Máy tự lọc máu tại nhà cho người suy thận
- Sức khỏe
- 22:11 - 30/07/2019
Bệnh nhân 40 tuổi ở Tiền Giang bị suy thận giai đoạn cuối kèm suy tim nặng, nếu chạy thận nhân tạo sẽ có nhiều biến chứng. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã tư vấn phương pháp lọc màng bụng bằng máy tự động cho anh. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện và tiếp tục thực hiện lọc màng bụng tại nhà.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, so với các phương pháp điều trị thay thế thận trước đây, lọc màng bụng được đánh giá là có nhiều ưu điểm, đặc biệt đối với người bắt đầu điều trị thay thế thận.
"Ghép thận giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt nhất, nhưng khó khăn khi phải tìm được thận phù hợp. Nếu chạy thận nhân tạo, người bệnh phải vào bệnh viện 3 lần một tuần", bác sĩ Thảo nói.
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được điều trị bằng máy lọc màng bụng tự động. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phương pháp lọc màng bụng còn gọi là thẩm phân phúc mạc, tức dùng màng bụng để lọc sạch các chất độc và nước dư thừa do suy thận. Dung dịch thẩm phân được cho vào khoang màng bụng, khoảng 6 giờ sau xả dịch này ra và cho dịch mới vào. Thay dung dịch như vậy 4 lần trong một ngày.
Giá máy khoảng 140 đến 160 triệu đồng, bệnh nhân phải tự mua. Chi phí lọc màng bụng bằng máy gồm vật tư tiêu hao cho máy như các ống thông catheter, túi đựng dịch... khoảng 18 triệu đồng mỗi tháng.
Máy lọc màng bụng tự động giúp máu được lọc liên tục, gần giống với chức năng thận tự nhiên, môi trường bên trong cơ thể ít bị xáo trộn. Phương pháp này cho phép người bệnh thay dịch màng bụng tại nhà. Máy được kết nối với bệnh nhân vào ban đêm khi ngủ, ban ngày để bụng trống cho bệnh nhân tự do sinh hoạt thoải mái như người bình thường
Bác sĩ, điều dưỡng chuyên trách lọc màng bụng sẽ huấn luyện trực tiếp cho người bệnh vận hành máy, xử trí các báo động máy. Người bệnh cùng gia đình cũng cần có sự liên lạc thường xuyên, tư vấn hướng dẫn qua điện thoại với y bác sĩ ở cơ sở y tế lọc màng bụng.
Chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân khi sử dụng phương pháp lọc màng bụng tự động ít nghiêm ngặt hơn. Người bệnh duy trì được nước tiểu, ít biến động huyết áp, nhiễm trùng máu và viêm gan siêu vi hơn so với các phương pháp khác.
Bác sĩ Thảo khuyên người bệnh đừng quá bi quan khi bị suy thận giai đoạn cuối. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện nay cho phép có rất nhiều phương pháp điều trị để lựa chọn phù hợp với từng người. Bệnh nhân cần giữ tinh thần lạc quan, tích cực trong điều trị, đến những cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được tư vấn phương pháp điều trị thay thế thận thích hợp nhất.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và 8.000 bệnh nhân mới mỗi năm. Khoảng 800.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu, chiếm 0,1% dân số. Bệnh nhân thận mạn tính trung bình 3 lần trong một tuần phải chạy thận nhân tạo chu kỳ để duy trì sự sống. Một năm, bệnh nhân chạy thận nhân tạo tiêu tốn từ 100 đến 150 triệu đồng.
Theo VNEXPRESS