu hơn nhưng hiếm khi dài hơn 1 tiếng rồi kết thúc cũng đột ngột như khi nó xuất hiện. Bác sĩ Thái cho biết: "Mộng du có thể xảy ra hằng đêm nhưng cũng có thể không thường xuyên. Lúc tỉnh dậy, họ không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Nếu có nghe kể lại, họ cũng không tin vào những gì mà người khác đã kể".

Theo các chuyên gia thần kinh, nguyên nhân gây ra chứng mộng du có thể do rối loạn giấc ngủ, do sử dụng thuốc an thần, thuốc chống dị ứng, có bệnh lý về tim, sốt cao, hen suyễn, động kinh, co giật, ngưng thở một thời gian ngắn trong lúc ngủ, chấn thương tâm lý do lo âu, hoảng loạn - nhất là với trẻ em. Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng góp phần thúc đẩy chứng mộng du bộc phát, chẳng hạn như mệt mỏi vì thiếu ngủ, thay đổi giờ ngủ hoặc một số bệnh lý như cường giáp, chấn thương sọ não hay đột quị. Điều đặc biệt là những cặp song sinh thường có khả năng bị mộng du hơn là những trẻ sinh đơn lẻ, chưa kể nếu trẻ có anh, chị bị mộng du thì khả năng bị mộng du của trẻ sẽ tăng lên gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác.

Vẫn theo các chuyên gia thần kinh, mộng du có 2 thể là thể đơn giản và thể nguy cơ. Ở thể đơn giản, người bị mộng du ngồi ngay trên giường và vừa nói chuyện, họ vừa có những động tác quơ, vẫy tay chân. Cũng có khi họ đứng lên, đi lại xung quanh, miệng lảm nhảm rồi nằm xuống ngủ tiếp. Bác sĩ Thái nói: "Mộng du dạng này không nguy hiểm, kéo dài khoảng 10 phút. Nó diễn ra vài lần mỗi tháng tùy theo yếu tố gây ra mộng du là gì. Nó có khuynh hướng tự biến mất sau vài năm hoặc đến tuổi dậy thì".

Ở thể nguy cơ, mộng du kéo dài hơn 10 phút và lặp đi lặp lại từ 2 đến 3 lần/tuần. Họ có những hành động nguy hiểm, có thể tự gây tổn thương cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

Năm 2008, cả nước Anh đã bàng hoàng khi báo chí đưa tin về một vụ giết người mà nguyên nhân là do chứng mộng du: Tháng 7/2008, Brian Thomas, 59 tuổi, bị bắt và ra tòa vì tội giết vợ. Theo lời khai của Thomas, ông ta đã bóp cổ vợ là bà Christine, 57 tuổi cho đến chết khi hai vợ chồng ông ngủ qua đêm tại một trạm đỗ xe nằm ở phía tây xứ Wales. Trước đó, một đám thanh niên tụ tập quanh trạm đỗ xe đã rồ máy môtô, tạo ra âm thanh đinh tai nhức óc nên Thomas quyết định chuyển tới một điểm đỗ xe khác. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau, ông gọi cảnh sát và cho biết ông đã giết vợ. Ông khai ông mơ thấy mình đánh nhau với những "thằng nhóc đua xe" và ông nghĩ ông đã bóp cổ một thằng trong số đó? Nhưng khi tỉnh dậy, ông nhận ra người bị bóp cổ chính là vợ mình! Kết quả điều tra cho thấy Thomas bị chứng mộng du nên tòa án phán quyết ông vô tội.

Thể mộng du nguy cơ còn đặc biệt nguy hiểm với trẻ em. Nó thường khởi phát rất sớm ngay sau khi ngủ với những hình thức như trèo lên lan can ở những tầng lầu cao, lên sân thượng, mái nhà, nhảy ra khỏi cửa sổ, đi lang thang ngoài đường, cầm dao múa như võ sĩ múa kiếm!

Bác sĩ Uy, trước công tác ở Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Chợ Rẫy kể: "Lần đó, cả khu chung cư nhà tôi ở Thanh Đa đã hoảng hồn khi thấy một đứa bé 10 tuổi, đứng chênh vênh trên thành lan can ở tầng lầu thứ 4 lúc 1 giờ sáng. Biết là nó bị mộng du, tôi khuyên gia đình cùng bà con lối xóm đừng kêu la lớn tiếng, cũng đừng vội vã kéo nó lại, mà tôi nhẹ nhàng đến sau lưng nó, ôm lấy nó rồi đưa nó vào tận giường vì nếu kêu la hoặc làm cho nó giật mình thì rất có thể nó sẽ ngã xuống đất trước khi kịp giữ nó".

 

Trước đây mộng du thường được điều trị bằng sốc điện, nhưng hiện tại, Y học đã chứng minh phương pháp này vô tác dụng.

 

Giải thích về việc tại sao người mộng du lại không biết họ đang đối đầu với sự nguy hiểm khi đứng trên mái nhà, trên thành lan can ở những tầng lầu cao, Bác sĩ Thái nói: "Cơ chế hoạt động của bộ óc con người chia làm hai phần, phần ý thức và phần vô thức. Lấy thí dụ khi anh bước qua một cây cầu bê tông mà dưới chân anh là vực sâu 250 mét chẳng hạn, anh vẫn hoàn toàn yên tâm vì ý thức của anh đã cho anh biết cầu này làm bằng bê tông, anh không thể ngã xuống và nó cũng  không thể gãy ngang hay đổ sụp được. Nhưng nếu vẫn cái vực sâu 250 mét ấy và thay vì là cầu bê tông, nó chỉ có một tấm ván bắc ngang thì khi bước lên, ý thức của anh sẽ cho anh biết là rất nguy hiểm và anh có thể ngã… Với người mộng du, bởi vì họ đi, đứng, hoặc múa may, nhảy nhót trong vô thức - còn ý thức của họ lúc ấy đang "ngủ" - nên họ hoàn toàn không hề có khái niệm về hành động mà họ đang làm. Vì thế họ không sợ hay nói chính xác hơn, họ chẳng hề biết là họ đang đùa với thần chết!".

Để tránh cơn mộng du

Khi trong gia đình đã có người bị mộng du thì điều đầu tiên là phải tìm cách giữ an toàn cho bản thân họ. Theo bác sĩ Thái, tốt nhất là nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có những vật dụng sắc, nhọn có thể gây thương tích cho họ. Cửa sổ nên được khóa kín vào buổi tối và tốt nhất là nên gắn chuông ở cửa ra vào để báo cho những người trong nhà biết khi cửa bị mở ra. 

Trường hợp phát hiện người bị mộng du đang đi lang thang, hoặc lên hay xuống thang lầu, sân thượng, lan can, không nên gọi họ - nhất là gọi lớn tiếng hoặc vội vã kéo họ lại vì những động tác ấy có thể chuyển trạng thái vô thức của người bị mộng du sang trạng thái ý thức, mà chỉ nên nhẹ nhàng nắm lấy tay họ rồi dẫn họ đi theo mình (trở về giường ngủ). Bác sĩ Thái nói: "Vì mọi hoạt động lúc ấy đều do vô thức điều khiển nên người mộng du rất dễ dàng làm theo sự dẫn dắt. Mọi sự kích động như lớn tiếng, lôi kéo chỉ làm họ mất phương hướng mà thôi".

Để đề phòng chứng mộng du, ngoài việc giải quyết triệt để những nguyên nhân như vừa nêu ở trên, theo khuyến cáo của các chuyên gia thần kinh, cha mẹ nên theo dõi và ghi chép thời gian từ lúc trẻ bắt đầu ngủ cho đến lúc xuất hiện cơn mộng du. Khi đã nắm được quy luật thì 15 phút trước khi trẻ bị mộng du, đánh thức trẻ dậy và giữ cho trẻ tỉnh ngủ khoảng 5 phút rồi hãy cho trẻ ngủ tiếp.

Hiện tại, Y học vẫn chưa có loại thuốc nào để chữa lành chứng mộng du. Ở tuổi trưởng thành hoặc người lớn, nếu thấy xuất hiện những cơn mộng du có khả năng tự gây hại cho bản thân hoặc cho người khác thì nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Tuyệt đối đừng đưa họ đến thầy bùa, thầy ngãi vì như vậy, chẳng những  mộng du không hết mà lắm khi còn mang họa vào thân…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh