THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:48

Mẹ già neo đơn chọn con dâu hiếu thảo suốt đời

.

Chị Lê Thị Ánh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Thắng, cho biết: “Toàn xã có hơn 1.200 hội viên, tham gia chương trình Nàng dâu hiếu thảo, các chị sẽ ra mắt mẹ, cha trước khi nhận làm con dâu. Sau đó có một bảng đăng ký nhận mặt con”. Theo chị Ánh điều đáng mừng là những Bà mẹ VNAH và vợ liệt sĩ neo đơn sẽ cảm thấy bớt cô độc quãng đời còn lại vì có một cô con dâu tự chọn hiếu thảo.

                         Mẹ Trích kể chuyện về cuộc đời của mẹ.        ảnh: Huyền Trang

Tất cả diễn ra theo một quy luật tình cảm, những “nàng dâu” sẽ nói chuyện với người mẹ neo đơn và nếu người mẹ chấp nhận “gật dầu” ưng thuận cô con dâu thì sẽ nói cho Hội Phụ nữ biết và người con dâu được chấm sẽ dọn về ở với mẹ.  Những người con dâu vốn không thân thiết, ruột rà bỗng sau một đêm trở thành máu mủ của một người mẹ neo đơn. Chị Ánh cho biết: “Các chị em đều vui vẻ tham gia chương trình này và rất tận tâm với các mẹ”. Chị Ánh cũng chia sẻ, các mẹ đã mất đi người con của mình trong chiến tranh thì nay các mẹ nhận cho mình những người con dâu xem như con trong nhà. Tuy nhiên không ít những tình huống mẹ nàng dâu diễn ra khiến cho những người trong cuộc rơi nước mắt.

Chị Dương Thị Huệ, nhà ở thôn Bình Tây, cách nhà mẹ VNAH Phan Thị Trích khoảng 4km. Chị Huệ cũng có con cái và gia đình yên ấm nhưng thương mẹ Trích già cả lại ở một mình đêm khuya. Chị Huệ nói Hội Phụ nữ cho chị về với mẹ. Những ngày đầu, mẹ Trích cứ gọi chị Ánh xuống vì không ưng chị Huệ. Chị Ánh biết tính mẹ, chẳng có mẹ nào khó tính như mẹ Trích. Chị Ánh kể: “Mẹ khó lắm, xây nhà ngoài đường mẹ không chịu, mẹ muốn ở nhà cũ giữa cánh đồng, xã cũng chiều mẹ, xây giữa cánh đồng. Rồi đổ bê tông đường vào nhà cho mẹ”. Làm dâu mẹ rồi nhưng cũng chẳng biết chồng là ai, những nàng dâu tham gia vào phong trào vẫn thường bảo nhau rằng, mình có 2 người chồng, một người hiện tại và người duyên nợ phải trả về mẹ. 

Tôi nghe mẹ Trích kể chuyện chị Huệ, mẹ nói: “Nhà con Huệ xa lắm, vậy mà cứ ngày nào nó về là mang thêm đồ ăn lên. Tối ở ngủ luôn với mẹ, đồ đạc cũng dọn qua”. Chị Ánh bảo tôi, mẹ mà không ưng là mẹ bảo cho chọn lại con dâu liền, nhưng biết bao người, rồi chị Huệ cũng về lại với mẹ. Những lúc đau ốm, mẹ Trích nhập viện, cả Hội Phụ nữ thay người canh gác đêm ở bệnh viện, lúc về nhà, một mình chị Huệ phải lo lắng cơm nước. Ở lâu rồi quen, giờ chị Huệ đi lâu quá chưa về, mẹ Trích lại chống gậy ra trước cửa, ngó hàng xóm hỏi xem.  Mẹ Trích nói: “Lúc nó về nhà là cứ y như rằng ở luôn cả ngày ở bên đó…”. Chuyện nàng dâu vốn dĩ xưa nay đã vậy nhưng vắng dâu là mẹ buồn.

Chị Ánh cho biết: “Không chỉ có mẹ Trích mà những bà mẹ neo đơn ở xã đều có con dâu tự chọn cho mình. Còn những mẹ có con cháu ở xa thì xã động viên về nuôi mẹ”. Có những trường hợp mẹ nhận con dâu chỉ cách mẹ có chục tuổi, vậy là cũng ngang thế hệ với nhau, đêm nằm kể chuyện ngày xưa. Điều chị Ánh cho rằng đáng quý nhất chính là hơn 15 năm qua, khi nhà nước chưa có chế độ nuôi dưỡng người có công cách mạng, những người chị, người con xa lạ vẫn nhận mẹ làm mẹ chồng và phụng dưỡng suốt đời. Đã có 5 người mẹ neo đơn nhận con dâu hơn 15 năm qua. Chị Ánh nói: “Những việc làm nhỏ nhưng cao cả giúp các mẹ có những ngày tháng cuối đời bình an và vui vẻ”.

Huyền Trang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh