THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:06

Mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP

 

Thí điểm 1 năm, phạt hơn 5 tỷ đồng vi phạm

Trước đó, cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Hà Nội và TP. HCM được triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường, mỗi thành phố triển khai tại 5 quận/huyện và 10 xã/phường trong thời gian từ ngày 15/11/2015 tới ngày 15/11/ 2016. Tại hội nghị tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường của Hà Nội và TP. HCM  vừa được Bộ Y tế tổ chức,  Cục An toàn thực phẩm  cho biết, sau một năm thực hiện, lực lượng chức năng đã kiểm tra 3.536 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội và 3.968 cơ sở tại TP. HCM. Kết quả kiểm tra tại Hà Nội đã xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015, số cơ sở bị xử phạt tiền và tổng số tiền phạt đều tăng xấp xỉ 240%. Tại TP. HCM, qua kiểm tra đã xử lý vi phạm 2.163 cơ sở, phạt tiền 923 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 4,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2015, số cơ sở bị phạt tiền tăng mạnh tới 270%, số tiền phạt tăng hơn 212%.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong đánh giá, sau một năm triển khai thí điểm thanh tra, số cơ sở được thanh kiểm tra nhiều hơn; đối tượng thanh, kiểm tra được mở rộng hơn. Ngoài thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh đường phố, bếp ăn tập thể thì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chăn nuôi, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, chế biến thủy sản, giết mổ gia súc... đều nằm trong đối tượng thanh tra. Số tiền xử phạt lớn hơn, số cơ sở bị xếp hạng C ngành nông nghiệp sau kiểm tra nâng lên loại B, A.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay pháp luật chưa quy định thanh tra chuyên ngành ở xã, phường trong khi lực lượng thanh tra ở tỉnh, thành phố, trung ương rất mỏng. Vì thế, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành tại các quận, phường góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Huy động được nguồn lực trong công tác thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với việc tăng về số vụ phát hiện sai phạm và phạt tiền. Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tốt hơn, người dân yên tâm hơn.

Đề cập đếm  những tồn tại, ông Trần Văn Châu Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn Thực phẩm cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách này như: nhiều địa phương thiếu nhân lực, không có cán bộ chuyên trách hay cán bộ chuyên môn về an toàn thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra còn hạn chế. 

 Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, khó khăn trong công tác thanh tra là một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động. Các cơ sở ở chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra và xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, nhiều người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhưng sợ sai, ngại va chạm, không dám làm, nhất là cán bộ ở cấp xã phường còn tâm lý nể nang họ hàng làng xóm vì đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương là người quen biết… đã làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính. Còn tại TP. HCM, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động này cho phòng y tế quận huyện, trạm y tế xã phường nên hiệu quả không cao.

Cần phải truy lùng để xử lý tận gốc thực phẩm bẩn


Cần nâng cao tính hiệu quả của thanh tra chuyên ngành ATTP

 

Trước kết quả tích cực của việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường tại Hà Nội và TP.HCM,  Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để có thêm cơ sở thực tiễn đánh giá mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục mở rộng và kéo dài thời gian thí điểm mô hình này. Theo đó, tại Hà Nội và TP. HCM, sẽ mở rộng thí điểm tại 100% các quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn trong thời gian một năm tới. Cùng với đó, hiện có thêm 3 thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cùng 3 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai đã có văn bản đề nghị được thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ở một số quận huyện, xã phường trên địa bàn trong thời gian một năm.

Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay việc phát hiện sai phạm mới chỉ dừng lại ở chỗ giấy phép kinh doanh, giấy phép hết hạn… Việc tổ chức đi từng đoàn, đến chợ đầu mối, quán ăn “ngó nghiêng” rồi về thì chưa thực sự hiệu quả. Các đoàn kiểm tra cần đặt ra các tiêu chí cụ thể như kiểm tra về cái gì, vi phạm như thế nào, tìm nguy cơ từ những thực phẩm gây ngộ độc, ung thư.

“Muốn hiệu quả cao hơn thì phải tính tới việc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào thanh kiểm tra các vấn đề nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm, thậm chí truy lùng thực phẩm bẩn để xử lý tận gốc,” ông Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, đại diện Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho rằng,  hiện nay đoàn thí điểm mới chỉ đang kiểm tra giấy tờ là chính chứ chưa tập trung vào điều kiện sản xuất kinh doanh cũng như tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất thực phẩm. Do đó, trong khi thực hiện thanh tra thí điểm, các đoàn cần phải tập trung hơn nữa vào nhóm hành vi gây rủi ro đến chất lượng an toàn thực phẩm.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh