THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:46

Mối liên hệ giữa đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và thừa cân - béo phì

TS BS. Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) cho biết, rối loạn mỡ máu là sự thay đổi bất thường của nồng độ chất béo trong máu dẫn tới các tác động có hại cho sức khỏe.

Đối với người bệnh đái tháo đường, khả năng bị rối loạn mỡ máu nhiều hơn vì bản chất của bệnh đái tháo đường là có sự rối loạn đề kháng insulin ở các tế bào, cơ quan trong cơ thể (cơ, mỡ, gan…) làm ảnh hưởng tới hoạt động của insulin – một chất quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất béo.

Ở người bệnh thừa cân - béo phì gây ra những rối loạn khác như hô hấp, nội tiết, sinh sản…

Ở người bệnh thừa cân - béo phì gây ra những rối loạn khác như hô hấp, nội tiết, sinh sản…

Ở người bệnh thừa cân - béo phì, insulin mà cơ thể họ tạo ra có thể không còn hoạt động hiệu quả, dẫn đến chất béo và đường trong cơ thể bị rối loạn, thường sẽ dễ bị chuyển hóa thành bệnh lý tim mạch hoặc gây ra những rối loạn khác như hô hấp, nội tiết, sinh sản…

Kết quả các nghiên cứu cho thấy bệnh thừa cân - béo phì và đái tháo đường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi bị béo phì thì khả năng mắc bệnh đái tháo đường cũng cao hơn, đi kèm là bệnh rối loạn mỡ máu. Những người bị thừa cân - béo phì thường có rất nhiều rối loạn chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến làm tăng khả năng rối loạn về đường máu, mỡ máu, tăng axit uric… Béo phì và đái tháo đường cũng làm tăng khả năng mắc bệnh lý tim mạch do xơ vữa (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, tắc động mạch mạch), bệnh ung thư, bệnh thận mạn…

Quản lý cân nặng đối với bệnh đái tháo đường và rối loạn mỡ máu

Theo TS BS. Trần Quang Nam, để biết được cơ thể có đang thừa cân - béo phì hay không thì chúng ta phải kiểm tra chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI). Chỉ số BMI lý tưởng là từ 18,5 đến 22,9. Chỉ số này càng tăng thì các rối loạn về đường, mỡ máu, huyết áp và những chất không có lợi cho cơ thể cũng tăng lên, dễ mắc các bệnh lý về tim mạch. Đối với người Châu Á, nếu chỉ số này 23 tới 25 thì được xem là thừa cân và chỉ số khối cơ thể trên 25 là béo phì, cần đi thăm khám sớm để đánh giá tình trạng sức khỏe và các rối loạn kèm theo do thừa cân béo phì.

TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thăm khám cho người bệnh.

TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thăm khám cho người bệnh.

BV ĐHYD TP.HCM từng tiếp nhận trường hợp của người bệnh Dương Hoàng N. (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) được chẩn đoán là béo phì (BMI = 27), chỉ số đường huyết và chất béo trong máu cao. Người bệnh được bác sĩ chỉ định tư vấn điều trị béo phì chuyên sâu không dùng thuốc bởi sự phối hợp của các chuyên khoa: Nội tiết, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng và Tâm lý. Sau 2 tháng điều trị, cân nặng của người bệnh đã giảm 5% so với cân nặng ban đầu, các chỉ số trong cơ thể cũng được kiểm soát ở mức độ ổn định. Người bệnh được hướng dẫn duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Hiện người bệnh vẫn đang duy trì tái khám và tuân theo phác đồ điều trị với mục tiêu giảm chỉ số BMI từ 5-7% so với cân nặng ban đầu, nhằm đạt được hiệu quả kiểm soát các yếu tố bệnh lý.

TS BS. Trần Quang Nam chia sẻ, khi thực hiện điều trị ở giai đoạn đầu, các bác sĩ thường không để người bệnh dùng thuốc mà khuyên người bệnh nên thay đổi lối sống sinh hoạt. Người bệnh có thể đến các chuyên gia dinh dưỡng hoặc các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, nội tiết để được tư vấn về chế độ ăn uống và kiểm soát năng lượng nạp vào cơ thế. Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải tập thói quen vận động hằng ngày.

Khi phương pháp thay đổi lối sống vẫn không mang đến hiệu quả như mong muốn thì người bệnh mới phải sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giảm cân. Người bệnh chỉ sử dụng những loại thuốc đã có nghiên cứu rõ ràng và được Bộ Y tế Việt Nam công nhận. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đủ liều lượng và đủ thời gian, tái khám định kỳ để theo dõi các chỉ số và duy trì vận động.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh