THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 03:27

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Tính đến tháng 6/2015, số lao động tham gia BHXH cả nước đạt gần 11,9 triệu người (trong đó số tham gia BHXH bắt buộc là trên 11,6 triệu người, tăng 214.086 người so với cuối năm 2014; số tham gia BHXH tự nguyện là 205.949 người, tăng 16.918 người so với cuối năm 2014). Nhìn chung tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chỉ chiếm 20% lực lượng lao động. Theo đánh giá của một số chuyên gia, điều này dẫn đến tình trạng trong tương lai gần sẽ có hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu, nhưng không có thu nhập từ lương hưu. Và gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, khi phải trợ cấp cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của  họ. Trước nguy cơ này, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH phải được xem là ưu tiên hàng đầu của chính sách BHXH.

Giao dịch đóng, nộp bảo hiểm xã hội.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 đã đặt  mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, mở rộng đối tượng tham gia BHXH là một chủ trương lớn, nhưng lại không dễ dàng thực hiện. Theo dự báo năm 2020, lực lượng lao động cả nước đạt 60 triệu người, như vậy đến năm 2020 mục tiêu cần hướng tới độ bao phủ số người tham gia BHXH sẽ là 30 triệu người. Với quỹ thời gian còn chưa đầy 5 năm, để đạt được mục tiêu trên, mỗi năm cần mở rộng thêm trên 2,6 triệu người tham gia vào hai  loại  hình BHXH bắt buộc và tự nguyện. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho cả cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan tổ chức thực hiện.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa  XIII, ngày 20/11/2014, Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc  hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016. Theo đó, so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bổ sung thêm các nhóm đối tượng đối với BHXH bắt buộc: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ 1/1/2018); Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (thực hiện từ 1/1/2016). Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (thực hiện từ 1/1/2018).

Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Cùng với đó, Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định linh hoạt về mức đóng, phương thức đóng góp và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khi tham gia BHXH tự nguyện: Đóng hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng.

Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và biện pháp tuyên truyền về BHXH nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tham gia chính sách BHXH cho người lao động nói chung, đặc biệt với lao động nữ ở khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Vì đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực này có tỷ trọng lao động nữ chiếm số đông.

PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh