THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:31

Mẹ Hà Nội kể về 24h sống trong sợ hãi vì con trai bị lồng ruột phải nhập viện cấp cứu

Chẳng cần nói, mẹ nào nuôi con nhỏ cũng biết nỗi sợ lớn nhất chính là những ngày con bị ốm hay gặp phải vấn đề gì đó cần vào viện cấp cứu. Chị Hoàng Hà (đang sinh sống tại Hà Nội) mới đây đã trải qua "24h sống trong cung bậc sợ hãi với những trải nghiệm hy vọng sẽ không bao giờ phải lặp lại" khi con trai đang khỏe mạnh, vui vẻ tự nhiên phải nhập viện gấp.

Chị Hà kể, chủ nhật (ngày 14/6), con trai chị, bé Bảo Nam (tên gọi ở nhà là bé Bắp, 18 tháng tuổi) vẫn còn đi chơi rất vui vẻ, chạy nhảy bình thường thì tự dưng sáng thứ 2 rất nhõng nhẽo, quấy khóc, ăn vào là trớ. Ông bà bé Bảo Nam nghĩ cháu chỉ hơi mệt thôi, cho rằng hôm qua nghỉ học nên chắc đêm ngủ không ngon mới thế. Nhưng suốt ngày hôm đó, con có vẻ mệt, cứ ăn vào dù chỉ 1 chút lại trớ hết. Thế nên khi đi làm về, khoảng 6h30 tối, chị Hoàng Hà đã vội vã đưa con đến Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám.

Mẹ Hà Nội kể về 24h sống trong sợ hãi vì con trai bị lồng ruột phải nhập viện cấp cứu - Ảnh 1.

Bé Bắp tự nhiên mệt mỏi, quấy khóc và liên tục nôn.

Sau khi siêu âm, bác sĩ phát hiện bé Bảo Nam bị lồng ruột nên được giới thiệu qua khoa Nhi - Bệnh viện Việt Đức để xử lý.

"Đến Bệnh viện Việt Đức, mò lên đến khu nhi thì được biết đã ngoài giờ nên phải sang khu cấp cứu. Ai đã từng biết khu cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức đông như thế nào thì sẽ hiểu tâm trạng hoang mang của mình lúc ấy. Xung quanh các cáng bệnh khác thì toàn mấy ca nặng hay tai nạn giao thông, chân tay sưng húp, tím bầm. Loanh quoanh từ lúc vào viện là 8h thì 10h mới xong được siêu âm, xét nghiệm máu, chụp X-quang... Sau khi chờ hội chẩn của bác sĩ thì lại phải chờ đến phòng phẫu thuật vì các phòng hiện đang kín hết", chị Hà kể lại.

Hơn 11h đêm, Bắp mới vào được phòng phẫu thuật. Bác sĩ xác định ca của Bắp cần bơm hơi tháo lồng nhưng vẫn cần phải gây mê, nếu bơm hơi không tháo được lồng sẽ phải chuyển sang phẫu thuật luôn nên phải làm ở phòng phẫu thuật.

Thật may mắn, đến 12h30 trong phòng phẫu thuật, lồng ruột của Bắp đã được tháo ra nhưng con vẫn chưa tỉnh nên phải chờ 1 tiếng đợi tỉnh hẳn mới được về phòng nằm nghỉ ngơi. Lúc ấy, khoa Nhi Bệnh viện Việt Đức đang có ca cấp cứu nặng không ai làm thủ tục tiếp nhận nên 2 mẹ con chị Hà cứ ôm nhau đi loanh quanh khắp phòng phẫu thuật.

Mẹ Hà Nội kể về 24h sống trong sợ hãi vì con trai bị lồng ruột phải nhập viện cấp cứu - Ảnh 2.

Lồng ruột là bệnh lý nghiêm trọng hay gặp ở trẻ nhỏ (Bé Bắp khi đang điều trị ở Bệnh viện Việt Đức).

Phải đến 3h đêm, bé Bắp mới được sang khoa Nhi. Đến lúc này, chị Hà cảm thấy mệt mỏi, rã rời vì từ 6h30 tối đến 3h30 sáng hôm sau chưa 1 hạt cơm, cái bánh vào bụng. 4h sáng, chị bắt xe ôm về nhà lấy những vật dụng cần thiết mang vào viện cho con.

7h, Bắp cần đi siêu âm lại, nếu ổn có thể được về. Nghe bác sĩ nói vậy, chị Hà mừng vui khôn tả, nghĩ rằng siêu âm xong và sớm thôi sẽ được về nhà. Nhưng bệnh viện quá tải, gần 12h trưa, Bắp mới được siêu âm lại. Một tin sét đánh ngang tai là khối thắt lồng vẫn còn. Bắp lại được truyền kháng sinh và theo dõi để đến 4h đi siêu âm tiếp mới có kết luận. Nghĩ đến cảnh con lại bị gây mê, chị Hà cảm thấy mệt mỏi, lo lắng vô cùng.

2 ngày liền, Bắp không ăn được gì, người gầy tọp đi, máu thì bị lấy 5 ống xét nghiệm, tay thì chích để truyền nước và kháng sinh. Nhưng may mắn khi đến 4h chiều siêu âm lại, khối lồng ruột đã tháo hết, Bắp chỉ phải theo dõi thêm 1 tiếng rồi về. Về nhà, chị Hà vẫn phải theo dõi con vì lồng ruột với trẻ dưới 3 tuổi hầu như không rõ nguyên nhân vì sao và có khả năng tái phát .

Hiện, sau khi con đã về nhà, sức khỏe đã ổn định nhưng chị Hà vẫn chưa hết sợ hãi. "Ai có con nhỏ dưới 2 tuổi nên chú ý nhé. Vì các bé ít tuổi chưa nói được, mà bệnh lồng ruột xảy ra ở các bé dưới 2 tuổi lại không biết nguyên nhân. Nếu phát hiện sau 48h thì tỷ lệ phải mổ rất cao. Vì thế, nếu thấy con tự nhiên mệt mỏi, quấy khóc, ăn vào là nôn, hãy đưa con đi khám thật sớm để các bác sĩ xác định nguyên nhân", chị Hà nhắn nhủ tới các mẹ đang nuôi con nhỏ.

Lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng, xảy ra khi một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới, làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Hậu quả là các mạch máu ruột bị thắt nghẹt, tổn thương, gây chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời thì đoạn ruột bị lồng sẽ bị hoại tử, dẫn tới thủng ruột và gây nhiễm trùng ổ bụng.

Lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thống kê cho thấy có tới 80 - 90% các trường hợp bị lồng ruột là trẻ dưới 1 tuổi. Chứng lồng ruột xảy ra nhiều hơn ở các bé trai.

- Một số biểu hiện của bệnh lồng ruột: Đau bụng, nôn, đại tiện ra máu.

- Lồng ruột sau khi tháo vẫn có thể bị tái lại ngay sau 1 vài giờ hoặc sau đó nhiều ngày. Vì vậy, cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng để đưa trẻ quay lại viện kịp thời.

Không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều sau tháo lồng, cho trẻ ăn ít một, uống thuốc theo đơn bác sĩ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn… cần đưa trẻ đến viện khám ngay.

Bình Nguyên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh