CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:00

Miếng dán tránh thai - Biện pháp tránh thai mới

Tháng 11/2001, Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) lần đầu tiên giúp 39 triệu phụ nữ Mỹ đang dùng thuốc tránh thai có một lựa chọn mới khi cho phép dùng miếng dán tránh thai qua da (Othor Evra).

Miếng dán tránh thai là gì?

Miếng dán tránh thai là dạng thuốc hấp thụ qua da, không qua đường tiêu hóa được dán trực tiếp lên da và giải phóng liên tục hormon giúp ngăn ngừa có thai nhờ ngăn rụng trứng. Với tỷ lệ hiệu quả tới 95%, rất nhiều phụ nữ thấy miếng dán tránh thai là biện pháp thích hợp. Miếng dán có kích thước khoảng 4,5 x 4,5cm, mỏng, màu be. Bạn có thể dán vào da ở bụng dưới, ở mông hay phần trên của cơ thể vào ngày đầu của kỳ kinh và có tác dụng suốt 7 ngày.

Miếng dán phân phối liên tục hai hormon tổng hợp là progestin (norelgestromin) và estrogen (ethinyl estradiol), tương tự với hormon được cơ thể sản sinh tự nhiên.

Miếng dán tránh thai hoạt động và tránh thai như thế nào? 

Miếng dán tránh thai ngăn có thai bằng cách ngăn cản sự rụng rứng ở người phụ nữ. Nếu trứng không rụng, tinh trùng không thể thụ tinh và không thể có thai. Miếng dán cũng làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại, làm cho tinh trùng khó gặp trứng.
Dùng miếng dán tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt. Một ngày sau hết kinh, dán miếng dán lên da và để nguyên trong 1 tuần. Vào ngày đó của tuần kế tiếp, bạn bóc miếng dán cũ ra và dán một miếng mới. Miếng dán mới có thể dán ở chỗ khác trên cơ thể. Trong tuần thứ 4 không dán miếng dán mới và kinh nguyệt xảy ra. Tuần tiếp theo bạn lặp lại quy trình.

Lần đầu tiên dùng miếng dán bạn phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày để phòng ngừa mang thai. Nếu các miếng dán kế tiếp được dán và bỏ đúng lúc, không cần dùng thêm các phương pháp tránh thai khác. Có thể tắm, tập luyện và bơi trong khi dán miếng dán. Không bóc hoặc thay đổi vị trí miếng dán khi đã dán vào da, vì có thể làm cho miếng dán dễ rơi. Không dùng băng dính để giữ miếng dán, và không cắt hoặc sửa lại miếng dán bằng bất cứ cách nào. Làm như vậy có thể thay đổi lượng hormon phân phối vào cơ thể.

Rất hiếm khi miếng dán có thể bị bong và rơi ra. Điều này thường xảy ra do miếng dán được dán không đúng. Nếu miếng dán được dán lại trong 24 giờ, hiệu quả tránh thai của miếng dán vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, nếu đã quá 24 giờ, nên dùng thêm một biện pháp tránh thai khác cho đến khi miếng dán đã ở nguyên chỗ trong 7 ngày.

Hiệu quả ngăn ngừa mang thai của miếng dán như thế nào?
Nếu miếng dán được dán và thay đúng lúc mỗi tháng, hiệu quả tránh thai là hơn 95%. Nếu dùng đúng, tỷ lệ này có thể đến 99%. Chậm hoặc quên dán một tuần hoặc bóc miếng dán ra quá sớm làm giảm đáng kể hiệu quả của miếng dán. Trứng thường rụng trở lại trong vòng 3 chu kỳ sau khi ngừng dùng miếng dán.

Miếng dán có liên quan đến bất cứ nguy cơ sức khỏe nào không?
Tác dụng phụ thường không hay gặp ở người khỏe mạnh không hút thuốc lá. Miếng dán tránh thai có tác dụng phụ tương tự thuốc tránh thai uống, gồm tăng nhẹ nguy cơ huyết khối ở chân hoặc phổi và tăng huyết áp. Phụ nữ không nên dùng viên tránh thai uống có lẽ cũng không nên dùng miếng dán tránh thai.
Các tác dụng phụ liên quan đến miếng dán tương đối nhẹ và có thể gồm: Kích ứng nhẹ da ở vùng dán, đau đầu, cương ngực, ra máu âm đạo bất thường, tăng cân nhẹ, buồn nôn và nôn, chướng bụng
Nếu bạn hút thuốc lá hoặc bị tăng huyết áp, ung thư vú hoặc tử cung, có tiền sử bị huyết khối, đái tháo đường chưa được kiểm soát hoặc tiền sử đau tim hay đột qụy, không dùng miếng dán tránh thai. Miếng dán tránh thai không có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) như HIV/AIDS, herpes sinh dục và lậu.

Miếng dán tránh thai chỉ được dùng theo đơn. Ở lần đi khám bác sĩ đầu tiên, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định liệu miếng dán tránh thai có phải là biện pháp tránh thai thích hợp cho bạn hay không. Ngoài ra, do giá thành của miếng dán khá cao (khoảng 200 đến 300.000 đồng/tháng) nên số người tránh thai bằng phương pháp này vẫn còn ít. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh