THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:07

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trưởng thành, mạnh lên bằng tiềm lực

Quang cảnh Diễn Đàn VBF 2017

Mỗi đồng vốn là một “lá phiếu”

Điểm lại kết quả điều hành kinh tế năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP năm nay dự kiến đạt 6,7%, là mức cao nhất trong 10 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, thương mại xuất siêu, kiểm soát được lạm phát.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp nhà nước, tài chính ngân hàng, nợ xấu, nợ công,... giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội….”, Thủ tướng khẳng định.

Nền kinh tế ghi nhận có trên 120.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với vốn đăng ký hơn 3 triệu tỉ đồng và 25.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; số vốn FDI đăng ký đạt hơn 35 tỉ USD - cao nhất trong 10 năm qua. 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Trong suốt 20 năm qua, VBF luôn đồng hành với chính phủ nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh, phát triển DN, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Thủ tướng ghi nhận, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế, người dân mà còn mang lại lá phiếu ủng hộ Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư.

Nhắc lại đánh giá của Ngân hàng thế giới khi xếp hạng Việt Nam tăng 14 bậc lên 68/190 quốc gia về môi trường đầu tư, song Thủ tướng lưu ý Việt Nam phải làm nhiều việc, đổi mới hơn để tiến tới nhóm đầu ASEAN về môi trường, thủ tục đầu tư. Bên cạnh niềm vui còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và người dân, doanh nghiệp biến thành cơ hội.

"Cộng đồng DN Việt nam ngày càng trưởng thành, mạnh lên bằng tiềm lực, đưa tăng trưởng cao liên tục. GDP hiện nay đã tăng gấp 8 lần, từ chỗ chỉ đạt 27 tỷ USD năm 1997 đến nay 2017, quy mô GDP đã đạt 220 tỷ USD, phấn đầu 2030 đạt 300 tỷ USD. Với sức vóc của mình, DN tại Việt nam ngày càng đưa ra nhiều kiến nghị, sáng kiến hay ở tầm vĩ mô, vi mô ngày càng to đẹp, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi để Việt Nam phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017

 

Nhắc lại các con số tăng trưởng cao, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là niềm tin, sự hứng khởi giúp tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lan tỏa trong toàn xã hội.

Còn nhiều việc phải làm

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Việt Nam còn phải làm nhiều việc để cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới nằm trong nhóm đầu ASEAN, kết hợp chặt chẽ FDI và DN trong nước tốt hơn, nhịp nhàng hơn để phấn đấu bằng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD).

"Còn nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực sáng tạo của Chính phủ và DN để biến khó khăn thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng lưu ý.

Theo đó, tại Diễn đàn, Thủ tướng thay mặt Chính phủ đưa ra một loạt cam kết. Thứ nhất, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giúp kết nối thông minh giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thứ hai, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định bởi đây là lợi thế cạnh tranh trong môi trường thế giới nhiều bất ổn. Đẩy mạnh cải cách nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng và trong lĩnh vực thuế để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp... Trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục sử dụng các công cụ tài khoá tiền tệ thúc đẩy việc làm, cải thiện đời sống người dân.

Thứ ba, Chính phủ tập trung cải cách chất lượng thể chế, tăng tính minh bạch, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước... duy trì sự tăng trưởng, bảo đảm thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên bằng tầng lớp thu nhập trung bình, khá.

Ông Sagara Hirohide, Đồng Chủ tịch, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ghi nhận, Việt Nam đã đi qua những bước ngoặt quan trọng và đã thành công khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã thu hút mạnh mẽ và có hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài; GDP hàng năm liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện đời sống người dân. Quan trọng, Việt Nam đã đạt được những mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng và hình thành được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để đánh giá những chặng đường đã đi qua, nhìn vào những thách thức trong tương lai để khắc phục và tận dụng cơ hội; đồng thời, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, hạn chế doanh nghiệp, có thể thấy Việt Nam vẫn còn không ít việc phải làm. 

Bởi vẫn còn nhiều quan ngại về sự minh bạch, hiệu quả của các cơ quan ban ngành; môi trường kinh doanh và đầu tư và năng suất lao động còn hạn chế… có thể ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh