THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:49

Mẹ Việt Nam anh hùng – Những tượng đài bất hủ trong lòng dân tộc

Đây là một dịp vô cùng ý nghĩa và đặc biệt, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ cả 3 miền Bắc – Trung - Nam, đã cùng nhau đi qua những thăng trầm lịch sử dân tộc lần đầu được gặp gỡ nhau giữa thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng và gửi quà tặng các đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ Việt Nam anh hùng – Những tượng đài bất hủ trong lòng dân tộc - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Chương trình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước... đã tham dự chương trình.

Tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sau

Phát biểu tại buổi gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe đến các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công cả nước. "Dù sức khỏe không còn tốt, nhưng các Mẹ đã không quản ngại đường sá xa xôi về Hà Nội tham dự hoạt động rất có ý nghĩa này" – Thủ tướng xúc động phát biểu.

Mẹ Việt Nam anh hùng – Những tượng đài bất hủ trong lòng dân tộc - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành lần đầu tiên tổ chức gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc.
"Đây là dịp thể hiện những tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và đồng bào chiến sĩ cả nước đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng – Những người mẹ vĩ đại đã hy sinh những người thân yêu, ruột thịt của mình cho các cuộc kháng chiến, đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, với truyền thống yêu nước nồng nàn, qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam "thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Gần 1 thế kỷ đi qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chống lại mọi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, dân tộc thống nhất non sông đất nước. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, vì tương lai tươi sáng của đất nước, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc mà phần lớn là thanh niên đã xả thân hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh, hoặc mang thương tật suốt đời. Ngày nay, khi chiến tranh đi qua, đất nước hòa bình thống nhất nhưng hàng triệu thân nhân liệt sĩ, Những ông, bà, cha, mẹ, người chồng, người con đã mãi mãi mất đi những người thân yêu nhất của mình. "Những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ to lớn bao nhiêu, thì cùng đó là những nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 73 năm qua, nhất là hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức toàn dân tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng… thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công với cách mạng. "Đặc biệt việc chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đến nay, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Đảng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó hiện có 4.962 mẹ còn sống đang được các cơ quan, tổ chức và gia đình phụng dưỡng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Mẹ Việt Nam anh hùng – Những tượng đài bất hủ trong lòng dân tộc - Ảnh 3.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật

"Đến nay chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát đau thương còn đọng lại trong tâm trí mỗi người chúng ta nhất là các mẹ Việt Nam anh hùng –những người từng hơn "3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ". Sự hy sinh cao cả kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng xúc động khi được biết, dù phần lớn tuổi cao sức yếu, song với ý chí và nghị lực phi thường, các mẹ đều vượt qua mọi khó khăn bệnh tật để cùng sống vui, sống khỏe và động viên con cháu, người thân tích cực học tập, lao động cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tại đây, Thủ tướng biểu dương phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" chăm sóc người có công của các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể từ trung ương đến địa phương trong cả nước, nhất là các hoạt động tặng nhà tình nghĩa, thăm tặng quà các Trung tâm thương binh, Trung tâm người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công… "Trong đó, đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều cố gắng trong xây dựng và triển khai chính sách ưu đãi người có công, Tổ chức triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ một cách trọng thể, thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội mang ý nghĩa chính trị sâu sắc".

Hiện thân của một dân tộc anh hùng

Báo cáo công tác chăm sóc người có công và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người Mẹ Việt Nam anh hùng nhân hậu, tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để dệt thêu nên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S. Những người Mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm kinh tế; làm hậu phương cho tuyến đầu. Những người Mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn; những người Mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày và trở thành thương binh…".

Mẹ Việt Nam anh hùng – Những tượng đài bất hủ trong lòng dân tộc - Ảnh 5.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo công tác chăm sóc người có công và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Theo Bộ trưởng, để ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và để giáo dục truyền thống cách mạng và đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng gần 140 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ những phong trào "Áo lụa tặng bà" của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào "Tấm chăn tặng mẹ" của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Đến nay, 4.962 mẹ đang sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng.

Bộ trưởng khẳng định: Danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" là vầng sáng lung linh tôn quý, là sự ghi nhận của Tổ quốc với công lao to lớn và sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ. Các mẹ đang ngồi đây là hiện thân của một dân tộc anh hùng: mẹ Lê Thị Hự ở Ninh Thuận có chồng và 3 con là liệt sĩ, bản thân mẹ còn mang trên mình vết thương chiến tranh để lại; mẹ Nguyễn Thị Đỗ ở thành phố Đà Nẵng 104 tuổi, mẹ Nguyễn Thị Hữu ở Tiền Giang vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là thương binh, mẹ tham gia cách mạng từ rất sớm, nhiều lần bị địch bắt tù, đày, tra tấn dã man vẫn một lòng kiên trung với cách mạng… "Chúng ta không khỏi tự hào khi xem những hình ảnh mẹ Ngô Thị Quýt, những ngày cả nước gồng lên chống đại dịch Covid-19, người mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi vẫn cần mẫn may hàng trăm chiếc khẩu trang để tặng người nghèo. Lan tỏa tình yêu thương, ấm áp tình người trong gian khó" – Bộ trưởng xúc động nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, buổi gặp mặt này là dịp để nhắc nhở thế hệ sau rằng công tác chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi người dân đất Việt để huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người và gia đình người có công; đẩy mạnh Đền ơn đáp nghĩa để thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu nhi… qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.

Sau khi nghe báo cáo về công tác chăm sóc người có công và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Thủ tướng cho rằng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng sự cố gắng vươn lên của chính mình đời sống của người có công không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, hiện cả nước còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương giày vò; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi; nhiều gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. "Đây là những nỗi trăn trở khôn nguôi trong nỗi lòng chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Mẹ Việt Nam anh hùng – Những tượng đài bất hủ trong lòng dân tộc - Ảnh 6.

Các mẹ xúc động khi được tham dự Chương trình gặp mặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thể hiện trách nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn; xác định việc thực hiện chính sách người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Vì vây, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác người có công nhất là chỉ Thị 14 của Ban Bí thư và chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm lo người có công với cách mạng. Phấn đấu hết năm 2020, đảm bảo 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Tập trung quyết liệt giải quyết công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cả nước, các đoàn thể, chính trị xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: Tiếp tục rà soát, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế; Các địa phương thực hiện chăm lo đời sống tinh thần và vật chất các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tuyệt đối không để các mẹ sống cô đơn, thiếu thốn, đau ốm không người chăm sóc hàng ngày; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, tập trung đầu tư trang thiết bị phương tiện, kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định AND, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng; Kết hợp bố trí ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh, huy động các nguồn lực xã hội với công tác người có công, gắn trách nhiệm của cấp ủy chính quyền với việc huy động, bố trí sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách người có công. Chú trọng công tác tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ cải thiện nhà ở, nuôi dưỡng người có công...

Mẹ Việt Nam anh hùng – Những tượng đài bất hủ trong lòng dân tộc - Ảnh 7.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tặng quà các Mẹ .

Nâng cao các phong trào hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa phù hợp truyền thống văn hoá, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo điều kiện thuận lợi để các thương, bệnh binh gia đình liệt sĩ người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường phát triển đời sống và tham gia các hoạt động xã hội…

Tại đây, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trong cả nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng nêu gương sáng trong học tập công tác động viên con cháu chấp hàng tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước tham gia xây dựng quê hương đất nước.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh