Mẹ 9x kể chuyện đi đẻ ở Phụ sản Hà Nội hết 28 triệu đồng, bác sĩ "mổ nhanh như cơn gió" nhưng vẫn có vài vấn đề bất tiện
- Bác sĩ
- 21:58 - 24/06/2020
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (25 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau nhiều đắn đo, suy nghĩ cuối cùng chị quyết định sinh con tại Khoa dịch vụ D3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Vì là sinh con lần đầu nên chị muốn chọn một bệnh viện chuyên khoa cho yên tâm.
Ban đầu chị Ngọc dự định sinh thường, nhưng khi đi khám mốc 38 tuần thì có dấu hiệu suy thai nên chị phải nhập viện mổ gấp. Trước đó, chị đã kịp chọn một bác sĩ để đỡ đẻ cho mình, khi đang chuẩn bị vào viện, chị đã được bác sĩ này gọi điện động viên, hướng dẫn hỗ trợ từ A-Z nên bà mẹ trẻ cảm thấy mình đi đẻ mà nhàn như đi chơi.
"Sau khi vào viện mình bắt đầu được làm các thủ tục trước khi vào phòng mổ. 6h30 mình phòng 101B đưa sổ khám, y tá khám trong, đo tim thai, thay quần áo của bệnh viện. Xong xuôi mình ra làm thủ tục nhập viện và nộp tiền tạm ứng là 25 triệu đồng. Y tá sẽ hỏi sản phụ việc có chọn bác sĩ mổ hay không?
Sau đó mình được dẫn đi xuống khu chờ sinh, tiếp tục khám trong, đo tim thai,... rồi lên xe lăn đẩy xuống khu vực phòng mổ. Gần 8h30 vào phòng mổ, bác sĩ đón từ cửa, đưa mũ và bao chân cho đi rồi lên giường làm các thủ tục đo huyết áp, đặt ống thông tiểu, tiêm gây tê...
"Nhanh như cơn gió", mình chưa kịp cảm nhận gì thì bác sĩ đã gọi bảo: "Em bé ra rồi đấy". Hai mẹ con được da kề da, bác sĩ cũng chụp ảnh giúp rồi gọi điện cho ông xã của mình để vợ chồng nói chuyện với nhau. Khâu xong thì mẹ về phòng hậu phẫu và sáng hôm sau thì mới đoàn tụ với con.
Trưa hôm đấy mình đã có thể dậy đi lại được rồi. Đến chiều thì mình đi lại bình thường, ra hành lang, sang phòng khác chơi. Mọi người ai cũng hỏi đẻ thường à? Không bị rạch à? Không ai tin mình đẻ mổ. Bác sĩ mát tay, mổ mà mẹ không thấy đau, con thì ngoan chỉ khóc khi đói nên hai vợ chồng chăm con cũng thấy nhàn" - chị Ngọc kể về hành trình đi đẻ suôn sẻ của mình.
Chị Ngọc cảm thấy rất hài lòng về đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. 3 ngày ở viện, hàng ngày đều có bác sĩ đến khám bé riêng, khám mẹ riêng. Mỗi ngày chị được hỗ trợ vệ sinh 3 lần, vệ sinh vết mổ một lần, kiểm tra nhiệt độ, sản phụ cần hỗ trợ gì thì gọi số trực sẽ có y tá đến hỏi han. Đêm thứ hai ở viện chị Ngọc bị cương sữa và lập tức cũng có y tá đến hỗ trợ hướng dẫn. Đặc biệt là bác sĩ mổ rất ân cần, nhẹ nhàng, ngày nào cũng nhắn tin hỏi thăm tình hình hai mẹ con. Lúc ra về còn được bác sĩ, y tá tiễn chân ra tận xe.
Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề chị Ngọc cảm thấy còn bất tiện như việc bệnh viện vẫn chưa có dịch vụ chuẩn bị đồ ăn cho sản phụ nên người nhà của chị vẫn phải mang cơm vào hàng ngày.
Đêm đầu tiên do phòng khép kín giá 1 triệu đồng/đêm đã hết nên chị Ngọc được xếp nằm phòng giá 600 nghìn đồng/đêm, nhà vệ sinh ở xa cách khoảng 5m. "Mình thì thấy thích phòng 600 nghìn hơn vì nhà vệ sinh sạch sẽ, rộng rãi. Còn thực ra phòng nào cũng như nhau, đủ kê 2 giường, nếu người nhà kê giường gấp nằm ở dưới thì sẽ bị chật, vướng lối đi. Mình đẻ mùa hè đã nóng, ở phòng chật chội càng thấy nóng hơn" - chị Ngọc cho hay.
Về chi phí đi đẻ của chị Ngọc hết tổng cộng hơn 28 triệu đồng (chưa trừ bảo hiểm y tế). Trong đó gồm các chi phí:
- Sinh mổ: 13 triệu đồng.
- Giảm đau sau sinh: 3,5 triệu đồng.
- Phòng nghỉ: 2,6 triệu đồng/3 đêm.
- Chiếu tia plasma: 1,8 triệu đồng/3 lần.
- Sàng lọc sau sinh cho con: 3,7 triệu đồng.
- Tắm gội khô: 380 nghìn đồng (tắm khô thực chất là lấy khăn ướt lau người).
Ngoài ra còn các chi phí như vệ sinh vết mổ, thuốc men trong 3 ngày ở viện.
Sau lần đi đẻ của mình, chị Ngọc kết luận: "Nếu để nói đi đẻ mà như đi nghỉ dưỡng thì phòng ốc của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không thể đáp ứng được. Nhưng về mặt chuyên môn, thái độ của y bác sĩ thì không có gì để phàn nàn".
Hy vọng, những chia sẻ của chị Ngọc sẽ giúp cho các mẹ bầu sắp có thêm thông tin để tham khảo và lựa chọn cho mình một bệnh viện phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng của mình. Chúc các mẹ sớm "mẹ tròn con vuông".