CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:22

"Mọi thứ trở nên hỗn loạn chưa từng thấy": Các bệnh viện Mỹ đang "vỡ trận" vì đại dịch Covid-19

"Chúng tôi xác nhận những bệnh nhân dương tính đầu tiên, và đó là khi mọi thứ trở nên hỗn loạn" - trích lời một bác sĩ đang làm việc tại thành phố New York (Mỹ) trả lời phỏng vấn với CNN.

Vị bác sĩ đề nghị giấu tên do lo ngại ảnh hưởng đến công việc. Ông mô tả, các bệnh viện đã không thể chuẩn bị gì khi làn sóng bệnh nhân nhiễm Covid-19 ập đến vào 2 tuần trước. Mọi thứ hỗn loạn, công cụ và vật tư dần cạn, trong khi số bệnh nhân bắt đầu nhiều hơn lượng máy thở ở đây.

"Chúng tôi không đủ máy móc, không đủ giường," - vị bác sĩ cho biết.

Ban đầu, các bệnh nhân chủ yếu rơi vào nhóm trên 70 tuổi. Tuy nhiên trong tuần qua, Mỹ ghi nhận lượng người bệnh dưới 50 đang tăng dần.

"Tôi nghĩ họ vẫn chưa hiệu được sự nghiêm trọng của dịch bệnh," - vị bác sĩ bình luận về các bệnh nhân trẻ tuổi.

"Chỉ 2 tuần trước thôi, cuộc sống của chúng tôi khác hẳn."

Một nước Ý thứ 2?

Các chuyên gia y tế cộng đồng tại Mỹ - bao gồm cả Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Jerome Adams đã từng cảnh báo rằng, Mỹ có thể trở thành một "nước Ý thứ 2".

Ý trước đó đã phải chứng kiến sự bùng nổ của Covid-19, trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới với số người chết thậm chí còn nhiều gấp đôi Trung Quốc. Cả hệ thống y tế của Ý bị quá tải trước số lượng quá đông các bệnh nhân, đến mức các bác sĩ còn phải đưa ra lựa chọn ưu tiên cứu những người có nhiều cơ hội sống sót.

Mọi thứ trở nên hỗn loạn chưa từng thấy: Các bệnh viện Mỹ đang vỡ trận vì đại dịch virus corona - Ảnh 1.
Mọi thứ trở nên hỗn loạn chưa từng thấy: Các bệnh viện Mỹ đang vỡ trận vì đại dịch virus corona - Ảnh 2.

Bên trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Ý

Nhưng Mỹ cũng đã bắt đầu chứng kiến câu chuyện tương tự ở một số khu vực, đánh dấu giai đoạn mới của cơn khủng hoảng dịch bệnh lần này.

"Thực tế là, những gì chúng tôi phải chứng kiến trong các phòng cấp cứu là rất khốc liệt" - trích lời bác sĩ Craig Spencer, giám đốc khoa Y tế toàn cầu thuộc ĐH Y Columbia, New York.

"Mới 1 tuần trước, chúng tôi còn bàn luận về tỉ lệ 1 hoặc 2 bệnh nhân trong số vài chục người là có khả năng nhiễm Covid-19" - Spencer chia sẻ. "Trong ca trực hôm qua, gần như mọi bệnh nhân tôi khám đều đã nhiễm, một số đang có triệu chứng nghiêm trọng. Nhiều người buộc phải dùng máy thở. Tình trạng 'mất bù' xảy ra rất nhanh chóng."

Mất bù (decompensation): Thuật ngữ y khoa, chỉ việc bị suy giảm chức năng đối với các bộ phận trước đó hoạt động nhờ cơ chế bù trừ của cơ thể.

"Bầu không khí đã thay đổi rõ rệt sau 1 tuần."

Nhà chức trách New York đang thúc giục các bệnh viện toàn bang phải tăng cường sức chứa. Hiện tại, tiểu bang này chiếm tới 6% tổng số ca nhiễm trên thế giới, và gần 1/2 lượng người dương tính tại Mỹ.

Tại thành phố New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo thông báo các kế hoạch xây dựng bệnh viện khẩn cấp và bổ sung thêm 1000 giường cho các viện khác cũng đang được triển khai. Thêm vào đó, hàng ngàn y bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc ngưng hoạt động nay cũng quay trở lại tiền tuyến, trở thành "lực lượng y tế bổ sung," - Cuomo chia sẻ trong ngày 25/3 (giờ địa phương).

Ngoài ra, Cuomo cho biết chính quyền bang đang nỗ lực bổ sung thêm máy thở cho các bệnh nhân nguy kịch. Hiện tại, New York đã cung cấp thêm 7000 máy thở, và 4000 đã đến tay các y bác sĩ. 2000 máy sẽ được bổ sung trong tuần. Dẫu vậy, tiểu bang cần ít nhất là 30.000 - Cuomo chia sẻ.

Mọi thứ trở nên hỗn loạn chưa từng thấy: Các bệnh viện Mỹ đang vỡ trận vì đại dịch virus corona - Ảnh 4.

Kho dự trữ chiến lược quốc gia Hoa Kỳ cho biết, cơ quan này đã tích được khoảng 16.660 máy thở để dự phòng cho đại dịch, và rất nhiều trong số đó đã được chuyển đi trong những ngày qua.

"Một dịch bệnh như thế này có thể làm quá tải bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới" - tiến sĩ Anthony Fauci, một trong những chuyên gia top đầu về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ cảnh báo. "Nếu không đủ máy thở, đó là khi bạn sẽ phải đưa ra những lựa chọn hết sức khắc nghiệt."

Cuomo cũng mô tả các biện pháp "cùng cực" mà bệnh viện đang dự tính, nhằm tăng sức chứa đối với các bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.

"Chúng tôi thậm chí tính đến chuyện phải xẻ ống thông khí làm 2 để tăng gấp đôi lượng sử dụng. 1 ống thông khí sẽ được dùng cho 2 bệnh nhân. Rất khó, chỉ là thử nghiệm thôi, nhưng lúc này thì chẳng có lựa chọn nào thay thế."

Sự hỗn loạn chưa từng có

Những áp lực trên đã không chỉ xảy ra ở New York. Các bệnh viện khắp nước Mỹ đang phải chứng kiến làn sóng bệnh nhân tăng lên chóng mặt, trong khi thiếu hụt các trang bị bảo hộ như khẩu trang và áo choàng. Nhân viên y tế - bao gồm cả y bác sĩ thì lo sợ, cảm thấy bản thân và gia đình họ đang gặp rủi ro cao.

Vài y tá giấu tên cũng chia sẻ với CNN về nỗi lo sợ mất việc. Chẳng hạn, một nhân viên cấp cứu tại Virginia mô tả bệnh viện của cô đang rơi vào trạng thái "hỗn loạn chưa từng có," khi ngay tại khoa cấp cứu thôi, bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh đang được xếp ngồi chung với những người có bệnh lý nền khác.

"Một cặp đôi cao tuổi có triệu chứng đau ngực phải ngồi kế bên một người đang ho, sốt giống cảm cúm" - cô chia sẻ. "Thực sự là quá liều lĩnh."

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, người y tá ấy đã không dám ôm con gái nhỏ của mình, vì sợ có thể lây bệnh cho con.

Mọi thứ trở nên hỗn loạn chưa từng thấy: Các bệnh viện Mỹ đang vỡ trận vì đại dịch virus corona - Ảnh 5.

Một y tá khác tại Georgia chia sẻ, cô đã liên tục bị từ chối làm xét nghiệm dù bản thân đã phát triệu chứng suốt tuần qua. Phải đến ngày 24/3 vừa qua, cô mới được chấp thuận làm xét nghiệm và được đưa đi cách ly. Trước đó cô phải chăm sóc cho nhiều bệnh nhân viêm phổi, một vài người đã tử vong.

"Cuối cùng đến sáng hôm nay tôi mới được xét nghiệm" - cô chia sẻ trong hơi thở khó nhọc hôm 24/3. "Thực sự điên rồ và đáng giận. Cảm giác bạn phải hét lên rất to mới được lắng nghe vậy."

"Tất cả mọi người đang hoảng loạn" - Judy Sheridan-Gonzalez - chủ tịch Hiệp hội y tá tại New York chia sẻ. Họ sợ nhiễm bệnh, bởi đa số không có đủ trang thiết bị bảo hộ, và họ phải sử dụng cùng một chiếc khẩu trang để khám cho nhiều bệnh nhân.

Sheridan-Gonzalez cho biết cô sợ rằng sẽ không có đủ nhân lực và ống thở cho bệnh nhân, dù tại bệnh viện của cô tình hình chưa đến mức đó.

Tại một bệnh viện tư khác ở New York, một nhân viên giấu tên cũng chia sẻ điều tương tự. "Một số bệnh viện tin rằng họ có đủ máy thở và ống thông khí. Nhưng điều này không có nghĩa là các bệnh viện khác có đủ."

Mọi thứ trở nên hỗn loạn chưa từng thấy: Các bệnh viện Mỹ đang vỡ trận vì đại dịch virus corona - Ảnh 6.

Cũng theo Sheridan-Gonzalez, rủi ro nhiễm bệnh vì thiếu khẩu trang và trang phục bảo hộ là có thật, và nó đang xảy ra ngay trước mắt. "Chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải chăm sóc cho bệnh nhân. Ai cũng vậy thôi. Nhưng chúng tôi cũng không muốn nhiễm bệnh. Tại bệnh viện của chúng tôi - mà tôi nghĩ không phải cá biệt đâu, một y tá đang phải dùng máy thở. Cô ấy nhiễm virus rồi".

Khi virus chạm đến nhân viên y tế, "đó là lúc mọi chuyện chấm dứt" - bác sĩ Peter Hotez, giáo sư khoa Y ĐH Baylor cho biết.

"Khi có quá nhiều nhân viên y tế tiền tuyến gục ngã (y tá, bác sĩ cấp cứu...), nghĩa là tình huống các bác sĩ còn phải chữa bệnh cho nhau, thì chẳng còn thứ gì khiến nước Mỹ hỗn loạn hơn được nữa."

Nỗ lực "san phẳng" xu hướng

Những gì hệ thống y tế tại Mỹ đang tập trung toàn lực vì mục tiêu "san phẳng xu hướng", nghĩa là tìm cách làm chậm tốc độ lây nhiễm, trải đều lượng người mắc bệnh trong thời gian dài hơn thông qua biện pháp cách ly xã hội. Khi làm được như vậy, đỉnh dịch sẽ không bị đẩy lên quá cao ở một thời điểm, từ đó giảm tải áp lực cho hệ thống y tế.

2Tổng thống Donald Trump phát biểu ông mong muốn đất nước "sẵn sàng để đón lễ Phục Sinh." Lễ phục sinh của Mỹ năm nay sẽ diễn ra vào ngày 12/4 - thời điểm mà rất ít chuyên gia dịch tễ tin rằng có thể kiểm soát được dịch bệnh. 

Đầu tháng 3, tiến sĩ Anthony Fauci nhận định "có thể mất vài tuần, thậm chí nhiều hơn" trước khi thấy tác dụng của việc cách ly xã hội.

"Rõ ràng là chẳng ai muốn kết luận điều gì khi chứng kiến chuyện xảy ra ở New York," - Fauci nhận xét.

Nguồn: CNN 

J.D

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh