CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:14

Mối nguy vẫn thường trực

Trường hợp này là N.Q.H., nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở chung cư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Mối nguy vẫn thường trực - Ảnh 1.

Trước đó, người này sống cùng bệnh nhân 1440 tại Myanmar, sau đó cùng nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua đường mòn, lối mở. Ngày 27/12, người này được cách ly tại khu cách ly tập trung quận 5 và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh).

Trong ngày 28/12, chung cư Sư Vạn Hạnh - nơi ở của bệnh nhân đã được phong tỏa, ngành y tế địa phương thực hiện phun xịt khử khuẩn tiêu độc. Hiện cơ quan đang xác  minh các trường hợp tiếp xúc và đưa đi cách ly theo quy định.

Như vậy, mối nguy cơ dịch bệnh từ những người vượt biên trái phép vào Việt Nam là rất hiện hữu. Như trường hợp bệnh nhân 1440 vượt biên bằng đường bộ từ Myanmar qua Thái Lan, Campuchia rồi trở về nhà ở Vĩnh Long là một điển hình. Có lẽ sẽ chẳng ai biết đến ca bệnh này nếu như người nhà không thông báo ngay với công an địa phương để cách ly và lấy mẫu kịp thời tại Vĩnh Long, để rồi sau đó xác định người này đã nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng rất may, nhờ ý thức cảnh giác và tự giác của người nhà bệnh nhân nên Vĩnh Long không trở thành ổ dịch nguy hiểm.

Nhưng sự "xuất hiện" của bệnh nhân 1440 đã đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan chức năng hiện nay. Đầu tiên là con đường để bệnh nhân có thể xâm nhập qua biên giới cho đến giờ, khi bệnh nhân khai báo "tiền hậu bất nhất" thì chưa thể xác định được anh ta đã "vượt biên" ở khu vực thuộc tỉnh An Giang hay Tây Ninh. Chính vì thế, quá trình "truy vết' các cuộc tiếp xúc của bệnh nhân này với các F1, F2 cũng trở nên khó khăn.

Việc bệnh nhân 1440 vượt biên qua "đường mòn, lối mở" một cách trót lọt cho thấy công tác quản lý biên giới hiện đang có những kẽ hở. Vấn đề này đã từng được đặt ra và Chính phủ đã yêu cầu xử lý nghiêm những người vi phạm, khi tình trạng nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam xảy ra khá phổ biến, là nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát dịch từ Đà Nẵng hồi tháng 7. Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ), mỗi ngày có khoảng 100 - 150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới, là yếu tố rất khó khăn cho kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19. Làm sao để "bịt" được các kẽ hở trên đường biên giới tiếp tục là một thách thức đối với lực lượng biên phòng.

Một vấn đề nữa, đó là ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng về phòng chống dịch của nhiều người dân hiện vẫn chưa được quán triệt một cách nghiêm túc. Bệnh nhân 1440 đã di chuyển qua những vùng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lẽ ra ngay khi về Việt Nam đã phải thực hiện ngay việc cách ly, thì anh ta vẫn ung dung đi lại, tiếp xúc với rất nhiều người, biến họ trở thành những F1, F2, khiến cuộc sống ở nhiều vùng bị đảo lộn... Một khi nhận thức và ý thức của người dân chưa đồng đều thì những mối nguy tiềm tàng đối với cộng đồng vẫn hiện hữu ở đâu đó, khiến hệ thống kiểm soát dịch bệnh dẫu có trăm tay nghìn mắt cũng sẽ rất khó lòng ứng phó kịp thời trước những diễn biến bất ngờ.

Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch, nhất là trường hợp bệnh nhân 1440 tại Vĩnh Long. Dư luận không khỏi liên hệ với trường hợp bệnh nhân 1342 - tiếp viên của VietnamAirline, khi cơ quan chức năng mặc dù đã khởi tố vụ án "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người", nhưng cho đến giờ vẫn chưa đưa ra các biện pháp xử lý về luật pháp đối với người này, cho thấy vẫn có sự "nương nhẹ", thiếu nghiêm khắc.

Tết Nguyên đán đang đến rất gần, những mối nguy từ dịch bệnh vẫn thường trực. Để mọi người có một cái Tết bình yên, các cơ quan chức năng và mọi người dân cần đề cao ý thức trách nhiệm, quyết không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh