THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:11

Mẹ chủ quan mô tả sai bệnh, con từ viêm họng thành viêm phế quản

 

Hình minh họa.


"Em cứ nghĩ đó là do long đờm, ai dè bị nặng thế"
Chúng tôi vừa tiếp nhận cháu nhỏ 2 tuổi, con trai chị Đỗ Thị L., (26 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội). Đây là lần thứ 2 cháu vào viện với diễn biến rất nặng.
Lần thứ nhất, cháu chỉ đến khám bệnh sơ sơ. Theo như chị L thông báo là cháu có sốt 7 ngày trước đó. Chị thấy cháu có vẻ ọe ọe mỗi khi ăn uống chị nghĩ, sốt lại có ọe như này, chắc thằng nhóc bị viêm họng rồi. Chị liền đi ra hiệu thuốc, mua một ít kháng sinh. Uống được 2 ngày, chị tự dưng thấy cháu có ho. Chị lại chạy ra hiệu thuốc mua ít thuốc long đờm vì cho là long đờm ra sẽ khỏi. Nhưng uống long đờm đến ngày thứ 4 của bệnh mà sốt thì vẫn chưa dứt hẳn, ho thì càng nhiều hơn và dịch nhầy chảy lung tung.
Chị cho cháu nhỏ đến chỗ chúng tôi nói là bé bị ho long đờm, đã khám bác sỹ A, bác sỹ B, thông báo là có nhiều đờm quá, xin bác sỹ cho khí dung. Chúng tôi có hỏi cháu có sốt mấy ngày trước không, chị bỏ qua và nằng nặc con nhà em chỉ cần khí dung là hết vì đờm nhiều. Các bác sỹ và các anh chị bán thuốc bảo chỉ cần khí dung là đỡ. Chúng tôi hướng dẫn chị là nếu khí dung đơn thuần thì chị chỉ cần mua thuốc pulmicort và ventolin về khí dung là ổn. Khám bệnh cho cháu, thấy cháu sốt khá nhẹ (do uống kháng sinh) nên chúng tôi nghĩ là bệnh nhẹ. Hỏi mẹ cháu thì bảo mới uống thuốc hôm qua và sốt cũng chỉ thế này (???). Chúng tôi thấy không cần phải điều chỉnh thuốc với một trường hợp mới sốt và sốt nhẹ như thế này.
Nhưng khí dung được 3 ngày thì đột nhiên chúng tôi thấy chị hộc tốc vác cháu tới. Trên tay đứa nhỏ đang sốt cao và khó thở càng dữ dội. Thì ra cháu bé đã không có tiến triển với bệnh. Mẹ cháu đã thông báo sai tiến trình bị bệnh của cháu. Với sốt nhẹ uống thuốc như vậy là đỡ. Trên thực tế, cháu nhỏ không sốt nhẹ mà sốt khá cao. Đã uống thuốc tới ngày thứ 5 mà không cắt sốt. Đến với chúng tôi trong tình trạng sốt cao, khó thở, tiếng thở khò khè, xen lẫn tiếng rít trong phổi. Chúng tôi xác nhận cháu bé bị viêm phế quản co thắt, một biến chứng khá nặng của một viêm họng cấp đơn thuần.
Nguyên nhân chính là do mẹ bé chủ quan: em cứ tưởng là nhẹ, là do long đờm, em tự mua thuốc về điều trị, ai dè nặng thế. Vậy với các bé sốt bệnh, các bà mẹ cần làm gì khi đưa con đi khám?
Hãy thông báo sát
Có rất nhiều việc phải làm với một bé nhỏ sốt và bệnh. Điều đầu tiên, chúng tôi mạnh mẽ khuyên các bà mẹ không nên tự mua kháng sinh cho con uống. Khi một em bé có sốt, điều đó chứng tỏ em bé hoặc đã nhiễm vi rút hoặc đã nhiễm vi khuẩn. Đây là 2 trường hợp thông thường nhất có sốt. Nếu mẹ bé cố tình đi mua kháng sinh và cho uống thì sẽ làm thay đổi hẳn triệu chứng của bệnh. Bé sẽ giảm sốt nhưng không cắt sốt vì uống kháng sinh không đủ liều. Khi đi khám, bác sỹ sẽ lầm lẫn từ một số nặng ra thành một sốt nhẹ. Từ một đáp ứng thuốc kém (kháng sinh mà không cắt bệnh) thành một đáp ứng thuốc tốt (mới dùng có 1 ngày đã giảm bệnh). Bác sỹ cũng không thể phát hiện ra chính xác khi em bé đã dùng kháng sinh thì mọi biểu hiện viêm như viêm mũi, viêm họng, viêm tai đều bị lu mờ hết. Do vậy, rất không nên tự mua kháng sinh về cho uống và các dược sỹ bán thuốc cũng rất không nên bán và tư vấn cho bệnh nhân uống kháng sinh khi không được trực tiếp thăm khám em bé.
Điều thứ hai chúng tôi nhấn mạnh, các bà mẹ cần mô tả rất trung thành, rất rõ triệu chứng bệnh, diễn biến bệnh, ngày bị bệnh, ngày có can thiệp, đã khám ở đâu, đã dùng thuốc gì, đã dùng bao nhiêu ngày, triệu chứng ban đầu có gì, triệu chứng hiện tại có gì. Đây là những dữ liệu nền chỉ mẹ bé mới có mà bác sỹ không thể có. Đây cũng là dự liệu nền để bác sỹ định vị cháu nhỏ đang ở mức độ bệnh ra sao. Từ đó, chúng tôi mới nhận biết rõ bé bị bệnh gì, có thể diễn biến như thế nào. Nếu bé sốt 3 ngày nhưng các mẹ chỉ bảo mới sốt ngày hôm qua sẽ làm thay đổi nghiêm trọng tính chất diễn biến bệnh. Nếu các cháu nhỏ sốt cao nhưng mẹ bé lại thông báo chỉ sốt nhẹ nhè như thế này thì cũng làm sai lạc ngay chẩn đoán.
Còn nhiều việc khác các mẹ cần làm, nhưng khi đưa em bé đi khám, các mẹ nên cùng giúp đỡ bác sỹ chẩn bệnh bằng cách làm tốt 2 việc trên. Tránh trường hợp chỉ một viêm họng nhẹ thành một viêm phế quản co thắt nặng như trường hợp ở trên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh