CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:04

Mở rộng độ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV

73%  các cơ sở y tế đã sẵn sàng chi trả điều trị HIV/AIDS qua BHYT

Theo báo cáo từ các địa phương, cả nước hiện có 403 cơ sở điều trị HIV/AIDS (không kể cơ sở cấp phát thuốc ARV). Cho đến hết quý III/2017 đã có 296 cơ sở điều trị HIV (chiếm 73%) được kiện toàn, tức là đã ký được hợp đồng và sẵn sàng thanh toán các chi phỉ điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT.  Như vậy vẫn còn 27% cơ sở chưa ký được hợp đồng với bảo hiểm y tế bao gồm: 17 TT phòng chống HIV/AIDS chưa ký hợp đồng với BHYT và không cung cấp được dịch vụ BHYT do bác sỹ không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động về KCB HIV/AIDS. 7 tỉnh/thành phố với 41 sơ sở điều trị đang điều trị tại TT y tế không có chức năng KCB qua BHYT (TP. Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Bình Thuận, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bến Tre) do vậy không thể cấp được giấy phép hoạt động. Hiện một số tỉnh chờ chủ trương sát nhập BV huyện với TT y tế huyện theo Thông tư 51 của Bộ Y tế. 24 Trung tâm Y tế dự phòng của TP HCM chờ UBND Thành phố bổ sung chức năng khám chữa bệnh để thành lập Phòng khám đa khoa/chuyên khoa.

Về tiến độ mua sắm thuốc ARV, ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, Thủ tướng có Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 quyết định thời điểm thanh toán thuốc ARV từ quỹ BHYT là từ năm 2019. Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn Thông tư số 28/TT-BYT ngày 28/6/2017 hướng dẫn mua sắm, thanh toán ARV. Hiện nay Bộ Y tế phối hợp với các tỉnh để tổng hợp nhu cầu thuốc ARV từ Quỹ BHYT từ 63 tỉnh, thành phố; Chuẩn bị các hồ sơ cần thiết cho việc đấu thầu, mua sắm thuốc ARV từ Quỹ BHYT và chuyển giao cho Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Như vậy kế hoạch Quý IV năm 2018 phải có thuốc ARV chuyển về các cơ sở điều trị để có thể sẵn sàng chi trả cho bệnh nhân HIV có thẻ từ 1/1/2019.

Tháo gỡ khó khăn, giúp người nhiễm HIV có thẻ  BHYT

Tư vấn về chính sách BHYT cho người nhiễm HIV

 

Về mở rộng độ bao phủ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, theo ông Hoàng Đình Cảnh, sau khi có Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV các địa phương đã tích cực vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT bằng tiền cá nhân nếu có điều kiện, các tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV nếu khó khăn hoặc có nhu cầu. Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS cũng đã dành một khoản kinh phí hỗ trợ các địa phương khó khăn mua thẻ BHYT cho bệnh nhân. Với hàng loạt giải pháp như vậy độ bao phủ BHYT trong bệnh nhân tham gia điều trị thuốc kháng HIV đã tăng từ 64% (tháng 2/2017) lên 76% (tháng 6/2017) và 82% (tháng 9/2017). Tương đương hoặc cao hơn một chút với tỷ lệ chung người dân có thẻ BHYT. Đáng chú ý có 6 tỉnh đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT (Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn) và có tới 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị trên 90%.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV gặp không ít khó khăn.  “Khó khăn thứ nhất là vấn đề chính sách, dù chúng ta đã có Luật về BHYT, có Luật khám chữa bệnh và hàng loạt các văn bản hướng dẫn về khám chữa bệnh bằng BHYT nói chung. Tuy nhiên nếu áp dụng với người nhiễm HIV là đối tượng đặc thù thì có thể sẽ có rất nhiều người không thể tiếp cận được với điều trị HIV/AIDS qua BHYT; Khó khăn thứ 2 về kiện toàn các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT qua BHYT; Khó khăn thứ ba là làm sao 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT thì họ mới sử dụng được dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Hiện nay điều trị ARV được áp dụng ngay khi chẩn đoán nhiễm HIV. Vậy làm thế nào để người nhiễm HIV có thẻ BHYT?  Ngoài các giải pháp như vận động người nhiễm HIV có điều kiện tự tham gia mua thẻ BHYT, UBND các địa phương mua thẻ hỗ trợ, rồi dự án dành tiền mua hỗ trợ …thì vẫn còn một số ít người nhiễm HIV vẫn khó tiếp cận do họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào hoặc lo ngại bị tiết lộ danh tính nên vẫn chưa sẵn sàng tham gia BHYT. Việc này sẽ tiếp tục phải tìm các giải pháp tháo gỡ”- ông Hoàng Đình Cảnh cho biết.

Mới đây, tại cuộc hội thảo Tham vấn ý kiến cộng đồng về dự thảo Luật phòng, chống HIV/AIDS vừa được tổ chức ngày 7/12, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ người có HIV không có BHYT hoặc những người nhiễm HIV thi hành án trong trại giam… để họ được điều trị tốt nhất với kinh phí không quá lớn. Ông Chu Quốc Ân, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, kiến nghị nên  xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cho phù hợp với bối cảnh mới và nguyện vọng của người có HIV. Các vấn đề cần xem xét sửa đổi bổ sung tập trung vào tiếp cận phổ cập dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, điều trị HIV cho tất cả, đảm bảo bí mật, đặc biệt là chống kỳ thị và phân biệt đối xử…

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh