THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:57

Mộc mạc như anh Nguyễn Bá Thanh

Trả lời báo chí mà cứ như...đùa

Rất nhiều nhà báo ở Đà Nẵng đều có chung nhận xét giống tôi là, thời kỳ anh Thanh làm Chủ tịch UBNDTP là vui nhất. Vui vì anh luôn tổ chức các buổi họp báo định kỳ, mỗi tháng mỗi lần. Ở đó, Chủ tịch thành phố và các nhà báo có thể cởi mở trao đổi mọi vấn đề và các nhà báo luôn nhận được những thông tin, những câu trả lời nhanh nhất, đầy đủ nhất và cũng thuộc dạng “ lạ” nhất.



Khoảng năm 2003, tại một cuộc họp báo định kỳ của TP Đà Nẵng, do trước đó, tôi nghe nhiều ý kiến của một số người trong ngành Thể dục- Thể thao thành phố nói về cách chỉ đạo của anh Thanh với Đội bóng đá Đà Nẵng. Họ cho rằng anh Thanh quan tâm thì rất tốt, nhưng quan tâm quá, sâu sát quá và cả “ dài tay quá”. Có người còn kể: có trận, đội Đà Nẵng đá ở Cần Thơ, không có truyền hình trực tiếp, vậy mà anh Thanh ở Đà Nẵng gọi điện cho Huấn luyện viện trưởng yêu cầu thay cầu thủ. Đem những thắc mắc, những ý kiến này, tôi chất vấn anh Thanh. Chẳng suy nghĩ nhiều, anh Thanh hỏi lại tôi: "Ông có thích, có mê bóng đá không? Tôi làm Chủ tịch thành phố, đội bóng đá của thành phố, quan tâm là chuyện bình thường". Rồi ông nói tiếp: “ Tôi đã đọc hết các văn bản, các quy định rồi, chẳng thấy chỗ nào cấm Chủ tịch thành phố mê và quan tâm đến bóng đá cả. Mà ông thấy nó đá cũng được chứ nhỉ?”


Cầu thủ Nguyễn Bá Thanh

Cầu thủ" - Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tiếc nuối khi bỏ lỡ một cơ hội ghi bàn trong trận đấu trận đấu giao hữu giữa CLB Đà Nẵng và Huda Huế chiều ngày 31/12/2007 (Ảnh tư liệu)
Cũng khoảng thời gian đó, khi Đà Nẵng triển khai hàng loạt các Dự án giao thông, phát triển đô thị. Tại khu vực công viên tượng đài, đường 2/9 thuộc phường Hòa Cường Bắc bây giờ, có ngôi đình Nại Nam, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Do phải bồi đắp nền đường và nền của toàn bộ khu vực, nên đình Nại Nam nằm thấp hơn mặt bằng chung 1 m, lại ở sát bờ sông. Vì vậy, nguy cơ bị ngập là chắc chắn. Trước tình hình đó, UBND TP Đà Nẵng thuê “ Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy nâng đình Nại Nam và 2 cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi lên cao 1 m, bằng với cốt nền của toàn khu vực. Tôi nhớ, trị giá lúc đó vào khoảng 1, 6 tỷ đồng. Rất nhiều tờ báo đã đăng bài ngợi ca công trình  nâng đình Nại Nam của “ Thần đèn”. Nhiều người cho rằng Chủ tịch thành phố đúng là dám làm, dám chịu và hơi liều; còn Nguyễn Cẩm Lũy đúng là “ Thần đèn”. Riêng tôi, tôi lại nghĩ khác, anh Thanh không phải liều mà là ... quá liều. Tại cuộc họp báo định kỳ lần đó, tôi đã đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp với anh Thanh về việc này. Tôi nói: "Đình Nại Nam là một Di tích cấp Quốc gia, không thể tính được giá trị bằng tiền, Đình đã được xây dựng hàng trăm năm với vật liệu xây dựng đơn giản, thô sơ vôi, vữa. Ông Nguyễn Cẩm Lũy, dù có giỏi cũng chỉ là tay ngang, không bằng cấp, không chứng chỉ nào đảm bảo. Đề nghị ông Chủ tịch thành phố cho biết: Việc thuê ông Nguyễn Cẩm Lũy nâng Đình Nại Nam đã có ý kiến của Bộ Văn hóa hay không? Nếu rủi ro, bị sập toàn bộ ngôi Đình này thì, theo Hợp đồng ông Nguyễn Cẩm Lũy có phải bồi thường không, bồi thường bao nhiêu?" Trước câu hỏi của tôi, anh Thanh trả lời mà như kể: "Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, tôi có đi đào giếng thuê  buổi sáng tới đào một chặp, chủ nhà dọn cho chúng tôi ăn nửa buổi, bữa thì xôi, chè, bữa thì mỳ Quảng, bún bò. Ăn xong, đào xuống gặp tảng đá bàn, không thể đào được, đi về chủ nhà cũng chẳng đòi lại xôi chè hay mỳ Quảng, bún bò-Anh Thanh nói tiếp-Có người bị bệnh nặng, nghe có thầy thuốc giỏi, tìm tới chữa bệnh. Ông thầy thuốc, bắt mạch, kê toa, bốc thuốc, mình trả tiền về uống thuốc, bệnh không hết mình cũng không dám đến đòi lại tiền ông thầy thuốc. Nghe anh trả lời thế thật tình, lúc đó tôi rất giận, thậm chí có lúc nghĩ: Cãi với ông Thanh, thà vạch đầu gối mà cãi. Nhưng sau này, nhìn ngôi đình Nại Nam vững vàng, hoành tráng trong khu vực công viên tượng đài 2/9, tôi lại cảm thấy ân hận với chính suy nghĩ của mình. Một lần gặp tôi, Như Ngọc, Biên tập viên, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, nói: "Họp báo phải có anh và anh Thanh mới vui". Có lẽ Như Ngọc thích cái tính, cái cách cả của người hỏi và người trả lời chăng?

 

Đình Nại Nam và cây đa hàng trăm tuổi đã được nâng lên và bảo tồn.

Kỷ niệm về lần gặp cuối cùng

Sau khi anh Nguyễn Bá Thanh được Trung ương điều động, phân công làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương, tôi đã có bài viết: “Khi Đà Nẵng không có Nguyễn Bá Thanh” Đăng trên số Báo Xuân  LĐ&XH năm 2013. Bài báo đã ít nhiều nói đến những thành công của anh trên các lĩnh vực công tác và cả cá tính không giống ai của anh, cũng như những kỳ vọng của tác giả cũng như nhiều người đối với anh. Sau này ít có điều kiện gặp anh. Nhưng may mắn, thật may mắn cho tôi vào đầu tháng 7/2014, khi đó anh Thanh đã mắc bệnh hiểm nghèo. Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng với cử tri quận Sơn Trà. Vì đang viết loạt bài “ Cần phải tôn trọng đạo lý và pháp luật” nói về một trường hợp người con trai lợi dụng danh nghĩa Mẹ VNAH của mẹ mình, có những hành vi coi thường đạo lý và pháp luật. Vụ việc này nảy sinh từ thời kỳ anh Thanh còn làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Sau buổi tiếp xúc cư tri, tôi đã tranh thủ gặp anh để phỏng vấn. Thấy anh đã có những dấu hiệu rất khác thường về sức khỏe, tôi thật sự lo ngại. Nhưng khi hỏi ý kiến của anh về trường hợp này, anh Thanh đã trả lời rất rõ ràng: “ Coi chừng vi phạm pháp luật...”. Câu trả lời thẳng thắn của anh được đăng ngay trên Báo LĐ&XH và đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho tôi để hoàn thành loạt bài này một cách thành công và tạo được uy tín của Báo trong khi có không ít những dư luận trái chiều.

Hôm nay, anh đã ra đi, hơn một triệu người dân Đà Nẵng đón một cái Tết không có anh, thật buồn. Buồn, tiếc, thương, nhớ một con người đã để lại nhiều điều tốt đẹp cho nhân dân Đà Nẵng.

GIANG SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh