THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:40

Mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Theo Thủ tướng, bước sang thập kỷ thứ năm của quan hệ song phương, tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất phong phú, còn nhiều dư địa hợp tác

Theo Thủ tướng, bước sang thập kỷ thứ năm của quan hệ song phương, tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất phong phú, còn nhiều dư địa hợp tác

Sáng 7/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hội thảo có chủ đề “Khả năng mới của mối quan hệ Việt - Nhật hướng đến tương lai” nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023).

Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản đồng tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, phát trực tuyến trên các nền tảng công nghệ.

Hợp tác chân thành, chia sẻ, tin tưởng

Khởi xướng từ tháng 4/2003, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là sự hợp tác đặc biệt giữa Chính phủ hai nước. Trải qua 20 năm triển khai và đi tới giai đoạn số 8, có 497/594 hạng mục trong Sáng kiến đã được hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục hai bên thực hiện.

“Sáng kiến chung là một trong những kênh đối thoại hiệu quả, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư  tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

3

Phát biểu chào mừng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương, đồng thời cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau”, Thủ tướng nêu rõ.

Về Hợp tác phát triển (ODA), theo Thủ tướng, sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yen vốn vay, gần 100 tỷ Yen viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yen hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật; góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam...

Đến nay, Nhật Bản có hơn 5 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

4

Bên cạnh đó, sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

“Việt Nam đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam khi hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời cảm nhận được sự chân thành, chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản”, Thủ tướng cho biết.

Nền kinh tế Việt Nam độ mở cao, nhân lực trẻ dồi dào

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, là một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp, dịch vụ của thế giới, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất công nghiệp.

Cũng theo Thủ tướng, sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên trên 4.100 USD.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN cho rằng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là bước ngoặt lịch sử

Ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN cho rằng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là bước ngoặt lịch sử

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Năm 2022, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP 2022 đạt trên 8%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua;

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được duy trì ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

“Có được những thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có sự hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang có quan hệ kinh tế với Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, bước sang thập niên thứ năm của quan hệ song phương, trên nền tảng quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, tiềm năng hợp tác của hai nước chúng ta còn rất phong phú, còn nhiều dư địa hợp tác.

Thủ tướng tin tưởng, phát huy mạnh mẽ truyền thống hợp tác, kết quả toàn diện và lòng chân thành, sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố bền chặt, hiệu quả, thực chất hơn nữa, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trong chương trình, Hội thảo đánh giá tổng kết cuối kỳ giai đoạn 8 “Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản", đánh giá hợp tác Việt Nam-Nhật Bản 50 năm qua và tầm nhìn trong quan hệ hai nước 50 năm tới.

Trong đó, các đại biểu thảo luận sâu về tiềm năng, giải pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong hỗ trợ ODA, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo với các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có sự lan tỏa lớn và bảo vệ môi trường.

Ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN cho rằng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là bước ngoặt lịch sử. Việc giao lưu kinh tế giữa hai nước đã bắt đầu từ thế kỷ 16 và sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm, quan hệ hai nước đã phát triển rực rỡ trên cơ sở quan hệ hữu hảo, mật thiết.

Ngày nay, Việt Nam là đất nước đã đạt thành tựu kinh tế vững chắc, có chính trị- xã hội ổn định, dân số 100 triệu người, người dân cần cù, thành thật, chân thành, cửa ngõ quan trọng của ASEAN với thế giới, một thị trường hấp dẫn. Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 65 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực. Điều này có được nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đã luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.

Thay mặt các doanh nghiệp Nhật Bản, ông bày tỏ chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cho biết sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển thời gian tới.  

Nhân dịp này, 3 Đồng Chủ tịch Sáng kiến chung Việt Nhật, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Biên bản về Báo cáo đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 để đánh dấu 20 năm triển khai cũng như các định hướng triển khai thời gian tới.

Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 50 năm với nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam, đồng thời đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ rót vốn FDI vào Việt Nam.

Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó: Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh