THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:14

Mẹ đơn thân: Hanh phúc đổi bằng nước mắt

Một vai: Hai gánh

Quê ở Tuyên Quang, khi còn là sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Hà Nội, N.T.H được người bạn giới thiệu vào làm thêm tại vũ đoàn của một công ty biểu diễn. Nhờ vào nhiệt huyết và đam mê với công việc, H sớm được làm quản lý nhóm múa. Từ đó giữa H và giám đốc công ty đã nảy sinh tình cảm. Sau một thời gian yêu nhau, H phát hiện người yêu mình đã qua lại với người phụ nữ khác và cũng là lúc H đang mang trong mình giọt máu của anh.

Hoang mang, lo sợ, nhưng H vẫn nuôi hy vọng biết đâu anh vẫn còn yêu cô, yêu giọt máu của mình thì anh sẽ suy nghĩ lại và quay trở về bên mẹ con cô. Nhưng sự thật quá chua xót, khi câu trả lời H nhận được chỉ là “Em tự đi giải quyết”. H chia sẻ: “22 tuổi làm mẹ đơn thân là điều chẳng dễ dàng. Một cô gái tỉnh lẻ hàng ngày vác cái bụng đi làm, đi học, dành dụm tiền chờ ngày sinh con, đối diện với ánh mắt dò xét, những lời đàm tiếu của mọi người”. Nhưng điều đó với H cũng không phải là cản trở lớn nhất. Điều H lo lắng, sợ nhất là khi đối diện với gia đình, vì định kiến ở quê  vẫn còn quá nặng nề.

Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha, những bà mẹ đơn thân luôn cố gắng bù đắp tình cảm cho con mình.

Làm mẹ đơn thân từ năm 2011, khi cuộc hôn nhân tan vỡ sau 4 năm chung sống, chị Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải đối mặt với bao thử thách, khó khăn trong cuộc sống khi phải gánh trên vai trọng trách vừa làm mẹ, vừa làm cha. “Khi gia đình không vẹn toàn, người phụ nữ phải gồng mình gánh vác. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, lại chịu áp lực về tài chính, cộng thêm dư luận xã hội cho rằng người phụ nữ thế nào mới bị chồng bỏ, đã khiến nhiều người mẹ rơi vào bế tắc. Một đứa trẻ không chỉ cần được chăm sóc mà còn cần có sự dạy dỗ, trong khi người mẹ đang đối mặt với nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng đến việc dạy dỗ và đời sống tâm lý của con trẻ”, chị Minh tâm tư.

Đối mặt với định kiến của xã hội

Những người phụ nữ ly hôn như chị Minh có rất ít cơ hội tìm lại hạnh phúc, một phần vì hậu quả của sự thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên, một phần là do định kiến của xã hội. Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Nguyệt, ở Hoài Đức, Hà Nội tâm sự: “Người phụ nữ ly dị chồng đều mang trong mình một vết thương lòng khó liền. Mẹ con tôi đã rất khổ sở trước sự xì xào của dư luận. Đã bao đêm tôi ôm con gái vào lòng mà khóc thương. Càng đau đớn hơn mỗi lần con gái khóc khi bị bạn bè chê cười vì không có bố”.

 Bên cạnh những trường hợp vì hoàn cảnh, nhiều chị em "bất đắc dĩ" phải làm mẹ đơn thân, nuôi con một mình. Chị M từng có một mối tình sâu đậm với bạn trai nhưng bị phụ bạc. Sau đó, M có tình cảm với người khác, nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. Ở tuổi ngoài 30, M có ý định "liều" sinh con với người yêu hiện tại và đã vấp không ít sự phản đối của người thân, bạn bè. Đa số cho rằng M chưa lường hết hậu quả của việc sinh con, rồi nuôi con khi không có sự hỗ trợ của người chồng và gia đình.

Mong muốn có con là nhu cầu chính đáng. Vượt qua mọi sức ép về tâm lý và dư luận, tự giải phóng cho mình, ngoài nỗ lực của bản thân, người mẹ đơn thân rất cần sự thông cảm và chia sẻ của dư luận xã hội và các cơ quan, đoàn thể.  Bởi lẽ khi quyết định trở thành bà mẹ đơn thân, người phụ nữ và những đứa con của họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh