THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Mỏi mòn cùng... biển

 

Đường vào làng Cồn Sẻ. 


Khi cha không về!

Chiếc cầu gỗ ọc ạch bắc vào làng Cồn Sẻ rung lên bần bật khi xe đi qua. Vừa vào tới đầu làng đã cảm nhận được sự đông đúc và ngột ngạt của “đảo” Cồn Sẻ. Nhiều phụ nữ đang gắng hết sức để chở từng bao xi măng về làng. Hỏi ra mới biết, họ đi chở thuê cho bà con trong làng. Mỗi bao thu được vài nghìn đồng tiền công, đổi lại họ phải đổ mồ hôi sôi công sức.

Trên những khuôn mặt khắc khổ của phụ nữ nơi đây luôn hiện lên nỗi khó khăn và nhọc nhằn. Người ta bảo, phụ nữ làng chài có nhiều cái khổ, lấy chồng từ sớm lại đẻ nhiều, chồng đi biển biền biệt, chỉ khi nào chồng vác mái chèo về nhà mới biết là chồng mình còn sống. Họ luôn sống trong cảnh phấp phỏng đợi chờ như thế nên ai cũng nhanh già. Dường như ở cái làng chài này nỗi khổ cực của phụ nữ cứ ngày một dày lên theo năm tháng.

Chị Quy giờ đây một mình nuôi 5 đứa con.

Điều dễ cảm nhận nhất khi vào làng Cồn Sẻ có rất nhiều trẻ con và chỉ có phụ nữ ở nhà thắt lưới. Đàn ông tranh thủ ngày biển lặng là ra khơi. Ngôi nhà nhỏ của chị Mai Thị Quy (sinh năm 1979) vắng hoe. Giữa gió bấc, mưa phùn chỉ có hai mẹ con chị Quy co quắp bên chiếc giường mòn vẹt. Thấy có khách đến chơi, chị lếch thếch ôm con ra ngoài. Người phụ nữ mới ngoài ba mươi tuổi nhưng nom đã già sọm.

Đôi mắt chị Quy thâm quầng và đỏ hoe. Đứa con gái nhỏ trong tay nhoẻn miệng cười, đâu biết lòng mẹ xót. Hỏi chuyện gia cảnh, mắt ngấn nước, chị Quy cho biết, gần 3 năm qua, chưa đêm nào chị ngủ yên giấc, hình ảnh người chồng xấu số mất sau vụ chìm tàu cứ ám ảnh chị. “Đây là con gái út của chúng tôi. Cháu mới gần 2 tuổi. Anh ấy mất mà không biết mặt con”, chị Quy buồn rầu nói.

Chồng chị Quy là anh Hoàng Dũng – người cùng làng, lấy nhau được hơn chục năm. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trông cả vào những ngày lênh đênh trên biển đánh cá của anh Dũng. Mỗi tháng anh ra khơi đánh cá thuê 2 lần. Chuyến nào chồng suôn sẻ trở về là chị Quy mừng lắm. Nhờ chịu thương, chịu khó, chẳng mấy chốc, anh chị đã gom góp và xây được gian nhà riêng của mình.

Cuối năm 2012, chị Quy đang mang bầu đứa thứ 5 thì chuyện buồn đó xảy ra. Chị Quy vẫn nhớ như in cái buổi cuối cùng chị được nghe chồng nói, đó là trước khi anh Dũng đi biển còn đặt tay lên bụng vợ: “Con ngoan nhé, đừng quấy mẹ. Bố đi chuyến này về sẽ có tiền lo cho con ra đời nhé”. Chị Quy đâu ngờ rằng, đó là những lời cuối cùng anh Dũng nới với vợ, con. Ngày 30/12/2012, khi thuyền của anh sắp trở về tới làng thì gặp cơn gió lớn khiến tàu bị chìm. 14 người đàn ông của làng Cồn Sẻ đều gửi thân nơi biển sâu, trong đó có người chồng của chị.

Chồng mất, giờ đây gánh nặng nuôi con đổ dồn lên chị Quy. Dân làng chài không có ruộng, gia đình nào có người đàn ông đi biển mới hy vọng cuộc sống đủ đầy. Chỗ dựa vững chắc đó của chị Quy giờ không còn. Chồng mất, kinh tế gia đình chị như xuống dốc không phanh. Mỗi ngày chị thắt lưới thuê, kiếm được 30 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi này không đủ đong gạo cho các con. Đó còn chưa kể tiền học, thuốc thang cho các con. Gia đình nội, ngoại cũng nghèo nên chẳng giúp được gì nhiều cho mẹ con chị. Hàng ngày chị vừa trông con nhỏ, vừa thắt lưới nên chẳng kiếm được bao nhiêu. 6 mẹ con chị Quy đang sống lay lắt qua ngày.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi bà Hoàng Thị Liêm – hàng xóm của chị Quy bế đứa trẻ gầy nhẳng sang chơi. Hai người phụ nữ có tâm trạng  buồn như nhau, đều vừa mất đi những người thân thương nhất của mình. Đứa bé quặt quẹo đó là cháu nội của bà Liêm. Năm ngoái bà Liêm mất 2 người con trai. Đứa bé này là con của người con trai lớn. Đứa con trai thứ 2 mới 18 tuổi, chưa lấy vợ. Mất đi lao động chính của nhà, gia đình bà Liêm rơi vào cảnh khốn cùng.

Chồng chất nợ nần

Cách nhà chị Quy không xa là nhà chị Nguyễn Thị Đức (sinh năm 1974), có chồng mất trong vụ chìm tàu năm ngoái cũng rơi vào tình cảnh éo le. Hôm chúng tôi đến nhà, chị Đức vừa ru đứa con trai út lên 2, vừa tranh thủ thắt lưới. Nhìn con ngủ ngon lành, chị Đức lại khóc. Chị khóc thương những đứa con thơ đã vĩnh viễn mất đi người bố, chị thương thân phận mình sao lắm long đong. Anh chị có 5 đứa con, con gái lớn lấy chồng ở miền Nam, còn 4 đứa đang tuổi ăn, tuổi học. Từ hôm chồng mất, chị suy sụp đi nhiều. Cố lắm mẹ con chị cũng chỉ lo cho nhau rau cháo qua ngày. 

Chị Đức vừa ôm con vừa đan lưới kiếm sống.

Cơn bão số 11 năm 2012 xô cả mái ngói. Trời mưa là dột khắp nhà. Giờ đây, ngôi nhà này của chị có khả năng bị ngân hàng phát mại. Ngày còn sống, anh chị đã thế chấp “sổ đỏ” vay 150 triệu đồng, mới trả được 30 triệu. Nếu không có chuyện gì xảy ra, anh chịu khó đi biển, 2 năm nữa, gia đình chị sẽ trả hết nợ. Giờ đây, chồng mất, cái ăn hàng ngày mẹ con chị cũng còn thiếu thốn trăm bề, nói gì đến việc trả nợ. “Khổ lắm chú à! Vừa rồi tôi phải làm 2 cái đơn: 1 cái xin ngân hàng cho hoãn nợ, 1 cái xin khoanh nợ, chứ giờ mà họ bán nhà, mẹ con tôi biết ở mô. Tôi mong mấy đứa con trai nhanh lớn, có thể đi biển được, sẽ kiếm được tiền trả nợ cho mẹ”, chị Đức bảo.

Con trai là niềm hy vọng lớn của những gia đình làng Cồn Sẻ, bởi lẽ chỉ có con trai mới đi biển được. Phụ nữ ở nhà vá lưới thuê và trông con. Ít gia đình nào có điều kiện lo cho con cái đi học để kiếm được việc làm khác. Dường như cánh nam giới nơi đây sinh ra đã có sứ mệnh đi biển kiếm ăn rồi. Vì phải có con trai bằng mọi giá nên dân nơi đây đẻ rất nhiều. Trung bình mỗi gia đình có 6 đứa con. Đẻ nhiều dẫn đến nghèo đói, thất học và họ không có khả năng thay đổi nghề nghiệp của mình, đành ra khơi. Sóng gió biển Đông đâu phải lúc nào cũng trời yên bể lặng. Khi biển nổi cơn tam bành, nhiều trai tráng đã vĩnh viễn bỏ mạng nơi trùng khơi, và danh sách góa phụ làng  Cồn Sẻ ngày càng dày hơn.

Ngôi nhà nhỏ của ông Trưởng thôn Nguyễn Cương nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Nhìn nó tuềnh toàng như tính khí của những chàng trai biển vậy. Ông Cương đã già yếu nên không đi biển được. Nói về làng mình, ông Cương không được vui lắm, ông bảo, làng Cồn Sẻ có khoảng 20 phụ nữ mất chồng do đi biển. Tất cả những gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo và mắc nợ ngân hàng hoặc người thân. Họ không có khả năng lo cho gia đình và trả nợ. Phụ nữ làng chài cố lắm mua được mớ rau, con cá, cuộc sống của họ phụ thuộc nhiều vào cứu trợ hàng năm của Nhà nước và các tấm lòng hảo tâm. 

ĐƠN THƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh