THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:20

Mễ Trì: 12 ngày đêm và ký ức đau thương

 

Những người năm ấy...
Từ năm 1972, chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ có nguy cơ bị phá sản. Để cứu vãn tình thế, Mỹ quay trở lại gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Liên tiếp trong tháng 6, tháng 7/1972 máy bay Mỹ đã ném bom, bắt tên lửa, rốc két xuống nhiều địa điểm trên địa bàn huyện Từ Liêm. Theo tài liệu, từ năm 1967 đến năm 1972, giặc Mỹ đã bắn 84 quả tên lửa xuống địa bàn xã Mễ Trì. Nhưng có lẽ những kí ức đau thương nhất vẫn là trận bom trong 12 ngày đêm mà giặc Mỹ đã trút xuống Hà Nội, trong đó xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) là một trong những trận địa bị đánh phá ác liệt nhất.
Đã 45 năm trôi qua, nhưng người dân xã Mễ Trì vẫn nhớ như in những tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom đan xen vào những tiếng còi hú báo động, và những tiếng khóc đau thương của những gia đình mất người thân ngày nào. 

Ông Trần Văn San kể lại những kí ức đau thương trong trận ném bom 12 ngày đêm mà đế quốc Mỹ gây ra cho người dân phường Mễ Trì (ảnh Chu Lương)

 

Ông Trần Văn San (72 tuổi), trú tại xóm 1 Mễ Trì Thượng, hiện đang phụ trách trông coi Đình làng Mễ Trì Thượng, là những người ít ỏi chứng kiến cảnh tượng trận ném bom ngày ấy kể lại, năm 1972, lúc tôi 27 tuổi, đang là công nhân nhà máy Pin Văn Điển, huyện Thường Tín. Trước khi trận bom đó diễn ra, thực hiện chủ trương của thành phố, người dân Mễ Trì nhanh chóng chuyển sang thời chiến. Hầm trú ẩn, hào giao thông, được tu bổ lại và đào mới. Nhiều gia đình đã đi di tản, tuy nhiên vì tâm lý chủ quan nên cũng không ít người ở lại, một phần cũng để trông coi nhà cửa. Tại Mễ Trì, một trong những trọng điểm đánh phá là Đài phát thanh bấy giờ.
Ông San nhớ lại: “Ngày 18/12 năm ấy, khi đang làm việc ở nhà máy, máy bay B52 Mỹ ném bom xuống Hà Nội, tôi liền tức tốc chạy về nhà xem gia đình có an toàn không. Đến đầu làng thì chứng kiến cảnh tượng Đài phát thanh bị trúng tên lửa. May mắn bố tôi vẫn an toàn trong hầm trú ẩn, còn vợ tôi đang mang thai cũng đã kịp đưa 3 con nhỏ ra hầm trú ẩn được làm ở ngoài cánh đồng. Nhưng đến tối hôm đó, một quả bom rơi trúng giữa sân nhà khiến bố tôi bị ngất xỉu do sức ép.
Đến 19/12/1972, máy bay B52 đội bom "rải thảm" xuống Mễ Trì và các vùng xung quanh. Những trận bom "rải thảm" chà xát cả vùng dân cư đông đúc trong vùng bán kính 2-3km. Ba vệt bom rải thảm đánh vào toàn bộ xã Mễ Trì nên cả trong làng và ngoài đồng ruộng gây huỷ diệt, chết chóc nặng nề. Ngay kế hầm tú ẩn của vợ và 4 con nhỏ của ông San ngoài cánh đồng là hầm trú ẩn của người hàng xóm, bà Nguyễn Thị Mỹ cùng và 4 người con bị bom ném trúng, không còn ai sống sót. Nhà bà cô họ hàng nhà ông San là bà Trần Thị Trạch cả 5 người bị giặc Mỹ đánh bom giết hại, còn trong làng thì chết vô kể.
“Mức độ tàn phá do bom B52 thật khủng khiếp, đến lư hương bằng đồng bị tan chảy ra, còn xoong nồi, đồ nhựa thì không cái nào nguyên vẹn. Nguyên cả cối đá nhà tôi bị bom thổi bay qua 3 nóc nhà trong làng. Có gia đình bị bom vùi lấp, phải mấy ngày sau mọi người mới tìm thấy. Một kí ức kinh hoàng mà ông San còn nhớ như in, đó là sau trận bom, lúc đi giúp đỡ những gia đình trong làng và đưa người đi cứu thương xong, ông cùng mọi người mò mẫm đi nhặt đồ ăn cho đỡ đói, chủ yếu là lợn, gà bị chết, vì trúng bom về rang ăn. Lúc rang xong chuẩn bị ăn thì máy bay Mỹ lại gầm rú ném bom khiến mọi người phải chạy đi trú ẩn. Đến sáng hôm sau xem lại thì thấy trên chảo rang tối hôm trước thì kinh hãi thấy có cả... thịt người lẫn lộn trong đó”. – ông San nhớ lại.

Ông Trần Văn San bên cạnh bia tưởng niệm những người dân Mễ Trì bị bom Mỹ giết hại năm 1972 tại Đình làng Mễ Trì Thượng (ảnh Chu Lương)


Chưa dừng lại, một ngày sau đó (20/12/1972), máy bay chiến thuật liên tục bắn phá vùng Mễ Trì Hạ. Đến chiều ngày 21/12/1972, máy bay cường kích Mỹ tập trung đánh phá dữ dội khu nhà trung tâm Đài phát sóng Tiếng nói Việt Nam. Theo tài liệu, trong 12 ngày đêm giặc Mỹ đã điên cuồng đánh phá dã man, ném xuống địa bàn xã Mễ Trì 2.597 quả bom (cả huyện 2.876 quả), giết hại 84 người, trong đó có 33 trẻ em, gần 10 gia đình bị giết hại gần hết chỉ còn 1 đến 2 người, làm bị thương 54 người, phá huỷ hoàn toàn hàng trăm ngôi nhà, đình, chùa, trường học, lớp mẫu giáo...
"Đến đầu năm 1973, vợ tôi sinh con (sinh đôi 1 trai, một gái), lúc ấy trong nhà không còn thứ gì, vì bị bom Mỹ phá sạch, phải nhờ vào giúp đỡ của người thân và Nhà máy Pin hỗ trợ, cho gạo, chăn màn, quần áo nên gia đình mới vượt qua được thời điểm khó khăn ấy” – ông San ngân ngấn nước mắt.
Còn bà Nguyễn Thị Tính, (SN 1948), thôn Mễ Trì Thượng, một người dân từng chứng kiến cảnh máy bay Mỹ rải thảm làng Mễ Trì kể lại: Hôm đó, trời xẩm tối thì nghe báo động, không lâu sau đó thì máy bay Mỹ ào đến ném bom dồn dập, khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, có nhiều gia đình không còn ai do bị trúng bom. Tội ác này của giặc Mỹ đến kiếp sau có lẽ tôi vẫn còn nhớ”.
... Và bây giờ
Trước những tổn thất do giặc Mỹ gây ra, càng làm cho nhân dân Mễ Trì tăng thêm lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược. Vượt qua bom đạn, mất mát, đau thương, nhân dân Mễ Trì đã dũng cảm kiên cường chiến đấu, góp phần cùng nhân dân Thủ đô làm nên "Điện Biên Phủ trên không", đập tan mưu đồ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Ao nước tại Đình làng Mễ Trì Thượng được tôn tạo từ hố bom B52 thả xuống (ảnh Chu Lương)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mễ Trì có 117 liệt sĩ đã ngã xuống trên các chiến trường bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và 56 thương binh, 18 bệnh binh, 12 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Tại đình làng Mễ Trì Thượng giờ đây, người dân đã lập nên bia tưởng niệm hàng trăm người thiệt mạng trong trận ném bom B52 của Mỹ năm 1972. Cạnh bia tưởng niệm hiện lưu lại vỏ quả bom rất lớn, là một trong những bằng chứng lịch sử tố cáo tội ác của quân giặc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Vững, Phó Chủ tịch phường Mễ Trì cho biết, dân số hiện nay của phường khoảng hơn 28.000 người. thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Đảng bộ chính quyền cùng nhân dân địa phương đặc biệt coi trọng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công, người nghèo. Riêng quý I/2017, phường đã chi trả trợ cấp, quà tết trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. 

Một góc Mễ Trì ngày nay (ảnh Chu Lương)

Đến nay, quá khứ đã lùi về dĩ vãng, tạm quên đi những đau thương, bom đạn, chết chóc, người dân Mễ Trì đang ngày ngày phấn đấu, nổ lực để xây dựng quê hương. Hiện trên địa bàn phường có 789 doanh nghiệp đang hoạt động, cùng với các HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả, các hoạt động thương mại, dịch vụ được đầu tư đã tạo việc làm cho khoảng 450 lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kT-XH của phường.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh