THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:07

Mở rộng đối tượng khen thưởng để khích lệ, tạo sự lan tỏa

Khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng

Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác Thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) khẳng định, không thể phủ nhận vai trò, động lực và những hiệu quả to lớn các phong trào thi đua đem lại đối với đời sống xã hội và trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã có những điều chỉnh, bổ sung về hình thức, phạm vi thi đua. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung thi đua trong dự thảo luật sửa đổi vẫn còn mang nặng tính hành chính và tính chất nhà nước...

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam)

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam)

Theo đại biểu, thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện, tự giác của cá nhân, tập thể phấn đấu vì những mục đích chung, hướng đến những điều tốt đẹp, mục tiêu cao hơn trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh... phát huy được sức mạnh của từng cá nhân, tập thể trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu, phạm vi và hình thức tổ chức thi đua phụ thuộc vào từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng chứ không phải tất cả đều giống nhau.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung phạm vi, thẩm quyền của đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp xã hội.

Về nội dung khen thưởng, theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng. Để giải quyết được vấn đề đó, luật sửa đổi phải có những quy định cụ thể, rõ ràng. Khen thưởng phải theo công trạng, phải dựa trên công trạng của các cá nhân, tập thể đạt được; có như vậy mới thực sự động viên được đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy và hướng tới.

"Đề nghị rà soát lại để có sự thống nhất giữa nội hàm khái niệm khen thưởng và loại hình khen thưởng, nếu không sẽ dẫn đến việc khi quy định các tiêu chuẩn cụ thể sẽ mất đi bản chất thực sự của khen thưởng là ghi nhận công trạng; và nếu thống nhất được vấn đề này, các điều khoản quy định cụ thể của phần khen thưởng sẽ cụ thể, rõ ràng hơn," đại biểu Phạm Hùng Thắng nhấn mạnh.

Khen thưởng cần hướng về cơ sở, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất.

Theo đại biểu Phan Văn Xựng (TP.HCM), Luật Thi đua, khen thưởng sau 17 năm thực hiện, qua 2 lần sửa đổi  đã đi vào cuộc sống, góp phần động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân phát huy sáng kiến trên tất cả các lĩnh vực, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ...

Tuy nhiên, theo đại biểu, Luật vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập, như: tiêu chí xét tặng, thẩm quyền và việc công nhận danh hiệu thi đua có điểm chưa thống nhất; quy định đối tượng, tiêu chuẩn của một số hình thức khen thưởng còn chưa cụ thể, khó áp dụng; chưa thực sự chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác và khen thưởng tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo…

Về khen thưởng đối với tập thể cơ sở, tập thể nhỏ, đại biểu Phan Văn Xựng cho rằng, dự thảo luật đã bỏ quy định tặng "Huân chương Lao động" hạng Nhất, Nhì, "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất, Nhì đối với tập thể không thuộc đối tượng tặng Cờ thi đua là chưa phù hợp với chủ trương khen thưởng hướng về tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo các tập thể không thuộc đối tượng tặng Cờ thi đua được xét tặng thưởng "Huân chương Lao động" hạng Nhất, Nhì, "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất, Nhì như quy định hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này có diện bao phủ rất rộng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này có diện bao phủ rất rộng

Giải trình về những nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này có diện bao phủ rất rộng, cả hệ thống chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, tập thể, cá nhân, gia đình người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Luật đảm bảo các nguyên tắc

Thứ nhất là phải đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, bình đẳng, khoa học, thực tiễn và tạo ra tâm lực mới cho thi đua, khen thưởng.

Thứ hai, đó là phải đảm bảo tính kế thừa và đổi mới. Kế thừa những điều khoản, những nội dung, vấn đề thực tiễn đã chứng minh rất hợp lý, có sức lan tỏa, có tính ổn định, kể cả tên danh hiệu và nghiên cứu để đổi mới những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, hướng mạnh hơn về khu vực ngoài nhà nước và khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, nhất là đối tượng là công nhân, nông dân, doanh nghiệp, doanh nhân trí thức, nhà khoa học...

Đặc biệt là hướng về cơ sở để khen thưởng cho các tập thể cơ sở và chú trọng hơn tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Nguyên tắc thứ ba, vừa phải đảm bảo mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, trong thi đua có danh hiệu thi đua, trong các hình thức khen thưởng cũng có danh hiệu thi đua.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó để khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, không công bằng và ở mặt nào đó có tính hình thức các khen thưởng. Đặc biệt, chú trọng khen thưởng đối với khu vực ngoài nhà nước, cho người trực tiếp lao động sản xuất và công tác, học tập, chiến đấu.

Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sỹ nhân dân", "Nghệ sỹ ưu tú" đối với nhạc sỹ, phát thanh viên.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng không nên bỏ xét tặng danh hiệu này đối với nhạc sỹ. Đại biểu nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sỹ vì đây là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo.

Theo đại biểu, nhạc sỹ không phải nghệ sỹ biểu diễn, nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sỹ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sỹ, âm thanh, biên đạo…

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lại cho rằng, từ lâu, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là giải thưởng dành cho các tác phẩm xuất sắc, nếu nhạc sỹ có tác phẩm hay, xuất sắc, được ghi nhận thì sẽ được trao tặng các giải thưởng này. Danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú là tặng cho người biểu diễn nghệ thuật. Trong trường hợp nhạc sỹ cũng tham gia biểu diễn thì có thể được xét tặng danh hiệu này, còn ngược lại khi không nên xét tặng.

 

 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh