Mỗi người thầy cũng cần phải học tập suốt đời
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 18:45 - 20/11/2016
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo)
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, không một “người thầy” nào có thể có một “bầu chữ” nào đó để có thể dạy cho học sinh suốt đời được. Do đó bản thân mỗi người đều phải tự học suốt đời để nâng cao kiến thức và đáp ứng được việc giảng dạy trong thời buổi công nghệ thông tin đang bùng nổ.
Cách dạy ngày xưa là truyền thụ kiến thức cho học sinh, thầy dạy gì thì học sinh biết điều đó do hạn chế bởi mặt thời gian. Còn ngày nay khi dạy thì người thầy có vai trò định hướng và gợi ý cho học sinh.
Theo đó phương pháp dạy học cũng có những thay đổi theo cách đặt vấn đề, gợi ý như thế nào để học sinh có thể tự thân tìm tòi hoặc cùng nghiên cứu để lượng kiến thức nó được phong phú. Học sinh cùng thầy giáo với vốn sống cũng như sự tiếp xúc của mình với các phương tiện thông tin thì có thể xây dựng nên một kho thông tin mà nếu chỉ một người thì chưa chắc đã có thời gian tìm hiểu hết được. Đấy gọi là sức mạnh của tập thể, bộ óc của nhiều người cùng làm việc để có được lượng kiến thức phong phú đó.
“Mặt khác, người thầy phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, trong cuộc sống người thầy phải gương mẫu trong các vấn đề như ứng xử đối với học sinh, đối với đồng nghiệp, cư xử có văn hóa, có những hành động đẹp…Như vậy thầy giáo cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập suốt đời để đáp ứng việc học tập. Trong bối cảnh giáo dục có nhiều đổi mới, triết lý giáo dục “con ngoan, trò giỏi” cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng. “Con ngoan, trò giỏi” bây giờ không phải chỉ là nghe, đặt đâu ngồi đấy mà còn thay đổi theo hướng “con dám năng động, trò dám sáng tạo”. Giỏi không chỉ là giỏi lý thuyết mà còn phải ứng dụng được vào thực tiễn, có những giá trị thực tế. Để làm được điều đó, ta càng thấy trách nhiệm và vai trò của người thầy vô cùng lớn lao.”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Vai trò, vị trí của người thầy rất quan trọng, cho nên người thầy càng phải thấy hết trách nhiệm của mình và phải tiếp tục học tập để có thể cập nhật các kiến thức ngày một mới hơn, ứng dụng những thành tựu của khoa học để có truyền thụ cho học sinh.
Ông Nhĩ nói thêm: “Lâu nay người ta nói không thầy đố mày làm nên, tất nhiên trong thời đại công nghệ thông tin thì người học có thể tự học, học suốt đời, học qua mạng internet thế nhưng dù thế nào cũng đều cần phải có người “thầy”. Qua mạng thì cũng phải có người hướng dẫn, người truyền thụ kiến thức thì người ta mới tiếp thu được chứ không phải từ trên trời rơi xuống.”