THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:56

Mẹo dùng tủ lạnh giúp các chị em nội trợ tiết kiệm hàng triệu đồng tiền điện

 

 

Đặt tủ lạnh nơi thông thoáng

Theo các nhà sản xuất, tủ lạnh cần được đặt ở những nơi thông thoáng, lưng và hai vách bên hông tủ phải cách tường ít nhất 10cm để đảm bảo cho việc thoát nhiệt. Điều này sẽ giúp hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ thoáng khí giúp giảm nhiệt từ đó hạn chế tiêu hao điện năng, kéo dài tuổi thọ.

Ngoài ra, muốn không khí lưu thông xung quanh tủ và chống ẩm tốt hơn, các chị em có thể kê tủ lạnh cách mặt đất tối thiểu 5cm.

Không để thức ăn còn nóng vào tủ

Đặt thức ăn vừa nấu xong vào tủ lạnh sẽ khiến hơi nóng lan tỏa bên trong tủ. Lúc này, tủ lạnh sẽ phải sử dụng nhiều điện năng và hoạt động vất vả hơn để làm mát lại không khí bên trong.

Do đó, để hạn chế hóa đơn tiền điện, bạn chỉ nên để thức ăn đã nguội vào tủ lạnh thôi nhé!

 

 

Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý

Khi thực phẩm trữ lạnh trong tủ không nhiều, nên điều chỉnh cấp độ làm lạnh ở mức trung bình hoặc thấp sẽ tiết kiệm điện hơn. Người tiêu dùng nên sử dụng một nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ lạnh với buồng giữ lạnh, nhiệt độ ở mức 7-8ºC là đạt, không cần thiết điều chỉnh độ lạnh tối đa. Với ngăn đông lạnh, điều chỉnh nhiệt độ ở mức -18ºC thay cho -22º là vừa đủ.

 

 

Đừng nhồi nhét thực phẩm vào tủ lạnh

Để tiết kiệm điện tủ lạnh, bạn không nên để quá nhiều đồ vào tủ, giữa các thực phẩm cần phải chừa ra một khoảng cách để khí lạnh có thể đối lưu, lượng điện tổn hao sẽ giảm xuống.

Khi đặt thực phẩm vào tủ, bạn cũng nên tránh để chúng tiếp xúc với phía trong cùng của tủ lạnh. Bởi vị trí này gần với hệ thống máy nóng dễ làm thực phẩm bị hỏng do nhiệt độ cao đồng thời còn khiến tủ lạnh làm việc kém hiệu quả.

Hạn chế tắt/bật tủ lạnh

Trong quá trình sử dụng tủ lạnh, để tiết kiệm điện, người tiêu dùng nên hạn chế việc ngắt tủ lạnh ra khỏi nguồn điện và bật/tắt tủ lạnh thường xuyên vì mỗi lần khởi động sẽ tốn một lượng điện lớn. Trong trường hợp lâu ngày không dùng đến tủ lạnh thì ngắt nguồn điện nhưng cần dọn sạch các vật dụng, thực phẩm có trong tủ, vệ sinh tủ và để tủ khô rồi mới đóng cửa, dùng vật phủ che bụi phủ lên trên. Hạn chế mở cửa tủ lạnh liên tục và mở cửa tủ lạnh quá lâu vì khi mở cửa không khí lạnh bên trong tủ sẽ đối lưu rất nhanh với không khí nóng bên ngoài tủ, làm cho nhiệt độ trong tủ cao lên. Khi đó, bộ phận làm lạnh phải tăng thời gian, hiệu suất hoạt động gây tiêu hao điện nhiều hơn, không những thế về lâu dài còn làm giảm tuổi thọ của tủ lạnh. 

 

 

Kiểm tra độ hút của cửa

Mặt phía trong cửa tủ lạnh thường được gắn một lớp viền đệm, giúp cho nhiệt độ bên trong không bị thoát ra bên ngoài. Nếu lớp đệm này bị hư hỏng sẽ làm khí lạnh bên trong rò rỉ ra bên ngoài khiến tủ phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để điều hòa lại nhiệt độ.

Để kiểm tra tình trạng của lớp đệm này, chị em nội trợ hãy dùng một tờ giấy A4, kẹp vào cửa tủ lạnh rồi đóng lại. Sau đó, bạn thử rút tờ giấy ra từ từ. Nếu nó trượt ra một cách dễ dàng, nghĩa là phần viềm đệm ở cửa tủ đã có vấn đề cần nhanh chóng thay thế.

TRẦN HUYỀN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh